Họ chính là mẹ...

07/05/2016 - 14:34

PNO - Đã tám năm trôi qua, hai con giờ đã lớn. Bao nhiêu ngày tháng là bấy nhiêu cơ cực, vất vả của một người đàn ông vừa làm cha, vừa làm mẹ…

Đạo diễn Lê Thành Danh bắt đầu từ kỷ niệm xa xôi nhất, dịu dàng nhất nhưng cũng gian truân nhất. Ấy là vào những ngày bé Lê Nguyễn Tuyết Anh ra đời, chỉ nhỏ bằng cái ly uống nước, nặng 1,29kg. Anh đeo chiếc tạp dề trước ngực, ấp ủ, nuôi bé sống bằng hơi ấm và tình yêu thương... Những khổ cực ngày ấy đã giúp anh có đủ can đảm và tự tin nhận nuôi hết hai con sau khi vợ chồng ly hôn vào năm 2008. Đã tám năm trôi qua, hai con giờ đã lớn. Bao nhiêu ngày tháng là bấy nhiêu nỗi cơ cực, vất vả của một người đàn ông vừa làm cha, vừa làm mẹ…

Những ngày tháng thấm đẫm mồ hôi nhọc nhằn

Trưởng thành từ nhóm kịch Tuổi Ngọc, lên sân khấu từ năm 13 tuổi, Lê Thành Danh đã từng có thời gian cảm nhận được những thành công, những hạnh phúc của nghề nghiệp nằm trong tầm tay với. Thế nhưng từ ngày chỉ còn lại một mình, đưa hai con về nương nhờ mái nhà của cha mẹ, anh đã phải dứt bỏ niềm đam mê, sự nghiệp của mình, dứt bỏ cả sĩ diện để lao vào kiếm tiền. Con gái sinh non, nhẹ cân, yếu ớt chưa phải là nỗi vất vả lớn nhất của anh, mà sự ra đời của con trai Lê Đức Anh với căn bệnh suy tuyến yên mới là điều cực khổ, gian truân. Không chỉ là sức lực, tiền bạc mà còn là nỗi đau mà người cha ấy phải gánh chịu và vượt qua.

Làm phim, lúc có việc, lúc không. Thu nhập có khi rất nhiều, có khi hàng tháng, hàng năm không có đồng nào. Anh đã bỏ tất cả, đi bán hoa, chạy xe ôm, làm kiếng… để có đủ tiền tuần hai lần chích hai lọ thuốc nhỏ giá 1,6 triệu đồng, để con có thể tăng trưởng bình thường như bao đứa trẻ khác. Sáng thức dậy từ tờ mờ, chạy đi mua bịch cháo sườn, xúp cua về cho con ăn rồi bắt đầu công việc mưu sinh.

Ho chinh la me...
Ba cha con bên nhau những ngày hiếm hoi rảnh rỗi

Từ ngày con còn nhỏ, anh đã dạy các con tự lập để anh tranh thủ từng phút từng giờ đi kiếm tiền. Con anh vì vậy từ sáu, bảy tuổi đã tự ăn, tự chơi, tự làm vệ sinh cá nhân, tự chăm lo cho mình. Buổi trưa không có việc thì anh về chăm con, nấu ăn, có việc thì con ăn ké ông bà. Có khi cả hai đứa cùng sốt một lúc. Đứa nào nặng hơn thì đưa vào bác sĩ trước, đứa sau phải chờ. Anh nhớ có những đêm vào cấp cứu trong Bệnh viện Nhi Đồng lúc giữa khuya. Bệnh viện không còn giường, cha con quấn áo mưa nằm trên hành lang nghe mưa tấp vào ào ạt mà buồn lo cháy lòng.

Con lớn lên tuổi nào vất vả tuổi đó, nhỏ cực chuyện sức khỏe, ăn uống, chăm nom. Nỗi lo cơm áo gạo tiền, hộp sữa, viên thuốc, cơn sốt, những bài học phải kiểm tra mỗi tối sau cả ngày chạy vạy cơm áo. Đến khi con lớn, sự ngang bướng của tuổi dậy thì, những thay đổi tâm sinh lý, những thắc mắc của con về sự chia tay của ba mẹ còn khiến anh đau đầu nhiều hơn. Có những câu nói ngô nghê, những ngơ ngác hồn nhiên của con lại khiến lòng cha nghẹn ngào, đắng ngắt.

Ngày còn nhỏ, giận con còn đánh đòn được. Giờ con lớn, anh hiểu không thể quát tháo, không thể đòn roi được nữa. Thế nên bận mấy thì bận, anh cũng dành thì giờ trò chuyện với con. Anh hiểu trách nhiệm của mình rất lớn, nhất là trong việc uốn nắn tư tưởng, nhận thức của con. Phải làm sao trả lời mọi câu hỏi của con đúng, nhưng phải khéo léo để sau này con không trách mình dối gạt con. Con còn nhỏ, anh nhờ vào… google, từ giảm sốt đến cách la rầy, nhưng dần dần con lớn khôn, google cũng không chỉ dẫn được nữa. Anh phải tự mình tìm hiểu, cảm nhận con, bằng trái tim của người cha.

Tám năm trời sống cảnh gà trống nuôi con, một mình chiến đấu với bệnh tật của con, một mình gánh cơm áo gạo tiền, Lê Thành Danh bảo niềm vui lớn nhất của anh là thấy con trưởng thành, khôn lớn. Anh kể: "Để gần gũi con, tôi thường vào trường các con, tham gia dựng kịch, dựng múa, dựng hát cho các cháu để con tự hào vì cha có thể giúp cho lớp việc này việc kia". Có lần ngồi dưới, nhìn con diễn kịch, hay hơn mình ngày bé, anh vừa vui, vừa buồn. Vui vì thấy con có khả năng, buồn vì sợ con lại theo cái nghề nhiều đam mê mà cũng lắm khắc nghiệt của mình.

Kỷ niệm đẹp nhất mà anh nhớ trong những năm tháng dài nuôi con, đó là món ăn bất ngờ các con nấu cho anh trong ngày sinh nhật. Nghe anh kể, thịt bò cắt nhỏ nhỏ, xào lên, để cạnh khoai tây chiên, lót dưới là rau xà lách, thì có thể hiểu các con đã làm cho bố món bò lúc lắc. Không gọi được tên món ăn, nhưng anh nhắc về nó với giọng trìu mến và dịu dàng bất ngờ, niềm vui ngời lên trong ánh mắt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI