Họ đã về đâu sau đêm qua?

01/04/2020 - 08:22

PNO - Mỗi khi dừng chờ đèn tín hiệu ở giao lộ Võ Văn Kiệt - An Dương Vương (TP.HCM), tôi hay nhìn về hướng vỉa hè sát chân trụ đèn. Ở đó, có một ông già ngà ngà say, một phụ nữ chừng 40 tuổi và hai đứa trẻ. Cả gia đình họ bám trụ trên khoảng vỉa hè chừng 2m2 suốt mấy năm nay, bất kể nắng mưa. Hôm qua, góc vỉa hè bỗng dưng vắng ngắt, gia đình họ không còn ngồi ở đó nữa. Sáng nay, vé số đã tạm dừng phát hành, không biết họ và hàng ngàn người bán vé số khác sẽ đi về đâu.

Những người bán vé số sẽ đương đầu với muôn vàn khó khăn khi phải “nghỉ phép” dài hạn bất đắc dĩ
Những người bán vé số sẽ đương đầu với muôn vàn khó khăn khi phải “nghỉ phép” dài hạn bất đắc dĩ

Lời nhắn của người ở lại

Chị quê ở miền Tây, lên Sài Gòn bán vé số từ hồi còn con gái. Mấy chục năm, có thêm mấy mặt con nhưng thứ không đổi là chị vẫn phải ở trọ. Chị hay giấu nét mặt âu lo, sương gió của mình sau vành nón lá thường đội thụp xuống. Gắn bó gần nửa đời người ở khu Chợ Lớn nhưng chẳng ai biết tên thật của chị. Nhiều lần tôi gặng hỏi, chị nói: “Cái nghề này cần gì tên họ. Bao năm nay, người ta vẫn gọi tôi là “bà vé số” đó thôi”. Một cụ bà đồng nghiệp của chị tiết lộ: “Nó tên Bảy, thuê nhà trọ bên cầu Nhị Thiên Đường, Q.8. Mỗi ngày, nó bán hơn trăm rưỡi tờ vé số mà nuôi hai đứa con đi học ngon lành đó nghen”.

Những thông tin tôi lắp ghép lại được sau nhiều tháng ghé vỉa hè khu Chợ Lớn “ủng hộ” chị Bảy cũng chỉ phần nào khắc họa được chân dung của một “bà vé số”. Hôm qua, ghé lại chỗ chị, người đàn bà ngoài 50 tuổi giọng rầu rầu: “Bán hết bữa nay, mai nghỉ phép dài hạn rồi. Bữa cuối mà cũng ế đều như hồi tết tới giờ”. 

“Nghỉ bán dài ngày, chị có đi kiếm nghề khác làm không?” - tôi hỏi. Chị Bảy kéo sụp nón lá xuống, nói: “Kiếm chớ, nửa tháng trời mà nằm chơi ở nhà, đói sao mầy”. Chị chép miệng: “Mà cũng chưa biết làm gì”. Chị nói, nghe mấy bà “đồng nghiệp” chỉ, mùa này ở mấy khu chung cư, người ta hay thuê dọn dẹp nhà với giá 50.000 đồng/giờ, nhưng phải có người quen giới thiệu. Chắc là từ mai, chị sẽ theo “đồng nghiệp” để kiếm mối làm ăn.

Sau cuộc trò chuyện, tôi chọn một góc đường, đứng đằng xa quan sát. Gần một giờ nhưng có chưa tới 10 vị khách ghé quầy vé số của chị. Gần đến giờ xổ số, chị Bảy tất tả về đại lý trả vé.

Chiều hôm trước, ở khu chợ An Đông, Q.5, ai gặp bà Dũng “vé số” cũng mua giúp một vài tờ để bà có tiền xe về quê. “Bà Dũng vé số” là tên thường gọi của chị Nguyễn Thị Dũng, quê ở H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Dân lao động ở khu chợ An Đông quan tâm đặc biệt đến chị Dũng vì biết hoàn cảnh éo le của chị.

Hôm 30 tết, chồng chị Dũng chạy xe thuê ở Thanh Hóa, chẳng may bị tai nạn, qua đời. Cuối tháng Giêng, chị dắt hết sáu đứa con vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Cuộc ly hương kéo dài chưa đầy hai tháng thì nay, mấy mẹ con chị lại dắt díu nhau về. Chị nói: “Không có việc làm, về quê dễ sống hơn. Ở trong này, sợ gồng gánh không nổi. Với lại, về đợt này để làm giỗ 100 ngày cho ổng luôn”. Nghe chị nói có lý, bà con lao động nghèo ở đây cũng chẳng ai bàn lui vì 14 ngày “ở không” mà lo cho sáu miệng ăn là điều không thể. 

Nghe tin chị Dũng về quê, chị Huỳnh Thị Hạnh - đồng hương Quảng Ngãi - cũng vội vã chạy đến để gửi lời thăm hỏi bà con ở quê. Như có một chút gì đó ái ngại, chị Hạnh gãi đầu: “Tui chỉ gửi lời miệng vậy thôi, chớ bà biết rồi, hôm tết tới giờ, buôn bán được gì đâu mà có tiền. Nói với mấy đứa nhỏ, ít bữa khá khẩm, tui gửi về sau nhen”.

Chuyện về hay ở cũng làm chị Hạnh trằn trọc mấy đêm nay. Chị nói, Sài Gòn đang có dịch, mình từ trong này về quê thì phải tự cách ly ở nhà nửa tháng, cũng chẳng làm ăn gì được. Thôi thì ở lại, chịu khổ một chút nhưng chắc cũng không đến nỗi nào. Chị Hạnh định sẽ bán bữa vé số cuối cùng, tiện thể ngó xem có chỗ nào thuê mướn gì làm tạm trong thời gian nghỉ việc. Chị lạc quan: “Chắc cũng có chớ không đến nỗi gì đâu, phải hông bà Dũng?”. Chị Dũng nhìn chị Hạnh cười trấn an: “Ờ, thôi ở lại thì ráng nhen. Tui cực chẳng đã mới về chứ nếu chỉ có một mình, tui cũng ở lại”.

Mỗi khi dừng ở giao lộ Võ Văn Kiệt - An Dương Vương, tôi hay nhìn về hướng vỉa hè sát chân trụ đèn giao thông. Ở đó, có một ông già, một phụ nữ chừng 40 tuổi và hai đứa trẻ. Cả gia đình họ bám trụ trên khoảng vỉa hè chừng 2m2 suốt mấy năm nay, bất kể nắng mưa. Hôm qua, gia đình họ không còn ngồi ở góc vỉa hè đó nữa.

Tôi hỏi mấy người bán hàng rong gần đó, họ nói: “Nghe vé số dừng phát hành nên họ nghỉ rồi. Chắc họ về quê, chứ nghỉ lâu vậy, ở trên này biết làm gì”. Có lẽ họ nói đúng, một ông già, hai đứa trẻ đang đi học, một phụ nữ dáng người nhỏ thó thì biết làm gì khi không còn vé số?

Người phụ nữ này không biết phải làm gì sau khi tạm dừng phát hành vé số
Người phụ nữ này không biết phải làm gì sau khi tạm dừng phát hành vé số

Nương tựa nhau qua khốn khó

Sau chiều qua, “xóm vé số” ở hẻm 369 Lê Hồng Phong, Q.10 bỗng nhiên buồn hiu. Mấy người ngồi bó gối trong nhà, nhìn ra đường đầy lo âu. Căn nhà số 21 là nơi có nhiều người bán vé số cùng trú ngụ. Có người đã mấy chục năm bán vé số, có người mới vào nghề, như chị Phạm Thị Hiền, quê ở H.Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Chị Hiền cho biết, quê chị đang bị nước mặn xâm lấn, cực chẳng đã, chị mới lên Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Vé số sẽ dừng phát hành từ ngày 1/4, chị chạy đến mấy quán ăn xin rửa chén nhưng hàng quán đóng cửa phòng dịch nên chị chưa biết tính sao.

Nghe chị Hiền thở dài, bà Nguyễn Thị Hoa - quê tỉnh Quảng Ngãi - trấn an: “Thôi không sao đâu! Nhà nước cho dừng phát hành vé số để phòng dịch cũng là nghĩ cho sức khỏe của người dân. Không có việc thì mày ở nhà, tao còn gạo ở quê mới gửi vô tuần trước, nấu ăn chung”.

Ở khu đường Lê Hồng Phong thông với đường Sư Vạn Hạnh, Q.10, có rất nhiều nhà trọ là nơi sinh sống của những người bán vé số. Trước và sau khi có lệnh dừng phát hành vé số, nhiều người ở đây đã chuẩn bị tinh thần đương đầu với khó khăn. Chiều qua, mấy người dân lấy vé ở đại lý vé số của bà Bình trên đường Trần Nhân Tôn đã “họp bàn” sẽ góp tiền nấu ăn chung để giảm chi phí. Mỗi người chịu cực thêm một chút, san sẻ gánh nặng cho nhau.

Mấy hôm nay, lòng vòng ở đường Trần Hưng Đạo, Q.1, không thấy ông Nguyễn Văn Tiền - quê tỉnh Phú Yên - bán vé số. Tôi gọi điện hỏi thăm thì hay tin hai tuần trước, ông Tiền đã về quê tránh dịch. Ông Tiền nói: “Qua tết, gặp dịch bệnh nên vé số rất ế, bà con bán vé số đã về quê gần hết. Tui cũng về quê chơi không hơn cả tuần nay rồi”. Tôi hỏi ông Tiền định chuyển nghề hay chờ hết dịch, vào Sài Gòn mưu sinh trở lại, ông nói: “Nay mai hết dịch tôi vào lại thôi. Bán vé số từ hồi nào đến giờ rồi, không làm nữa thì biết làm gì bây giờ”.

“Nay mai vào lại” cũng là cụm từ mà bà Phạm Thị Mỹ Dung - quê tỉnh Quảng Ngãi - nhắc đến khi trò chuyện với chúng tôi. Do buôn bán ế ẩm, mấy tuần trước bà Dung đã dọn đồ về quê. Bà nói, dịch bệnh thì mọi người đều khổ như nhau, người thu nhập thấp khổ hơn một chút. Nhưng bà tin rằng, dịch bệnh sẽ mau qua, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Sài Gòn rồi đây sẽ đón bà và những người ly hương vào mưu sinh như từ hồi nào đến giờ.

Người ly hương “mắc kẹt” trên quê hương

Đã bước vào tháng Ba âm lịch nhưng “làng ly hương” ở xã Phổ Cường, H.Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn rất đông đúc. Xã Phổ Cường có hơn 46% dân số rời quê mưu sinh, tương đương khoảng gần 7.400 người. Mọi năm, cứ qua rằm tháng Giêng, người dân ở xã này lại rời quê vào Nam mưu sinh, chủ yếu bằng nghề bán hủ tíu gõ. Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc buôn bán ế ẩm nên người dân bị “mắc kẹt” lại trên quê hương của mình với ngổn ngang nỗi lo.

Ông Tạ Văn Ngọt - có gần 20 năm bán hủ tíu ở TPHCM - cho biết: “Nghe tình hình, tui cố nấn ná ở quê, chờ hết dịch mới vào Sài Gòn. Không ngờ ăn tết qua tháng Ba luôn. Hồi tháng Giêng, cũng có vài người vô Sài Gòn bán hủ tíu nhưng được vài hôm lại quay về, vì mỗi ngày chỉ bán được hơn chục tô, không đủ trang trải chi phí”. Nỗi lo lớn nhất của ông Ngọt là đang “chơi không” ở quê nhưng vẫn phải trả tiền thuê nhà trọ ở Sài Gòn.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI