1. Cô và anh biết nhau đến bây giờ là 22 năm, khoảng thời gian thực sự không quá dài cho đời người nhưng lại quá dài cho một mối quan hệ. Họ từng là hàng xóm, bạn học phổ thông, chơi chung với nhau suốt thời đại học và cưới nhau 10 năm. Anh tỏ tình với cô vào một ngày cả hai rong ruổi đi chơi cùng nhau, như những người bạn cùng lớp xa quê, khi cả hai đã ra trường, có việc làm ổn định.
Anh tự dưng hỏi cô: “Bà Châu, bà có còn nhớ bài thơ tui viết trên tấm thiệp sinh nhật gửi tặng bà năm ngoái không?”, đó là bài Lưng chừng với mấy câu thơ được anh ghi lên tấm thiệp mừng sinh nhật cô “Lưng chừng mây ngang núi/ Chiếc lá lưng chừng rơi/ Lưng chừng anh với em/ Đã quen nhau bao tháng/ Đã gặp nhau mỗi ngày/ Mà chưa nói lời hay” (đây là những dòng được ghi trong thiệp sinh nhật).
Sau đó, anh tiếp tục đọc thêm hai câu nữa rồi vội vàng... chạy biến “Thôi thì ta yêu nhau/ Đừng lưng chừng em nhé…”. Mãi sau này cô mới phát hiện ra, hai câu đọc vội là anh tự thêm vào. Vậy mà cô vui, “con trai xứ Quảng, cũng có cái lãng mạn riêng”, cô âm thầm hạnh phúc.
Câu này, cô nói với anh trong một ngày hẹn hò như những tình nhân. Ai mà không thế, khi tình yêu đến, chẳng có chàng trai nào không chăm sóc người phụ nữ của mình, chăm sóc từng ly từng tí, lau cái muỗng, dằm thêm miếng ớt.
Cô nói “mình vốn bản tính thẳng thắn, lại mạnh mẽ như đàn ông, không biết điệu đàng nhõng nhẽo, nếu cứ được yêu thương kiểu ấy, cô thấy không quen. Và, khó chịu hơn việc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn của thuở ban đầu, rồi hết. Thà rằng không có còn hơn”.
Anh hiểu ý cô, thời gian chơi chung giúp anh rất nhiều trong việc hiểu tâm tính cô. Gia đình hai bên đều chịu cảnh đổ vỡ giống nhau, anh biết cô khi còn bé tí tẹo, nên hơn ai hết, anh tin mình đủ hiểu chuyện để mang đến cho cô một cuộc sống hạnh phúc, bù đắp cho cô cũng như bù đắp cho mình những thiếu hụt trong đời sống gia đình.
Hỏi cô “sao hồi nhỏ không quen nhau, đi một đường vòng chi cho mệt vậy?”. Cô trả lời: “Ảnh lớn hơn hai tuổi, đi học toàn ngồi bàn cuối, chơi chung đám quậy, nên suốt ba năm phổ thông có nói với nhau câu nào”.
Họ chỉ bắt đầu chơi với nhau khi cả hai vào đại học. Ngày ấy, bạn bè tứ tán, nên gặp nhau giữa Sài Gòn ai ai cũng quý mến nhau, rất dễ thân tình. Mỗi tuần, anh từ Thủ Đức đạp xe lên trung tâm Sài Gòn thăm cô, đi chơi lòng vòng cùng những người bạn khác. Hôm nào không có cô, anh lủi thủi đạp xe về.
Có hẹn hò thỏa thuận gì đâu. Mà thời ấy cũng đâu có điện thoại để liên lạc. Cứ như thế, đều đặn mỗi tuần cho đến ngày ra trường. Kỷ niệm sự kiện được đi làm, cô rủ anh và một người bạn nữa đăng ký tour đi Mũi Né chơi. Biển xanh, nắng vàng và cô cảm thấy họ đã phải lòng nhau. Ừ, thì yêu.
Sau bốn năm chuyển từ tình bạn sang tình yêu, họ về với nhau, như một chuyện tự nhiên được vạch sẵn.
2. Lời anh nói với cô khi đã 10 năm ròng họ chưa có tin vui, nói như gợi nhắc lời hứa hẹn năm xưa từng hứa với cô trong quán ăn nhỏ, giờ anh vẫn nhớ. “Mình chạy chữa cũng nhiều lắm rồi”, giọng cô trầm buồn, “Nhưng cũng không có gì quá nặng nề lắm đâu, quan trọng là tụi mình vẫn thấy hạnh phúc, vẫn cùng nhau làm, cùng nhau du lịch rong chơi”.
|
Những khoảnh khắc cùng nhau của anh Hùng và chị Châu |
Tất cả các cặp vợ chồng bình thường trên đời này có lẽ đều mong muốn có chung những đứa con, như chất keo kết dính một mối quan hệ, như cái neo, neo lại những phút say lòng. Nhưng với cô, áp lực ấy hình như qua rồi, với anh cũng vậy. Giờ nhìn hai người ngồi bình thản với nhau trong ngôi nhà có khoảnh sân phủ đầy hoa vàng, mới thấy, để đi qua những điều ấy, khó khăn biết nhường nào.
“Kế hoạch cho cuộc hôn nhân của tụi mình, chỉ thấy anh ấy nói về hai đứa đến cuối đời, vậy là đã thôi kỳ vọng về những đứa trẻ”, cô tâm sự như thế. Không biết cô đã từng chịu đựng những áp lực nào với gia đình chồng, với những người thân quen, mà sao nhìn cách anh chăm sóc cô, cứ dậy lên những yêu thương, ân cần. Và gợi lên cho người đối diện những ước mơ, thèm khát.
“Ưu điểm lớn nhất của vợ chồng mình là thường xuyên chuyện trò với nhau. Từ chuyện ngày xưa, chuyện học hành bạn bè. Đến âm nhạc, chính trị, thời sự. Làm việc chung, nói với nhau cả ngày, tối về còn ngồi xích đu nói chuyện, trước khi ngủ còn nói”, anh kể.
Có lẽ vì vậy, mà họ khăng khít với nhau. Đời sống hôn nhân, điều đáng sợ nhất là chẳng còn gì để nói với nhau, rồi tẻ nhạt, rồi chán ngán, rồi… Và, điều đáng hâm mộ nhất của hôn nhân là những câu chuyện dành cho nhau, khi ngồi ngắm mây trôi, khi cùng ăn ổ bánh mì, khi uống cùng ly cà phê.
Giữ được cho nhau những điều ấy, là giữ được cho mình một mái ấm an yên. Lúc ấy, sá chi cực nhọc, sá chi áp lực phải sinh những đứa con. Không có con, mình vẫn sống cùng nhau mà…
Họ cùng nói về quan niệm hôn nhân của mình, thật đơn giản, đấy là yêu, hiểu, cần. Họ biết, lớn lên trong những mái ấm không trọn vẹn, bản thân mỗi người đều cảm thấy cần gì cho đời sống hôn nhân của mình. Mỗi phút mỗi giây ở cuộc đời này, phải làm điều gì đó cho nhau.
Họ luôn hướng đến việc phải có một cuộc sống tốt, tự lập. Ngay từ lúc lễ đính hôn xong, cả hai đã tự lo cho mình từng tí để chuẩn bị đám cưới, dư dả chút thì đi mua nhẫn cưới, có chút tiền thì đi may áo… Cứ thế cho đến bây giờ, họ cùng nhau đi bao nhiêu vùng đất, vẫn cười nói ăm ắp với nhau.
“Tối nào anh ấy cũng đắp mền cho mình”, cô kết thúc câu chuyện của mình bằng ánh mắt rạng ngời niềm vui và câu nói rất đời thường như thế. Câu chuyện những ngày tháng yêu nhau.
Đó là câu chuyện của Châu và Hùng.
Lan Khôi