Ho dai dẳng, cụ bà bất ngờ phát hiện dây kim loại mắc sâu trong họng

11/04/2025 - 10:31

PNO - Cụ bà ở Nam Định nhiều ngày ho dai dẳng, tự điều trị bằng nhiều loại thuốc ho nhưng không đỡ khiến tình trạng ăn uống kém và mất ngủ nghiêm trọng.

Cụ bà ho dai dẳng vì sợi kim loại mắc sâu trong họng mà không hề biết - ảnh: BVCC
Cụ bà ho dai dẳng vì sợi kim loại mắc sâu trong họng mà không hề biết - Ảnh: BVCC

Nhiều tuần trở lại đây, bà N.T. T. (79 tuổi, ở tỉnh Nam Định) ho kéo dài không rõ nguyên nhân. Bà không sốt, không đau họng, không có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp, chỉ cảm thấy đau vùng mang tai trái mỗi khi nuốt.

Trước đó, cụ đã tự điều trị bằng nhiều loại thuốc ho nhưng không thuyên giảm, tình trạng kéo dài khiến cụ mệt mỏi, ăn uống kém và mất ngủ nghiêm trọng.

Tại phòng khám chuyên khoa của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được chỉ định nội soi tai mũi họng để tìm nguyên nhân. Kết quả nội soi cho thấy có dị vật là mảnh kim loại nhỏ, sắc, cong nhẹ như đoạn sợi dây nằm sâu trong khe amidan trái. Đây là vị trí rất khó quan sát bằng mắt thường.

Các bác sĩ đã nội soi gắp dị vật, sau đó, cơn ho biến mất hoàn toàn, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt.

Bác sĩ Trịnh Thùy Liên - chuyên khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) - cho hay, dị vật đường tiêu hóa trên, đặc biệt là những dị vật nhỏ và sắc nhọn, có thể “ẩn mình” trong cơ thể nhiều ngày mà không gây triệu chứng rõ ràng.

Đặc biệt ở người cao tuổi, do phản xạ nuốt và ho suy giảm, việc phát hiện dị vật trở nên khó khăn hơn. Các biểu hiện như ho kéo dài, cảm giác vướng họng hay nghẹn khi nuốt, dù nhẹ đều có thể là dấu hiệu cảnh báo dị vật hoặc tổn thương vùng hầu họng.

Các bác sĩ lưu ý thêm rằng, người cao tuổi, trẻ nhỏ, người đeo răng giả hoặc có bệnh lý thần kinh là những đối tượng dễ nuốt phải dị vật mà không nhận ra. Ngoài ra, thói quen ăn vội, nhai không kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện hoặc cười đùa trong lúc ăn cũng làm tăng nguy cơ.

Trong nhiều trường hợp, người bệnh chỉ có biểu hiện mơ hồ như ho kéo dài sau ăn, cảm giác vướng nhẹ trong cổ họng mà không thấy đau rát hay khó nuốt - những triệu chứng dễ bị bỏ qua.

Để phòng tránh tai nạn do dị vật đường tiêu hóa, người dân nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh nói chuyện, cười đùa trong lúc ăn...

Khi xuất hiện triệu chứng bất thường như ho kéo dài, đau một bên tai khi nuốt, hay cảm giác vướng vùng họng, người bệnh nên đi khám sớm tại cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI