Phó giáo sư, tiến sĩ Vương Thị Ngọc Lan - Trưởng khoa Y, Trường đại học Y Dược TPHCM: Thành phố cho tôi cơ hội học hỏi, mang ơn thầy cô, đồng nghiệp
Đời tôi gắn bó với một nơi thân thuộc của nhiều thế hệ người Sài Gòn. Bệnh viện phụ sản Từ Dũ là nơi tôi sinh ra, làm việc và trưởng thành trong nghiên cứu khoa học. Tại đơn vị hàng đầu về sản phụ khoa của phía Nam, lọt giữa một đầu mối giao lưu hợp tác quốc tế, một trung tâm phát triển bậc nhất về khoa học công nghệ là TPHCM, chúng tôi đã có cơ hội được thể hiện sự năng động, sáng tạo của mình.
Năm 1998, 3 trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam thành công, đã gọi tên thành phố chúng ta. Thành tích đó giúp cá nhân tôi được vinh danh là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1999. Đây quả là bước nhảy vọt trong sự nghiệp. Thành phố là nơi tôi có cơ hội được học hỏi, mang ơn các thầy cô, đồng nghiệp trên con đường nghiên cứu để đến năm 2020, tôi lại đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học xuất sắc trong năm. Năm 2021, tôi được chọn vào Danh sách 100 nhà khoa học xuất sắc châu Á.
Bên cạnh năng động, sáng tạo, điều khiến tôi luôn nhớ là những người dân thật thà, thân thiện, nghĩa tình. Tôi nhớ cái cách họ luôn tạo điều kiện cho mọi người từ nơi khác đến để cùng hội nhập, gắn kết và cùng nhau phát triển. Ngay cả thời điểm rất khó khăn, ấn tượng nhất trong ký ức của tôi vẫn là tình nghĩa của người Sài Gòn. Năm 1978, 3 chị em tôi, lớn nhất mới 8 tuổi. Chị mang sổ đi lãnh gạo. “Về kêu người lớn ra đây” - cô phân phối hàng hóa nói. Chị thật thà thưa luôn: “Cô ơi, con mà về nhà kêu thì chỉ có người nhỏ hơn nữa chứ không có người lớn ạ”. Thời gian đó, mẹ thường phải đi khám chữa bệnh tại các tỉnh ở xa. Từ đó, biết hoàn cảnh gia đình, cô dặn tới kỳ phát gạo chỉ cần ra nộp sổ, cô sẽ nhờ người đẩy vô tận nhà. Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi rõ ràng là tử tế từ bao đời nay rồi.
Đối với Sài Gòn - TPHCM tương lai, tôi mong có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho việc hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn nữa. Khoa học công nghệ, đặc biệt y tế, phải ngang tầm khu vực, không chỉ về kỹ thuật mà cả về học thuật. Đại học đào tạo sinh viên y khoa được quốc tế công nhận, thu hút sinh viên nước ngoài. Những điều này sẽ đồng nghĩa với việc bệnh nhân Việt Nam được phục vụ tốt như các quốc gia phát triển; đồng thời, y tế phát triển sẽ hỗ trợ tốt các lĩnh vực khác, đóng góp cho phát triển kinh tế.
“Thầy giáo 9X” Nguyễn Thái Dương: “Thành tích” của Sài Gòn là sự đa dạng
Một mảng ký ức trong cuộc đời, tôi đặt tên là “Sài Gòn 9X” - thành phố của những năm 1990 với xích lô, xe đạp, ti vi trắng đen hay những chuyến xe lam nổ lạch bạch, mà tôi đã viết: “Còn nhớ xe lam tuôn mờ khói/ Bon bon khắp nơi nơi/ Lao xao tiếng gọi mời…”. Có khi đến một nơi thật đẹp, cảnh vật rất bình yên, nhưng tôi vẫn nhớ quay quắt tiếng còi xe inh ỏi, rồi những cơn mưa rào, như trong bài Thành phố gì kỳ vậy đó.
Có người nói: “Chẳng có ai là người Sài Gòn gốc, ai cũng từ nơi khác tới. Và có một điều nữa, nếu tới tỉnh A. sống trong vòng 10 năm chưa chắc bạn đã trở thành người tỉnh A. Nhưng chỉ cần ở đây 1 năm, bạn đã là người Sài Gòn”. Tôi gốc Long An và ấn tượng về thành phố chắc chắn là sự giao thoa văn hóa vùng miền. Chỉ cần mình là một phần đóng góp vào sự đa dạng thì đã trở thành người Sài Gòn rồi.
Bước sang năm 2024, nghĩa là 3 năm sau dịch bệnh, tôi không dám kỳ vọng gì nhiều. Ngoài mong kinh tế ổn định, tôi quan tâm đến vốn con người của thành phố, nhất là các bạn trẻ gen Z lứa tuổi 18-22. Một bộ phận đang có vẻ hơi bằng lòng với cuộc sống, ít có tinh thần nỗ lực nhiều như thế hệ cha mẹ 7X, 8X làm lụng vất vả, khó khăn hơn, học tập nghiêm túc hơn.
Lớn lên giữa một đô thị thay đổi từng ngày, tuổi trẻ TPHCM nên đặt mục tiêu cao hơn, mang Việt Nam ra thế giới. Muốn thế, giáo dục không phải dạy kỹ năng mà dạy tư duy. Cũng vậy, thế giới đang liên tục đổi thay. Kỹ năng hôm nay nhanh chóng bị kỹ năng ngày mai thay thế. Giáo dục phải định hướng bạn trẻ đọc nhiều để mở tư duy và rèn luyện chỉ một kỹ năng: thích nghi để học nhiều kỹ năng khác.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh: Cái sự dễ sống, thân tình của Sài Gòn là thứ không thể tìm thấy…
Tôi vào Sài Gòn cùng mẹ và 2 chị khi tôi 3 tuổi. Nơi ở đầu tiên của gia đình tôi là cơ quan mẹ - số 8 Lê Quý Đôn. Cũng chính tại đây, trong khuôn viên rộng lớn của công ty xuất nhập khẩu phim (Fafilm Việt Nam), tôi được xem những bộ phim đầu đời, chứng kiến những buổi chiếu ngoài trời cho các gia đình công nhân viên chức và người dân sống lân cận. Tôi nhận thấy sức mạnh của điện ảnh.
Tôi du học Mỹ 4 năm. Đó có lẽ là khoảng thời gian xa Sài Gòn lâu nhất. Tôi nhớ khi còn ở Sài Gòn, tôi có thể đi ăn bất kỳ lúc nào mình muốn, dễ dàng, thuận tiện. Tôi có thể gọi điện rủ bạn bè cà phê cà pháo, uống ly bia hàn huyên tâm sự bất kể giờ nào trong ngày, thậm chí 2g sáng và luôn có một hàng quán nào đó vẫn còn mở cửa. Cái sự dễ sống và thân tình đó của Sài Gòn là thứ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu.
Sau này, khi làm những bộ phim về Sài Gòn, chất liệu để tôi đưa vào phim là sự đa dạng, phong phú về con người ở đây. Trong bộ phim Em là bà nội của anh, các nhân vật có giọng nói từ nhiều vùng miền khác nhau chính là một nét tiêu biểu đặc trưng văn hóa con người nơi đây. Cũng trong bộ phim này, hình ảnh nữ nghệ sĩ Thanh Nga vừa mang biểu tượng của vẻ đẹp thanh xuân vĩnh cửu, nhưng đồng thời cũng là một biểu tượng văn hóa của Sài Gòn.
Kiến trúc Sài Gòn cũng mang dấu ấn đặc biệt. Những ngôi nhà có một khoảng sân phía trước, đáng buồn thay, đang mất dần trong cơn lốc đô thị hóa hôm nay; hay những biệt thự Pháp vôi vàng, những biệt thự Mỹ đá rửa mái bằng, những công trình chủ nghĩa hiện đại… Bạn có thể thấy dấu ấn kiến trúc đặc trưng này ở ngôi nhà của bà Đại trong Em là bà nội của anh, cũng như ngôi nhà cuối hẻm 43 Duy Tân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong phim Em và Trịnh.
Trong đoạn mở đầu, khi nhân vật Michiko đến Sài Gòn vào những năm đầu 1990, tôi cũng cố gắng tái hiện lại không khí thành phố ở thời điểm đó, thông qua những công trình kiến trúc đặc trưng, từ dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, đến Nhà hát TPHCM, thương xá Tax nay đã không còn, đến khách sạn nổi 5 sao ở bến Bạch Đằng cũng đã rời thành phố từ rất lâu.
Tôi đã đi rất nhiều nơi, đến nhiều nước, nhiều vùng miền; cuối cùng, Sài Gòn vẫn là nơi tôi muốn sống. Sài Gòn không chỉ cho tôi cơ hội làm việc mà còn là nơi để tôi gặp nhiều đồng nghiệp tài giỏi, nhiều người bạn tốt. Tôi cũng đã từng lên kế hoạch chuyển thể những câu chuyện trong 2 cuốn sách Chuyện nhỏ Sài Gòn và Sài Gòn bao nhớ của anh Đàm Hà Phú. Với tôi, đó là 2 cuốn sách tuyệt vời nhất về người Sài Gòn: bao dung, bình dị, phóng khoáng và trượng nghĩa. Nếu tìm được nhà đầu tư, tôi nhất định sẽ bắt tay vào dự án.
Nhạc sĩ Quốc Bảo: Đâu đó đằng xa kia, một thế hệ mới giàu tài năng, đức độ luôn hình thành
Dù còn nhiều vấn đề như tiếng ồn, nạn karaoke khắp hang cùng ngõ hẻm, Sài Gòn vẫn là nơi đáng sống. Sống để làm việc, để tạo cho mình một cơ hội. Đây là miền đất mà tôi cảm thấy an toàn nhất, tràn trề sinh lực nhất. Tôi đã sáng tác hơn 1.000 bài hát mà nếu sống ở nơi khác, chắc chắn tôi không làm được như vậy. Tôi sinh ra, lớn lên ở đây. Mảnh đất này cho tôi những cơ hội sống, làm việc và trên tất cả là cảm giác thân quen gần gũi. Rời xa nó, dù chỉ một ngắn ngủi, tôi cũng nhớ nó rất nhiều.
Sài Gòn là chỗ để ta tìm thấy những người giỏi, có ý chí, giàu tiềm năng. Tôi tự hào mình là một người Sài Gòn và kết giao với những người Sài Gòn trước hoặc sau thời tôi, như nhạc sĩ Bảo Chấn, nhạc sĩ Đức Trí. Tôi thấy họ là những người Sài Gòn tài năng, xứng đáng là người con của vùng đất này. Họ đã cống hiến cho một Sài Gòn của chúng tôi, của nhiều anh em khác, tất cả tuổi trẻ và sinh lực. Sau đại dịch COVID-19, cũng chính vùng đất này vươn lên mạnh mẽ, bất chấp nó đã đau thương ra sao. Chúng tôi sống, làm việc vì một Sài Gòn mình yêu thương như máu thịt.
Tôi không có nhiều cơ hội làm việc với các bạn trẻ, chỉ biết đâu đó đằng xa kia, một thế hệ mới hình thành, giàu tài năng, đức độ, yêu và cống hiến hết mình cho vùng đất này. Nhưng tôi cũng phải nói trước, hình như thế hệ trẻ mải mê đeo đuổi nhiều ước mơ quá và họ chưa chắc đã định sống mãi ở Sài Gòn, có dịp là họ bay đi. Đó là điều đáng tiếc.
Nghệ sĩ nhân dân Hồng Vân: Sài Gòn chở che như tình thương của một người mẹ
Cảm giác lần đầu đặt chân đến Sài Gòn, năm tôi 9 tuổi, là một cảm giác bình yên khó diễn tả bằng lời. Tôi lúc đó nhỏ xíu, đứng lọt thỏm trên boong tàu cùng mẹ và em trai. Sông Sài Gòn mênh mông như ôm cả đất trời. Đập vào mắt tôi là hình ảnh người mẹ miền Nam mặc áo bà ba, đầu đội nón lá, tay cầm mái chèo dịu dàng rẽ nước. Bất giác tôi đưa tay làm loa gọi thật lớn: “Mẹ ơiiiiii”.
Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác an toàn, ấm áp trong tiếng gọi mẹ ơi năm nào. Đó là cảm giác về một vùng đất mới, nơi tôi sẽ lớn lên và nhận được mọi nâng đỡ, chở che, bao dung… như tình thương của một người mẹ.
Thành phố này đã chắt chiu, nuôi dưỡng tôi, từ một con bé nhà nghèo, mỗi mùa hè xin mẹ đi phụ bưng nước mía kiếm tiền ở một cái tiệm có nhạc trên đường Nguyễn Huệ, cho đến khi khôn lớn, mê cải lương vì quá yêu quý cô Thanh Nga, nên quyết định theo nghệ thuật đến giờ. Có những nơi chốn ở thành phố này đã chứng kiến bao thăng trầm, buồn vui, sướng khổ của tôi trong hơn nửa đời người.
Đó là nhà văn hóa quận Bình Thạnh, nơi tôi có vai diễn đầu tiên với vở tốt nghiệp Cầu hôn, tiền cát-sê đủ để tôi may 1 chiếc áo mút-xơ-lin màu rượu chát cho mẹ và 1 chiếc màu đỏ cho mình. Đó là rạp hát Cao Đồng Hưng, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gặp được thần tượng Thanh Nga bằng xương bằng thịt. Đó là sân khấu 5B Võ Văn Tần, cái nôi nghệ thuật mà từ đó tôi đã có những bước ngoặt lớn trong đời. Đó là Bệnh viện Từ Dũ, nơi các con tôi, Xí Ngầu, Trê Phi, Bí Ngô lần lượt chào cuộc sống… Đó là những nơi chốn mà mỗi khi nhớ đến, cảm giác êm đềm, tiếc nuối cứ đan xen xâm chiếm và lòng tôi ngập tràn biết ơn.
TPHCM cho tôi quá nhiều cơ hội để làm nghề, quá nhiều may mắn để gặp gỡ những con người tài năng, đức độ. Anh Thế Ngữ đã đo ni đóng giày cho tôi trong vở diễn Ông mất gà, bà mất nết đình đám thời bấy giờ. Đây là tiết mục đã đem về tiền tài, vật chất cho tôi: phát hành trên video, đi show khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Chú Huỳnh Minh Nhị là người đưa tôi về đài truyền hình, cho tôi những mối quan hệ trong nghề nghiệp, từ đó tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với bao nhiêu con người tài năng khác. Người đưa tôi về đoàn kịch chuyên nghiệp của thành phố là ba Văn Thành. Còn người dạy tôi đắc nhân tâm, có những định hướng đúng đắn và vững vàng về lý tưởng là Lê Duy Hạnh. Không có 4 con người này, chắc chắn sẽ không có tôi của hôm nay. Chỉ tiếc là tất cả đã nằm xuống với đất mẹ muôn đời.
Hồng Hạnh - Quốc Ngọc
Ảnh do nhân vật cung cấp