Họ giải khuây thế nào nếu không hát karaoke?

05/03/2021 - 07:29

PNO - Cùng những giải pháp mang tính chặn đứng vấn nạn karaoke tự phát, cần có các giải pháp mềm hướng đến thay đổi thói quen, phương thức cân bằng cho người dân...

Ít nhất 4/7 tối trong tuần, nhà anh V.H. hát karaoke gây ầm ĩ cả một góc khu dân cư trên đường Ni Sư Huỳnh Liên, Q.Tân Bình, TP.HCM, nơi tôi ở trọ gần hai năm qua. Nhiều khi, cách nhà anh một căn, bà T. và con gái cũng bật karaoke lên hát, tạo nên thứ âm thanh hỗn tạp vô cùng khó chịu.

Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình kéo sang mắng vốn, đề nghị ngưng hát hoặc vặn nhỏ âm thanh để con em họ học bài, thậm chí gọi vào đường dây nóng của cơ quan chức năng nhưng được vài hôm, đâu lại vào đấy. 

Có lần, phải nghe tiếng ồn vượt quá sự chịu đựng, tôi đã nghiêm túc sang nói chuyện, liền được anh H., bà T. hồi đáp: “Buồn quá, không biết làm gì”, hoặc “Cả ngày đi làm mệt, ức chế đủ chuyện, về nhà gào thét chút cho khuây khỏa”, hay “Mấy anh em nhậu, không hát hò thì kém vui”.

Vậy đó. Sau một ngày làm việc mệt nhoài, người ta cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng người khác lại cần được “xả” sau một ngày lao động vất vả, cũng đều để cân bằng tâm sinh lý.

Trong cuộc sống, mỗi người đều bị tác động bởi môi trường sống và làm việc, họ phải tìm cách để bản thân được ổn định, cân bằng, và đối với một số người, hát karaoke là một cách. Nhưng, việc hát karaoke lại gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng chất lượng sống của những người xung quanh. Một hành vi ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng ắt phải thay đổi, tuân theo đúng các yêu cầu của cơ quan quản lý.

Sự thay đổi chỉ hiệu quả khi nó được bù đắp bằng một hình thức nào đó phù hợp chứ không phải theo mệnh lệnh, duy ý chí. Anh H., bà T. hay hàng vạn người, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp, sẽ làm gì trong những tối “buồn quá” hay sau một ngày chịu nhiều ức chế, cần được giải tỏa?

Họ không thể đến các khu vui chơi, trung tâm mua sắm đầy những dịch vụ tiện ích với chi phí nằm ngoài khả năng chi trả. Theo đề tài nghiên cứu “Hoạt động giải trí nơi công cộng ở TP.HCM” của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, các cơ sở giải trí công, tức được “trợ giá” tối đa hoặc miễn phí, như công viên, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa không đủ sức hấp dẫn.

Còn theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM, nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người lao động chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho người lao động còn thiếu và dàn trải.

Phương thức cân bằng của từng người phần lớn phụ thuộc vào lựa chọn cá nhân. Nhưng thực tế là người ta có quá ít sự lựa chọn để đáp ứng đúng nhu cầu. TP.HCM vẫn còn thiếu “sân chơi” phù hợp dành cho người dân, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp.

Mỗi cá nhân có những thói quen riêng, thú tiêu khiển riêng; muốn từ bỏ hay giảm bớt chúng, người ta thường dùng một thói quen, thú vui khác lấp vào. Việc hát karaoke “mọi lúc, mọi nơi” gây ồn ào cũng vậy, nó sẽ giảm đi hoặc biến mất khi người dân có những thói quen giải trí khác thú vị hơn và không gây phiền hà.

Thiết nghĩ, đi cùng những giải pháp mang tính chặn đứng vấn nạn karaoke tự phát, cần có các giải pháp mềm hướng đến thay đổi thói quen, phương thức cân bằng cho người dân ở khu dân cư, như có nhiều điểm hoạt động thể dục, thể thao, các câu lạc bộ cầu lông, cờ tướng, đờn ca tài tử, các chương trình, phong trào văn nghệ. Suy cho cùng, chẳng ai sống chỉ để làm việc và trở về lặng câm trong bốn bức tường.

Tuyết Dân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI