Dù là thành phố tập trung số lượng nghệ sĩ đông đảo lấn át những địa phương khác, nhưng nhiều năm qua, TP.HCM dường như vẫn bị lép vế so với Hà Nội về những live show âm nhạc, lễ hội âm nhạc đẳng cấp. Từ lâu, việc “khát” một bữa tiệc âm nhạc đúng nghĩa đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các phương tiện truyền thông. Ngay cả khi những thông tin ban đầu của Hò dô 2019 được công bố hồi giữa tháng Mười, một số người vẫn băn khoăn về một chương trình âm nhạc xứng tầm được hiện thực hóa như tên gọi của nó…
Thế nhưng, không khí âm nhạc suốt ba ngày qua tại đường đi bộ Nguyễn Huệ đã chứng minh một điều: TP.HCM cũng có một lễ hội âm nhạc quốc tế… ngon lành như ai.
Cái sự “ngon lành” và “hay không tưởng” ấy thể hiện qua việc quy tụ được nhiều sắc màu, nhiều cá tính, nhiều tiếng nói đến từ Việt Nam, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Columbia, Bỉ, Mông Cổ, Trung Quốc, Úc và Pháp… trên cùng một sân khấu; nhưng vẫn nhận ra một hơi thở của Nga từ nhóm nhạc hòa tấu Esse-Quintet, một tinh thần Nhật Bản qua tiếng trống Taiko của nhóm Team Sai, chất La-tinh ngẫu hứng của nhóm nhạc người Cuba Vocal Tempo…
|
Hò dô 2019 khởi đầu cho sáng kiến tổ chức lễ hội Âm nhạc quốc tế thường niên của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM một cách thành công |
Đến với Hò dô, khán giả được trải nghiệm âm nhạc một cách phong phú với các thể loại âm nhạc World Music, Jazz, Pop, Rock, Funk, dân gian đương đại... được chọn lọc và giới thiệu. Cũng là lần đầu tiên, ở Hò dô, một ban nhạc đa quốc gia mang tên The Cosmopolitant Urbane gồm những tay chơi nhạc cụ hàng đầu Việt Nam và Úc được thành lập. Không có ranh giới, và chỉ có âm nhạc là nhân vật duy nhất được tôn vinh.
Đặc biệt, chất “hò dô” - được nối từ cây đàn nhị mang tinh thần world music của Ngô Hồng Quang, những bài lý đặc trưng của Nam bộ được khoác áo hòa âm mới bởi tài năng của Lê Thanh Tâm, đến màn chào sân của Saigon pop orchestra, sự đổ bộ của những gương mặt cũ đã định hình được tên tuổi như các ca sĩ Hà Trần, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, saxophone Trần Mạnh Tuấn… cũng như những gương mặt mới đầy ấn tượng như nhóm nhạc Yellow Star, Chillies… cũng đủ để giới thiệu một chân dung âm nhạc Việt Nam có kế thừa, có phát triển từ cái mạch nguồn âm nhạc truyền thống dân tộc ấy.
Đặc biệt, Nguyên Lê và Cường Vũ - hai nghệ sĩ nổi tiếng gốc Việt cũng trở về, làm cho không khí âm nhạc càng đặc quánh trên sân khấu của lễ hội âm nhạc quốc tế đầu tiên của TP.HCM.
So với các live show cá nhân đề cao tính cá nhân và giới hạn đối tượng công chúng nhất định, lễ hội âm nhạc hấp dẫn ở chỗ, ở đây, Hà Trần, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh… không còn là những ngôi sao hay diva, vai trò cá nhân, nếu có, cũng chỉ là một cái cớ rất nhỏ, nhường chỗ cho cái tổng thể không khí âm nhạc phủ đầy, cộng hưởng từ sự thăng hoa của các nghệ sĩ, đến sự đắm chìm của khán giả trong một không gian, diễn ra nhiều giờ, nhiều ngày, thậm chí là một sự lưu luyến, đáng nhớ về sau.
|
Nhóm nhạc Japanese Drum Team SAI đến từ Nhật Bản trình diễn máu lửa tại Hò dô 2019. Ảnh: Minh Thanh |
Nói như giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Huy Tuấn, “chính sự phong phú của các thể loại và đa dạng thành phần nghệ sĩ tham gia khiến chúng ta cởi mở hơn với những bất ngờ mà trước đó, chúng ta chưa từng được trải nghiệm và thưởng thức”.
Sân khấu Hò dô 2019 được trải dài trên đường đi bộ Nguyễn Huệ. Bữa tiệc âm nhạc thực sự bắt đầu từ 19g nhưng được hâm nóng liên tục tới gần nửa đêm. Ngày đầu, khán giả còn dè dặt, nhưng sang ngày thứ hai, thứ ba, càng lúc càng đông, càng hăng, càng phấn khích. Thậm chí, khi chất la-tinh ngẫu hứng, dân dã vang lên, nhiều khán giả không phân biệt quốc tịch, màu da, cùng nhau hưởng ứng nhảy cùng nghệ sĩ trên sân khấu. Những cái ôm. Những tiếng vỗ tay. Những nụ cười hạnh phúc của những bác lao công, những người già, những em nhỏ, những người lao động bình thường nhất dựa vào hàng rào gần sân khấu chăm chú nghe nhạc.
Lần đầu tiên, tại TP.HCM, tôi thấy âm nhạc dành cho mọi người là như thế nào. Và có lẽ, cũng là lần đầu tiên, tôi nhận ra, âm nhạc đã diễn dịch một cách đầy đủ, sinh động nhất hai chữ “thụ hưởng” mà nó mang lại là như thế nào. Mà, thiết chế văn hóa của một quốc gia nói chung, hay một thành phố nói riêng, nói cho cùng, nếu chẳng phải đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của công chúng, thì là gì?
|
Cao Bá Hưng kết hợp trình diễn cùng nhóm Percussion Volcano tiết mục hoà tấu Gióng. Ảnh: Minh Thanh |
Theo dõi Hò dô 2019, có thể thấy rất rõ sự cố gắng của TP.HCM khi lần đầu tiên đứng ra tổ chức một lễ hội âm nhạc quốc tế của thành phố, cũng như tâm huyết của đội ngũ nghệ sĩ, tình nguyện viên, đặc biệt nhạc sĩ Huy Tuấn khi đứng ra phụ trách nhiệm vụ giám đốc âm nhạc, lên khung nội dung chương trình lẫn kết nối nghệ sĩ. Tuy nhiên, vì đây là lần đầu TP.HCM đứng ra tổ chức một lễ hội âm nhạc lớn, nên không tránh khỏi một số điểm bất cập, cần rút kinh nghiệm.
Đáng nói nhất là khâu truyền thông, tuyên truyền, quảng bá còn nhiều lúng túng, chậm, thiếu nhạy bén, sự kết nối giữa Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM và Sở Du lịch TP.HCM còn rời rạc. Nếu làm tốt, có thể số lượng khán giả còn đông hơn nữa.
Cốc Vũ