"Trong tim cô, ổng vẫn sống quanh đây. Nhất định trước khi chết, cô phải tìm hai cô gái mù để nhìn lại ánh mắt ông ấy một lần nữa”. Tại lễ “Vinh danh người hiến tạng và kỷ niệm 500 ca ghép thận tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM)” sáng 25/8, bà Nguyễn Minh Phụng (65 tuổi, nhà ở xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM) xúc động kể, khi tôi hỏi về người chồng quá cố.
Dù Việt Nam chính thức triển khai ghép thận khá muộn (sau ca ghép đầu tiên trên thế giới gần 40 năm), nhưng tay nghề của các bác sĩ (BS) Việt Nam rất vững vàng. Sau 5 năm ghép thận, đến 95% bệnh nhân khỏe mạnh, trong đó có 50 người đã sinh con. Tiến sĩ - BS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu, BV Chợ Rẫy khẳng định: “Buổi lễ hôm nay dự kiến đánh dấu đạt mốc 500 ca ghép thận nhưng tính đến chiều tối hôm qua (24/8), chúng tôi đã ghép đến ca thứ 518. Tất cả những thành công này phần lớn là nhờ sự hy sinh của những người hiến một bộ phận cơ thể hoặc toàn bộ thân xác của mình cho người thân yêu hoặc cả những người không cùng huyết thống. Đặc biệt, gần 55% số người hiến tạng là phụ nữ. Đó là động lực để chúng tôi nỗ lực ghép tạng cho nhiều người khác đang có ước mơ trở lại cuộc sống bình thường”.
Ngồi dự lễ, mắt bà Nguyễn Minh Phụng đỏ hoe. Bà sụt sịt chia sẻ: “Chồng tôi nghe được những điều này, chắc ổng vui lắm”. Để có mặt dự buổi lễ tri ân những người đã hiến thân xác cứu người, bà Phụng đã tự chạy xe gắn máy từ H.Hóc Môn đến BV Chợ Rẫy từ lúc 5g sáng. Ông N.H.P. (72 tuổi, chồng bà Phụng) bị bệnh tim suốt 16 năm và vợ chồng ông đã đăng ký hiến toàn bộ thân xác khi qua đời. Thế nhưng, bệnh tim mạch khiến ông đột ngột qua đời khi đang trò chuyện với vợ, các BS không kịp đến lấy mô tạng do đường quá xa. May mắn, hai giác mạc của ông P. vẫn còn tốt và đã cứu được hai phụ nữ dưới 30 tuổi, bị mù cả hai mắt, ngụ tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp. Đặc biệt, chị Bích Ngọc, trú tại tỉnh Đồng Tháp, hiện đang sống hạnh phúc bên chồng và con gái. Cả hai vợ chồng chị bị mù hoàn toàn. Giác mạc của ông P. hiến tặng đã giúp chị Ngọc nhìn thấy ánh sáng cuộc đời.
|
Nhiều ca ghép tạng thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy |
Đôi tay lẩy bẩy, bà Phụng cầm điện thoại ra khoe những hình ảnh chụp vợ chồng bà lúc còn thanh xuân cho chúng tôi xem. Đưa mắt một vòng quanh hội trường, bà Phụng bật mí: “Cô đến đây một phần vì muốn nhìn lại ánh mắt của ổng; người được ghép giác mạc có thể không biết cô nhưng ánh mắt ấy sẽ nhận ra cô. Tiếc là hôm nay cô không gặp được người đó. Từ đây đến cuối đời, nhất định cô sẽ đi tìm hai người này, dù có ở xa chăng nữa. Trong tâm tư, cô vẫn luôn nghĩ ổng đang còn sống. Biết ổng còn sống, tôi cũng có động lực để sống, vậy mà lúc mới hiến giác mạc, nhiều người hàng xóm dị nghị, nói chết như vậy là không toàn thây”.
Trong số 40 cá nhân được vinh danh tại lễ tri ân, có bốn người đã hiến tạng cứu những người xa lạ, không cùng huyết thống; trong đó có gia đình bà Vũ Thị Nương (58 tuổi, nhà ở Lâm Đồng). Khi tôi hỏi đóa hoa trắng bà nhận thay ai trong gia đình tại lễ tri ân, bà bật khóc: “Đó là đứa con trai xấu số. Đúng ngày này năm trước, chúng tôi đưa cháu đi chôn cất”. Khuôn mặt trông khắc khổ, bà Nương kể, con trai đầu của bà là anh Tr.V.M.Ng., 31 tuổi, đã tử vong khi rơi từ tầng 3 của một công ty chăn nuôi gia súc ở Bình Dương.
Suốt gần bảy ngày hôn mê, anh Ng. không nói được với bà câu nào, rồi ra đi vĩnh viễn. Trong lúc đau buồn, lại nghe việc hiến tạng cứu người sẽ giúp con trẻ thanh thản ra đi, bà quyết định hiến tạng của con trai cho y học. Từ thân xác của anh Ng., các BS đã cứu được sáu bệnh nhân khác, gồm một ca ghép tim, một ca ghép gan ở Hà Nội, hai ca ghép thận, hai ca ghép giác mạc tại TP.HCM. Cuộc đời của anh Ng. khép lại nhưng sự sống tiếp tục mở ra khi nhiều người đang sống với một phần cơ thể của anh.
Và ca thứ 500 được vinh danh tại lễ tri ân là một người em đã tự nguyện hiến một quả thận bên trái của mình để cứu người chị suy thận giai đoạn cuối. Nhờ quả thận của em gái mà chị V., 28 tuổi, đã trở về cuộc sống bình thường với người chồng, với con gái của mình. Nhờ những người hiến tạng cho y học mà BV Chợ Rẫy đã giúp nhiều người sáng mắt, nhiều người không phải mỗi tuần ba lần đến chạy thận… Người nhận tạng chủ yếu là những người còn trẻ, còn sức lao động và thường dưới 45 tuổi.
Giáo sư - BS Trần Ngọc Sinh, Phó chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam thông tin: Dù là đơn vị thứ hai tại Việt Nam triển khai ghép thận, nhưng BV Chợ Rẫy đã dẫn đầu cả nước vì đã thực hiện cho hơn 500 ca ghép thận trong 24 năm qua. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đáp ứng được mong ước của ngành y và nhu cầu của người dân. Nếu 500 ca này chỉ được ghép trong vòng một - hai năm, mới đáp ứng đúng nhu cầu, bởi cả nước vẫn còn hơn 10.000 người đang mòn mỏi chờ ghép tạng.
|
Nhiều người đăng ký hiến tạng tự nguyện khi qua đời |
Phó giáo sư - tiến sĩ - BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, vào tháng 12/1992, BV Chợ Rẫy lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép thận cho hai bệnh nhân, với sự hỗ trợ của các BS đầu ngành đến từ Đài Loan và Học viện Quân y (Hà Nội) - nơi ghép thận đầu tiên của Việt Nam. Từ năm 2007, khi “Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác” được ban hành, BV cũng tiến hành ghép tạng từ người chết não đầu tiên, đó là con trai bị tai nạn giao thông hiến cho mẹ ruột. Vào tháng 6/2015, BV đã ghép thận thành công cho hai người từ người hiến bị ngưng tim, mở ra một nguồn tạng hiến mới để tăng số lượng tạng hiến tại Việt Nam. Trong 518 ca ghép thận tại BV Chợ Rẫy, có 489 ca ghép từ thận của người cho còn sống và 27 ca từ người cho chết não hoặc ngưng tim.
Có mặt tại Việt Nam cùng các chuyên gia hàng đầu thế giới về ghép tạng, giáo sư Philip O’Conell - Chủ tịch Hội Ghép tạng thế giới chia sẻ: “Tại Việt Nam, số lượng người hiến nội tạng cứu người còn quá khiêm tốn. Việc ghép thận thành công phụ thuộc nhiều vào số người đăng ký hiến tạng tự nguyện. Do đó, người dân Việt Nam hãy đồng lòng, để giúp nhiều cuộc đời bế tắc được mở ra. Đây là một việc làm nhân đạo được khuyến khích trên toàn thế giới”.
Kết thúc buổi tri ân, nhiều người dân, trong đó có hai cô gái mù, đã đăng ký hiến tạng, khiến các BS vô cùng xúc động.
Văn Thanh