Họ chọn sống tiếp

28/03/2024 - 06:11

PNO - Đừng bao giờ nói mình đã mất tất cả, bởi khi còn nói được câu đó, bạn vẫn còn tài sản lớn nhất, đó là chính bạn.

Câu nói trên từng là một lý thuyết sáo rỗng với những người ở vực thẳm khổ đau. Nhưng cuộc sống như một đồ thị hình sin, để khi “thoát đáy”, họ chính là những người trao truyền lý thuyết đó cho những người khác với sức nặng của trải nghiệm.

Sống tiếp để làm gì?

Anh Phan Lê Lâm (huyện Củ Chi, TPHCM) chỉ có câu duy nhất để đáp lại người thân suốt nửa năm trầm uất của đời mình. “Sống tiếp để làm gì?” - anh dội câu hỏi đó vào người đối diện, khi họ cố gắng động viên anh vượt qua nỗi đau ly hôn.

Chuyện ly hôn trầm trọng với Lâm, vì nó diễn ra sau 3 năm trời anh vật vã cứu vãn. Chuyện bắt đầu khi Thủy - vợ anh - mang về món nợ 500 triệu đồng mà không rõ nguyên nhân. Chị nói khi sinh đứa con đầu tiên, kinh tế thiếu hụt khiến chị lỡ vay nặng lãi một khoản 50 triệu đồng, giờ thì lãi mẹ đẻ lãi con…

Sốc, nhưng thương vợ, anh trút hết tiền tiết kiệm để trả nợ.

Chỉ 2 tháng sau, gia đình choáng váng lần nữa khi một chủ nợ khác gọi đòi 800 triệu đồng, cũng là tín dụng đen. Thủy khóc lóc, nói khi sinh đứa thứ hai, chồng đi làm xa, khoản vay đầu làm chị lay lắt khổ sở vì vừa phải lo mọi thứ trong nhà, vừa phải trả lãi. Chị đành phải vay khoản thứ hai.

Chị thống thiết nhận lỗi vì đã tự ý vay tiền mà không hỏi ý chồng và khuyên anh hãy bỏ vợ để “thoát nợ”. Lần này, Lâm mất nhiều thời gian hơn để “tiêu hóa”, rồi quyết định tiếp tục hôn nhân, cùng vợ trả nợ. Anh xin phép ba mẹ bán lô đất mà ba mẹ dự định tặng vợ chồng anh, để trả nợ.

Thế nhưng, ngay sau khi chuyện nợ nần vỡ lở, người thân, bạn bè của cả 2 bên gia đình cứ lần lượt xuất hiện để đòi những món nợ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Thì ra, suốt mấy năm trời, lấy cớ Lâm đi làm xa chưa gửi tiền về kịp hoặc con ốm đau, ba mẹ nhập viện… Thủy mượn nợ tất cả những người có thể mượn được. Thậm chí, cậu bạn thân của em gái Lâm cũng bị Thủy mượn đến 20 triệu đồng.

Câu chuyện dài dằng dặc, mệt mỏi khiến vợ chồng thường xuyên căng thẳng. Mỗi lần phát hiện một khoản nợ mới, Lâm lại gặng hỏi nguyên nhân thực sự, nhưng Thủy kiên quyết nói do túng thiếu, tất cả tiền mượn được đều để trang trải cuộc sống gia đình.

3 năm trời, cuộc hôn nhân tiếp diễn trong nỗ lực kiệt cùng của Lâm. Anh vừa giải quyết nợ nần, vừa nỗ lực kết nối với vợ, vừa đối diện với cơn bão dư luận; để cuối cùng, Thủy chủ động đòi ly hôn vì… “lỡ có bầu với người khác”. Ngay trong đêm sau khi thú nhận với chồng rằng “muốn đến với người ta”, Thủy lẳng lặng thu xếp quần áo, mang 2 con đi biệt.

Lâm ở lại với căn nhà đang cầm cố để trả nợ cho vợ. Căn nhà trống hoác. Mái ấm với 2 cô con gái mà anh tha thiết bảo vệ giờ tan hoang. Anh nghĩ mìnhđã mất tất cả, chỉ có cái chết mới giúp anh thoát khỏi đau khổ.

Nguồn sống đã mất

Lê Thị Thu Nguyệt (quận Bình Thạnh, TPHCM) lại không được “luyện tập” trước mất mát như Lâm.

18 tuổi, Nguyệt bỏ nhà đi vì không chịu nổi những trận bạo hành của cha dượng và sự nhu nhược của mẹ. Lúc ấy, dù chưa biết phải lấy gì để sống tiếp, cô biết mình sẽ không bao giờ quay về nhà, không thể trông chờ gì ở tình thân. Xin vào rửa chén ở một quán ăn, Nguyệt gặp Đức Hữu.

Anh là thực khách đang ra giếng trời phía sau quán để hút thuốc. Thấy Nguyệt đang dọn dẹp, Hữu bắt chuyện, rồi mời cô làm thêm công việc dọn dẹp ở công ty anh vào buổi sáng.

Tại công ty, Hữu cũng chỉ là một nhân viên IT có uy tín. Vì có cảm tình với Nguyệt “như với em gái”, Hữu quan tâm và hỗ trợ cô mọi mặt trong đời sống. Chính Hữu là người phát hiện Nguyệt mắc chứng trầm cảm và đưa cô đi điều trị. Sau 2 năm thân thiết, họ trở thành vợ chồng. Ngày kết hôn là ngày hạnh phúc nhất đời Nguyệt. Cô cho rằng đó chính là liều thuốc trị liệu tốt nhất mà vũ trụ đã gửi đến cô, giúp cô có niềm tin rằng cô được yêu thương và xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp.

Cưới nhau được 2 năm, ngay khi định có con thì Nguyệt phát hiện bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Đang níu vào chồng để điều trị và vượt qua nguy cơ “tái trầm cảm” thì nỗi đau thực sự dội vào đời Nguyệt: Đức Hữu đột quỵ và qua đời trong đêm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

"Công thức" bắt đầu từ một phép thử

Những bi kịch được tóm lược như một kịch bản hư cấu, nhưng đầy rẫy trong đời sống thực. Dù là đàn ông hay phụ nữ, khi mất mát ập xuống cuốn phăng đi nguồn sống lớn lao nhất, họ cũng đồng thời mất luôn động lực sống tiếp. Họ đồng nhất điều đã mất với cuộc đời mình. Quan trọng hơn, họ cảm thấy sợ hãi, đuối sức trước những điều phải gánh vác, phải vượt qua nếu tiếp tục sống.

Với Nguyệt, sống tiếp đồng nghĩa với việc chống chọi với bệnh ung thư khi không có chỗ dựa, với chứng trầm cảm vốn đã chực chờ cướp đi đời sống và đặc biệt là cảm giác “bản thân mình không xứng đáng được yêu thương”. Với Lâm, đó là cảm giác chới với vì mất gia đình, khoản nợ còn phải trả và những khoảng trống tài sản anh đã đánh đổi suốt 3 năm qua để giữ gia đình.

Giống như Lâm, Nguyệt thấy nhẹ tênh khi nghĩ đến “lối thoát” tối tăm nhất: cái chết. Cô không có ai để chia sẻ, thậm chí là để tạm biệt. Số đồng nghiệp, bạn bè ít ỏi còn giữ liên lạc cũng có những gánh nặng riêng, cô không muốn khiến họ bận lòng. Người duy nhất cô hẹn gặp là vị bác sĩ tâm lý đã đồng hành cùng cô suốt 2 năm trước ngày lấy chồng. Ông vẫn còn nhớ cô.

Trong buổi cà phê, ông im lặng nghe Nguyệt kể về biến cố và nói về dự định của mình. Ông không khuyên nhủ, không đánh giá đúng sai. Cuối buổi, ông nói: “Nếu nhất định phải quyết định như thế thì em hãy thử lùi lại một thời gian. Hãy thử sống tiếp một quãng sống mà không có gánh nặng hay kỳ vọng gì cả”.

Theo gợi ý của ông, Nguyệt cho mình một khoảng thời gian để “thử sống mà không áp lực phải vượt qua điều gì”. Nguyệt tham gia câu lạc bộ thiện nguyện của chị em mắc ung thư để giúp đỡ những người đồng bệnh. Cô chọn quay lại công việc để có thể trang trải các chi phí và thực hiện phác đồ điều trị ung thư.

Cuộc sống theo “thời gian biểu” bận rộn giữa đời riêng, công việc và lịch hoạt động xã hội cứ cuốn cô đi. Cô được phát hiện là người có khả năng nói chuyện trước đám đông, truyền cảm hứng và động lực sống cho những người tuyệt vọng. Vai trò của Nguyệt trong câu lạc bộ thiện nguyện ngày một lớn, nhiệm vụ ngày một nhiều và Nguyệt “bén rễ” lại với đời sống. Ý nghĩ kết thúc cuộc đời cũng lùi xa.

Lâm “trở lại với đời sống” trong ngày tuyệt vọng nhất. Khi mẹ Lâm phát hiện anh chuẩn bị uống một vốc thuốc chết người, bà đã cầu khẩn: “Mẹ chưa từng xin con điều gì. Nếu con quyết phải chết thì hãy dành cho mẹ 2 năm thôi. Con nghĩ con sống tiếp 2 năm này vì mẹ cũng được, hãy sống với mẹ, sau đó mẹ không giữ con nữa”.

Lâm “ở lại”, “sống với mẹ”. Anh tự giao ước với mình rằng trong 2 năm đó, anh không được tìm đến cái chết. Anh tuân theo sự sắp xếp của bà, đi dự những cuộc trò chuyện của các chuyên gia tâm lý và đi điều trị rối loạn giấc ngủ.

Tập trung vào mẹ, anh cảm giác có kết nối trở lại với đời sống, thấy mình vẫn còn gia đình. Cảm giác “mất tất cả” nhẹ nhàng hơn khi Lâm tiếp xúc với những người cũng từng mất mát trong những lần chờ khám ở bệnh viện.

Ở đó, phần đông người ta từng trải qua những cú sốc và đang nỗ lực kết nối lại với đời sống. Trong đó có một phụ nữ trẻ bị chồng đánh đập, hành hạ đến mức phải chạy từ Quảng Ninh vào TPHCM để thoát thân. Biết cô luôn phải bắt xe buýt đi điều trị, Lâm đề nghị được sang đưa cô đi cùng mỗi tuần.

Với lợi thế là “dân Sài Gòn”, Lâm kết nối giúp cô xin việc ở một trường mầm non gần nhà anh. Khi bệnh tình cả hai dần cải thiện thì mối quan hệ của họ cũng tiến triển. Chỉ hơn 1 năm sau ngày “thử sống tiếp với mẹ”, Lâm đưa người phụ nữ trẻ về nhà và nói với mẹ rằng: “Từ nay con sẽ không chỉ sống vì mẹ, con sẽ sống vì con”.

Lâm thú thật với bạn gái về quá khứ của mình và đề nghị cô xem mình như “một thanh niên mới vào đời với 2 bàn tay trắng và ý chí xây dựng cuộc đời”.

Ngày “trở lại” của những người trải qua vực thẳm luôn nằm ngoài tưởng tượng của họ. Mọi thứ tự nhiên diễn ra, rồi đơm hoa kết trái trên hành trình sống. Lúc ở vực sâu, lúc kiệt cùng động lực sống, không ai nghĩ ra một manh mối nào để trở về với cuộc đời.

Nhưng rồi, chỉ cần sống tiếp, dù chỉ bằng một phép sống thử thì hoa trái lại có thêm một cơ hội để đơm nở. Suy cho cùng, có mấy người đang tràn trề vui sống ngoài kia mà chưa từng trải qua một vực thẳm?

Gia Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI