‘Họ đã đánh cắp đời tôi’: Sự thật sau câu chuyện ép triệt sản tại Nhật Bản

06/04/2018 - 06:22

PNO - Luật Bảo vệ ưu sinh đã khiến 16.500 người phải triệt sản nhằm loại bỏ nguy cơ sinh ra những đứa trẻ "kém chất lượng" tại Nhật.

Junko Iizuka mới 16 tuổi khi được đưa đến một phòng khám ở phía đông bắc Nhật Bản và bị ép tiến hành cuộc phẫu thuật bí ẩn, mà sau đó bà nhận ra rằng sẽ khiến mình không thể có con.

Junko Iizuka cho biết: "Tôi được gây mê và rồi không nhớ được gì nữa. Khi tỉnh dậy, tôi đang nằm trên giường và thấy một chiếc bồn rửa. Tôi muốn uống nước, nhưng người ta nói rằng tôi không được phép”.

Khi ấy, Iizuka đang làm công việc của một quản gia. Bà từng nghe lỏm được một sự thật gây sốc từ bố mẹ, rằng mình là một trong 16.500 người sẽ phải trải qua biện pháp bắt buộc theo luật Nhật Bản nhằm ngăn chặn sự ra đời của những đứa trẻ “kém cỏi”.

‘Ho da danh cap doi toi’: Su that sau cau chuyen ep triet san tai Nhat Ban
Junko Iizuka chỉ mới 16 tuổi khi bị triệt sản bắt buộc. Ảnh: The Guardian

Năm 1963, ống dẫn trứng của bà đã bị thắt vì bà bị nghi ngờ có khiếm khuyết về mặt thần kinh. Để rồi, 55 năm sau, khi nói về những hậu quả để lại của ca phẫu thuật đó như đau dạ dày dai dẳng và ảnh hưởng tâm lý nặng nề, Iizuka không thể kìm nén sự xúc động trong giọng nói của mình.

“Tôi đã đến Tokyo để hỏi xem liệu có cách nào đảo ngược kết quả cuộc phẫu thuật hay không. Nhưng người ta đã nói điều đó là không thể. Họ đã đánh cắp cuộc đời tôi”, Iizuka nói.

Một nạn nhân khác của việc triệt sản bắt buộc, Yumi Sato, mới 15 tuổi khi ca phẫu thuật được thực hiện vào năm 1972. Chị dâu của Sato, bà Michiko cho hay, sự kiện đó đã tác động vô cùng tiêu cực đến cái nhìn của bà Sato về hôn nhân.

Michiko cho biết: “Khi khoảng 22 hoặc 23 tuổi, Sato đã từng nói về hôn nhân, nhưng khi cô ấy nói với người đàn ông cầu hôn mình rằng cô ấy không thể có con, anh ta lại nói mình không muốn kết hôn nữa. Hồi ấy, người ta thường nghĩ kết hôn là để sinh con đẻ cái, nên thật khó để lấy chồng khi chẳng thể có con" .

Vụ kiện mang tính bước ngoặt

Sato gần đây đã khởi động một vụ kiện đòi bồi thường từ chính phủ Nhật Bản qua thủ tục tố tụng, lập luận rằng Luật bảo vệ ưu sinh vi phạm hiến pháp hậu chiến của nước này, bởi nó đã xâm hại đến quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân. Đây là vụ kiện đầu tiên liên quan đến luật này ở Nhật Bản, được mong đợi khơi mào cho việc chính phủ công khai đưa ra lời xin lỗi đối với các nạn nhân.

Các tài liệu chính thức cho biết Sato đã bị cho vào danh sách triệt sản do chẩn đoán mắc chứng “kém thông minh di truyền”, trong đó khẳng định bà đã bị tổn thương não do từng trải qua gây mê quá mức hồi còn nhỏ, sau cuộc phẫu thuật hở hàm ếch.

Michiko, người đã sống với em gái của chồng trong hơn 40 năm, cho biết Sato là một thành viên gia đình được nhiều người yêu mến. Khi những đứa con của Michiko còn nhỏ, Sato đã giúp chăm sóc và thay tã lót. Michiko cũng nghĩ rằng Sato sẽ gặp khó khăn khi tự mình nuôi dạy con, "nhưng thực tế rằng Sato bị tước đi quyền làm mẹ vẫn là một tội ác".

Tại buổi điều trần đầu tiên ở tòa án quận Sendai vào ngày 28/3, các đại diện của chính phủ lên tiếng kêu gọi bác bỏ vụ kiện. Chính phủ được cho là sẽ lập luận rằng thủ tục này, vốn được thi hành suốt gần 5 thập kỷ và mãi đến năm 1996 mới được gỡ bỏ, là hợp pháp tại thời điểm đó.

Ngăn chặn “những hậu duệ kém cỏi”

Khi Nhật Bản đang phải hứng chịu cú sốc đầu hàng trong cuộc Chiến tranh Thế giới II, một số chính trị gia đã nói về nhu cầu cấp bách của việc "nâng cao chất lượng của đất nước".

Theo dòng đầu tiên của luật, mục tiêu của nó nhằm “ngăn ngừa sự ra đời của những đứa trẻ thấp kém từ quan điểm bảo vệ ưu sinh cũng như bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của người mẹ".

Luật này nhắm vào những người bị coi là mắc bệnh tâm thần di truyền hoặc "chậm phát triển trí tuệ di truyền". Một sửa đổi sau này đã xóa bỏ việc bao gồm cả những người mắc bệnh không di truyền.

Michiko nói rằng việc luật này từng có hiệu lực là một điều "đáng hổ thẹn" và "một nỗi xấu hổ cho Nhật Bản".

"Về cơ bản, luật này phân chia ra những người nên có con và những người không nên có con. Nó được thiết kế để loại bỏ người khuyết tật khỏi xã hội", Michiko cho biết.

Từ năm 1948 đến năm 1996, khoảng 25.000 người đã bị triệt sản "đúng luật", bao gồm 16.500 người không đồng ý với thủ tục. Những nạn nhân trẻ nhất được biết đến chỉ mới 9 hoặc 10 tuổi. Khoảng 70% trường hợp liên quan đến phụ nữ hoặc trẻ em gái.

Yasutaka Ichinokawa, giáo sư chuyên ngành xã hội học tại Đại học Tokyo, cho hay các nhà tâm thần học sẽ xác định người mà họ cho rằng cần phải triệt sản. Người chăm sóc tại các cơ sở điều dưỡng dành cho người khuyết tật trí tuệ cũng có quyền đề nghị triệt sản ai đó. Ngoài các tổ chức như vậy, những người chủ chốt đưa ra quyết định là các nhân viên phúc lợi địa phương được gọi là Minsei-iin.

Ichinokawa cho biết: "Tất cả bọn họ đều làm việc với thiện chí, và họ nghĩ rằng việc triệt sản sẽ bảo vệ lợi ích của những người mà họ quan tâm, nhưng ngày nay, chúng ta phải coi đây là hành vi vi phạm quyền sinh sản của người khuyết tật”.

Sau khi đạt 1.362 trường hợp chỉ riêng trong một năm vào giữa những năm 1950, số liệu cho thấy các ca phẫu thuật triệt sản bắt đầu giảm cùng với sự thay đổi thái độ của công chúng.

Năm 1972, chính phủ đã làm dấy lên các cuộc biểu tình khi đề xuất sửa đổi Luật bảo vệ ưu sinh, cho phép thực hiện nạo phá thai đối với những phụ nữ khuyết tật mang thai.

‘Ho da danh cap doi toi’: Su that sau cau chuyen ep triet san tai Nhat Ban
Junko Iizuka tham gia trò chuyện tại một diễn đàn ở trường đại học Tohoku Gakuin ở Sendai, Nhật Bản. Ảnh: The Guardian

Yoko Matsubara, Giáo sư Đạo đức sinh học tại Đại học Ritsumeikan cho hay: "Để đáp lại điều này, những người ủng hộ quyền tàn tật, chủ yếu là những người bị bại não, đã biểu tình và vận động để ngăn cản dự luật này. Họ lập luận rằng Luật Bảo vệ ưu sinh tương tự như việc diệt chủng của Đức Quốc xã. Điều này đã phản bác hình ảnh về 'thuyết ưu sinh' trong mắt công chúng".

Năm 1984, một vụ lùm xùm về việc hai bệnh nhân bị đánh đến tử vong tại một bệnh viện tâm thần tư nhân ở quận Tochigi, phía bắc Tokyo, đã khiến quốc tế giám sát chặt chẽ hơn về thực trạng chăm sóc người bệnh tại Nhật Bản. Số vụ triệt sản bắt buộc giảm xuống còn chưa đầy một phần năm mỗi năm kể từ nửa sau thập niên 1980.

Mặc dù các quy định về triệt sản bắt buộc cuối cùng đã được bãi bỏ vào năm 1996, nhiều người cho rằng thái độ phân biệt đối xử theo luật vẫn còn tồn tại trong các bộ phận của xã hội Nhật Bản.

Tháng 7/2016, 19 người bị đâm chết tại trung tâm cho người khuyết tật ở Sagamihara, phía tây nam Tokyo. Nhân viên cũ, người bị buộc tội thực hiện vụ thảm sát này, trước đó đã viết về giấc mơ của mình trong đó mơ tới một thế giới nơi những người khuyết tật sẽ bị thanh tẩy.

"Vụ việc này gây sốc cho người dân Nhật Bản, đặc biệt là người khuyết tật và gia đình họ. Đó là một lời kêu gọi thức tỉnh để chúng ta nhận ra rằng sự kỳ thị về tình trạng tàn tật vẫn còn trong xã hội”, Giáo sư Matsubara cho biết.

Hành động chậm chạp

Nhật Bản đang phải đối mặt với một số yêu cầu từ các tổ chức Liên Hợp Quốc để giải quyết “chương đen” trong lịch sử của mình. Cảnh báo gần đây nhất đến từ Ủy ban Liên Hiệp Quốc về xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, và khiến chính phủ phải đưa ra các phương án hỗ trợ các nạn nhân tiếp cận những biện pháp pháp lý, bồi thường và phục hồi chức năng vào tháng 3/2016.

Dalia Leinarte, chủ tịch ủy ban LHQ, cho rằng triệt sản bắt buộc là vi phạm nhân quyền đối với phụ nữ "và trong một số trường hợp có thể là tra tấn".

Mặc dù chính phủ từng lập luận rằng quá trình này đã được thực hiện phù hợp với luật pháp do quốc hội thông qua, nhưng gần đây đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy một số thay đổi có thể xảy ra.

Hồi tháng trước, Kyodo News đưa tin chính phủ đang có kế hoạch làm việc với các cơ quan chức năng khu vực về một sứ mệnh mang tính thực tế, có thể mở đường cho khả năng bồi thường trong tương lai. Các nghị sĩ cũng đã thành lập một nhóm không đảng phái để xem xét hướng giải quyết.

Chính phủ đã từng tạo tiền lệ khi đưa ra lời xin lỗi công khai. Năm 2001, Junichiro Koizumi, Thủ tướng đương thời, đã xin lỗi những các bệnh nhân phong bị ngược đãi trong nhiều thập niên, bị trục xuất ra ngoài các hòn đảo hoang vắng và nhiều trường hợp cũng đã bị triệt sản.

Matsubara nói rằng chính quyền nên nghiêm túc xem xét vấn đề và "chịu trách nhiệm nặng nề về việc đã gây ra những hành vi vi phạm nhân quyền của người khuyết tật".

Áp lực sẽ còn tiếp tục tăng lên khi nhiều nạn nhân dám lên tiếng hơn.

Trong một giảng đường tại Đại học Tohoku Gakuin ở Sendai, các nạn nhân đã nói chuyện với khoảng 50 người về trải nghiệm của họ.

Iizuka cũng ở đó. Phải mất nhiều năm, bà mới đủ can đảm để nói chuyện cởi mở và lên tiếng về việc mình đã bị bắt buộc triệt sản.

Bà cho biết: "Tôi muốn mọi người hiểu rõ sự thật về những điều đã xảy ra. Điều tôi thực sự mong muốn là chính phủ phải xin lỗi và bồi thường cho tất cả những nạn nhân giống như tôi”.

(Tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ tính riêng tư)

Lan Phương (Theo the Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI