Họ chọn sống vì cộng đồng

17/10/2022 - 14:23

PNO - Năm 2008, Giải thưởng Nguyễn Thị Định, ra đời bởi yêu cầu cấp bách về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội.

Là người đề xuất ý tưởng xây dựng Giải thưởng Nguyễn Thị Định, bà Trương Thị Ánh - nguyên Phó chủ tịch HĐND TPHCM, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM lúc đó - cho biết, trước yêu cầu cấp bách về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội, năm 2008, Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố đã bàn thảo cần phải xây dựng một giải thưởng để vinh danh các tập thể, cá nhân có nhiều hoạt động nổi bật.

Bà Trương Thị Ánh nhớ lại: “Ý tưởng nhanh chóng được thông qua nhưng tên gọi của giải thưởng vẫn chưa có. Qua rất nhiều trăn trở, tôi đề xuất lấy tên Giải thưởng Nguyễn Thị Định. Đề xuất được Ban Thường vụ Thành Hội chấp thuận trình UBND TPHCM thông qua trong năm 2008. Từ đó giải thưởng mang tên nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, một biểu tượng về ý chí kiên trung, mạnh mẽ, hết lòng vì dân, vì nước”.

Lễ trao giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ XI năm 2020
Lễ trao giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ XI năm 2020

Từ năm 2008 đến nay, Hội LHPN TPHCM đã trao tặng giải thưởng cao quý này cho 24 tập thể, 19 cá nhân có những mô hình đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng hoạt động, chăm lo tốt hơn cho phụ nữ và trẻ em, góp phần xây dựng tổ chức Hội Phụ nữ ngày càng vững mạnh. 

Theo bà Trương Thị Ánh, điều trăn trở của những người “khai sinh” ra Giải thưởng Nguyễn Thị Định chính là việc lan tỏa và nâng tầm vóc, giá trị của giải thưởng theo thời gian. Bà tâm huyết: “Làm thế nào để các tấm gương ấy luôn tỏa sáng, luôn là điển hình để các chị em học hỏi, làm theo, biết sống vì cộng đồng. Làm thế nào để các mô hình, giải pháp thu hút nhiều hội viên, và ngày được nhân rộng. Làm thế nào để thông qua giải thưởng tăng cường hơn vai trò và hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội…”.

Trên thực tế, sau khi nhận giải thưởng cao quý của Hội LHPN TPHCM, các tập thể đều tiếp tục duy trì, nâng chất các mô hình. Có thể kể mô hình “Đi chợ giúp người nghèo” của quận Bình Thạnh sau khi được giải được linh hoạt chuyển thành mô hình “Đi chợ giúp dân”, phát huy hiệu quả trong giai đoạn thành phố ứng phó với dịch COVID-19. Hay mô hình “Trao yêu thương” của Hội LHPN quận 5 được lan tỏa khắp thành phố và các tỉnh khác… 

Những cá nhân đạt giải cũng không ngừng phấn đấu, dấn thân, với nhiều đóng góp được ghi nhận. Nhiều người đã về hưu vẫn miệt mài cống hiến. Như phó giáo sư - tiến sĩ Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM - tiếp tục lãnh đạo đội ngũ nữ trí thức thực hiện các đề tài nghiên cứu, sáng tạo, góp phần vào sự phát triển của thành phố. Hay bà Đoàn Lê Hương - nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM - với những bước chân không mỏi đến những miền xa, giúp bao phận đời khốn khó. Như bà Hồ Thị Ái - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cần Giờ, nguyên Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ - dù về hưu vẫn chưa bao giờ dừng bước trong hành trình trợ sức cho phụ nữ, trẻ em nghèo… Còn nhiều, rất nhiều cá nhân sau khi nhận được Giải thưởng Nguyễn Thị Định vẫn tiếp tục sống hết mình vì lợi ích chung. 

Mô hình Ngày hội phụ nữ sáng tạo trao yêu thương của Hội LHPn Q.5 đã đạt giải thưởng Nguyễn Thị Định 2018 và tiếp tục lan tỏa.
Mô hình "Ngày hội phụ nữ sáng tạo - Trao yêu thương" của Hội LHPN quận 5 đã đoạt giải thưởng Nguyễn Thị Định 2018 và tiếp tục lan tỏa

Còn nhớ, tháng 5/2014, trong buổi làm việc với Hội LHPN TPHCM, ông Võ Văn Thưởng - khi đó là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, hiện là Thường trực Ban Bí thư - rất quan tâm và đánh giá cao Giải thưởng Nguyễn Thị Định. Ông nói rằng, các hoạt động, đóng góp của hội viên, phụ nữ cho cộng đồng, cho sự phát triển của giới và sự phát triển của thành phố phải được ghi nhận xứng đáng. Ông cho rằng, ngoài giải thưởng này, rất cần những giải thưởng, danh hiệu khác để tôn vinh những hội viên, phụ nữ đã và đang miệt mài dấn thân vì cộng đồng. 

Thiết nghĩ, điều này cũng là cần thiết, bởi phụ nữ chiếm trên 50% dân số và hơn 48% lực lượng lao động của xã hội, có mặt trong mọi ngành nghề. Những đóng góp của họ không hề nhỏ bé nhưng vẫn rất thầm lặng. Không thể vì sự thầm lặng mà chúng ta không vinh danh họ.

Việc ghi nhận và vinh danh kịp thời công sức đóng góp của các tập thể, cá nhân cũng chính là làm lan tỏa những giá trị cao đẹp trong cuộc sống. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI