Họ đã có những năm tháng lý tưởng

26/03/2021 - 12:06

PNO - Ngày 28/3/1976 cũng là ngày hàng vạn thanh niên thành phố cùng nhau tỏa đi muôn hướng: đào kênh, khai hoang, làm nông trường...

Chị Hương Xuân, tham gia lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) vào ngày 28/3/1976, chia sẻ: “Nếu có ai hỏi tôi, quãng đời nào đẹp nhất, với tôi, đó là những tháng ngày trong đội ngũ TNXP. Vỏn vẹn chỉ 5 năm nhưng tôi đã học được biết bao điều mà đến bây giờ vẫn còn tâm đắc. Biết sáng tạo trong lao động, biết đoàn kết tạo sức mạnh, sẵn sàng hy sinh giúp đỡ đồng đội mà không hề toan tính thiệt hơn”.

Những cô thiếu nữ năm ấy tràn đầy nhựa sống, không ngại “ở nông trường ra biên giới” bây giờ tóc đều đã bạc. Họ “gặp” lại nhau trong những trang viết, những câu chuyện kể ở tập sách Một thời chân đất (nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành).

Ngày 28/3/1976 cũng là ngày hàng vạn thanh niên thành phố cùng nhau tỏa đi muôn hướng: đào kênh, khai hoang, làm nông trường... Cựu TNXP Thanh Đính tâm tình: “Đã bốn mươi năm rồi, tôi vẫn không phai mờ ký ức về một thời tuổi trẻ TNXP. Hơn thế nữa, tôi vẫn yêu màu áo ấy vô cùng. Là bộ sắc phục màu cỏ úa sờn vai, chiếc nón tai bèo, đôi dép râu, bạn đường thân thiết; là ánh lửa bập bùng tiếng guitar, là những mảnh tình vụn vặt trong suốt, là vắt thuốc rê chia năm xẻ bảy, là bi thuốc lào ngắt ba trong ca gác chiều biên giới…”. 

 

Một thời chân đất kể những câu chuyện, hồi ức của một thế hệ về những năm tháng vô cùng gian khó, vất vả mà cũng vô cùng tươi đẹp, tràn đầy lý tưởng. Những cuộc dấn thân lên rừng xuống biển, ăn uống thiếu thốn kham khổ vẫn vui vẻ hát ca, tăng gia sản xuất. Ngày làm việc hết mình, đêm về lại cất cao tiếng hát. Trong bài viết Chạm vào nỗi nhớ, chị Hương Xuân kể một kỷ niệm khó quên về đêm văn nghệ sau khi bàn giao xong công trình đào kênh.

“TNXP thời ấy làm gì có phấn son, bút chì kẻ mắt… Thế là trung đội nữ chúng tôi cử một chị lân la xuống hậu cần xin nước vo gạo đem về chờ lắng lại, lấy phần đặc làm phấn thoa mặt; nhặt vài mẩu than đen đem mài nhọn làm chì kẻ chân mày, về son môi thì năn nỉ chính trị viên đại đội cho mượn cây bút lông đỏ…”. Ấy vậy mà “những bông hoa trên tuyến lửa” vẫn đủ sức làm ấm lòng chiến sĩ nông trường. Cựu TNXP Huỳnh Thanh kể một câu chuyện vui, về anh em TNXP nhiều năm làm việc ở rừng, một hôm nghe tin có nữ TNXP tình nguyện lên bổ sung lực lượng.

“Các chàng trai ăn nói nhỏ nhẹ hơn, hết gào thét cãi nhau um sùm, đặc biệt là hiện tượng dùng tiếng “đệm” mất tích một cách bí ẩn. Ngoại hình các chàng trai được chăm chút kỹ lưỡng hơn, cạo râu nhẵn nhụi…” - cựu TNXP Huỳnh Thanh viết.

Có những mối tình đơm hoa kết trái, có những người từ nông trường đã trở thành văn nhân thi sĩ. Những bài thơ, bài hát về một thời đã trở thành những tác phẩm vượt thời gian: Là TNXP, Khúc hát người đi khai hoang, Em ở nông trường em ra biên giới, Đêm rừng Đắk Mil, Em đi qua cầu cây, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ…

Đặc biệt, trong tập hồi ký nhiều tác giả này, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có một truyện ngắn khá dí dỏm: Con đường văn tự. Truyện kể về việc một anh chàng TNXP nhất quyết không chịu đi học nhưng vì phải lòng cô giáo - y tá đại đội mà cuối cùng quyết định đến trường. Độc giả cũng được đọc lại bài thơ Đầu xuân ra sông giặt áo của nhà văn (đã xuất bản trong tập thơ cùng tên vào năm 1986). Những nhà báo, nhà văn, thi sĩ, họa sĩ... cùng nhau vẽ nên bức tranh ký ức với nhiều gam màu về tuổi trẻ một thời. 

Một thời chân đất không chỉ nhằm kể lại ký ức của tuổi trẻ một thời mà còn là công trình gây quỹ từ thiện hỗ trợ những cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. “Đây đồng thời cũng là nhịp cầu yêu thương, để chia sẻ với những cựu TNXP mà hôm nay vẫn đang nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh. Họ bán vé số, bốc vác, làm thuê, dọn chợ, ở mướn và cả những người chẳng còn sức lao động phải ăn xin từng bữa…”, nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên, một trong tám thành viên biên soạn Một thời chân đất chia sẻ.

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI