Sự việc trở về nhà tưởng đơn giản lại trở thành nỗi canh cánh trong lòng người công nhân vệ sinh, nhất là những người đang ở trọ. Có chị phải lang thang suốt đêm để… chờ trời sáng và nhà người ta đã có người đạp đất, xông nhà...
Nỗi niềm của rác
Nhắc chuyện của chính mình mà chị Nguyễn Thị Thu Hà, tổ trưởng tổ 6, đội vệ sinh môi trường Tân Phú, chi nhánh Môi trường đô thị Chợ Lớn (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM), vẫn còn nghẹn ngào.
Chị kể: “20 tuổi tôi rời quê miền Trung cùng chị gái vào đây mưu sinh. Người ta học nhiều nên đi làm nghề này nọ, nhưng mình ít học, chỉ có sức khỏe tốt nên chọn làm công nhân vệ sinh, đi thu gom rác. Thời đó tôi rất vô tư, thấy công việc nặng nhọc, vất vả, nhưng có đồng lương chính đáng từ mồ hôi nước mắt của mình tôi vui lắm. Nhưng ngay cái tết đầu tiên tôi đã bị sốc nặng. Bởi công việc quét đường ngày tết không như ngày thường. Vừa quét, chúng tôi vừa phải dọn rác còn lại của lực lượng lấy rác dân lập làm chưa hết cho phố phường sạch sẽ, quang đãng nhất trong ngày mồng Một bởi thông lệ, toàn ngành vệ sinh sẽ nghỉ ngày mồng Một, đến mồng Hai mới trở ra ca dọn dẹp.
Hơn 2g sáng, cùng chị gái, tôi lê chân về nhà trọ. Ngờ đâu chủ trọ khóa cổng, nhốt chúng tôi ở ngoài không cho vô phòng. Gõ cửa thế nào cũng không có người thưa. Hai chị em lại dắt nhau lang thang mà không hiểu nguyên do mình bị ở ngoài đường như vậy. Mãi sáng hôm sau, nhà mở cổng, bước vào hai đứa đã bị rầy, ngày mồng Một sao lại “đạp đất, xông nhà” không biết kiêng kỵ gì...
Cứ như vậy suốt mấy năm trời, sau giao thừa chúng tôi phải lang thang, không dám vào nơi ở của mình... Từ lúc được phân công làm tổ trưởng, riêng với nữ, tôi luôn cho các chị về trước giao thừa một tiếng để lo cúng kiếng. Các anh nam choàng gánh việc đồng đội. Biết rằng khó, nhưng tôi chỉ mong mỗi người được xông đất nhà mình ngày đầu năm mới”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà kiểm tra phiên trực của anh em chiều 18 tháng Chạp
20 năm trong nghề công nhân vệ sinh khiến chị Thu Hà thấu hiểu nỗi niềm của anh chị em gắn đời với rác. Nhất là các nữ công nhân. Chị Hà nói: “Phải “hoàn cảnh” lắm các chị mới chọn nghề này. Cái nghề rất bạc. Vừa tổn hại sức khỏe, lương lại thấp lè tè, vừa không được người đời nhìn nhận đúng”.
Hiện tổ 6 của chị Hà có 30 công nhân, trong đó có 15 phụ nữ, đa phần là người đã có gia đình, các anh chồng hoặc cùng ngành hoặc chạy xe ôm, làm công nhân xây dựng, những nghề lao động phổ thông… Có chị gắn với nghề 29, 30 năm, nhưng cũng có người chỉ một, hai năm tuổi nghề. Hiểu từng cảnh đời của đồng đội mình như vậy, nên đêm nào tuần tra, kiểm tra, chị Hà cũng tranh thủ hỏi han từng hoàn cảnh một. Giờ làm việc của các chị từ 5g chiều đến 4, 5 giờ sáng hôm sau mới kết thúc. Ngần ấy thời gian, trên chiếc xe máy của mình, chị Hà rong ruổi các tuyến đường từ Hòa Bình, Khuông Việt, Tân Thành, Lũy Bán Bích… rẽ vào các khu chung cư để giám sát việc thực thi nhiệm vụ của anh em.
Một buổi chiều ngày giáp tết Canh Tý, theo hành trình của chị Hà, chúng tôi ghé vào góc đường Trịnh Đình Thảo - Khuông Việt. Vừa nghe chị Hà hỏi thăm, chị Huỳnh Thị Lan Chi đã kéo người tổ trưởng của mình ra góc riêng thì thầm. Ngay sau đó, chị Thu Hà lặng lẽ móc ví, dúi vào tay nữ đồng nghiệp tờ giấy 500.000 đồng. Mắt chị Lan Chi rươm rướm: “Ảnh bệnh nữa rồi, mà lương thì chưa có…”. Chị Thu Hà vỗ vai người bạn đồng nghiệp cùng sinh năm 1971: “Thôi, làm cho nhanh, tối về còn chăm ổng”.
Chồng là anh chồng làm nghề chạy xe ôm của chị Lan Chi, mấy tháng nay trở bệnh nằm một chỗ. Mọi gánh nặng dồn lên đôi vai nhỏ bé, gầy guộc của chị Lan Chi. Nhắc chuyện nhà, chị cười buồn: “Số tôi vất vả hơn người ta một chút. 29 năm trong nghề, chỉ loay hoay làm công nhân. Xưa con nhỏ nay ốm mai đau. Nay con lớn, đi nghĩa vụ vừa về, việc làm chưa ổn định thì chồng lại bệnh... Thôi ráng làm chứ biết sao. Mình còn khỏe để lo gia đình là còn mừng”. Thật vậy, với nghề công nhân vệ sinh không gì quý hơn sức khỏe. Đủ loại bệnh từ nghề nghiệp này có thể mang lại như nhẹ thì viêm tai mũi họng, năng hơn là viêm phổi... đó là còn chưa kể tai nạn lao động, tai nạn giao thông còn có thể rình rập bất cứ lúc nào.
Tủi buồn hơn, vài chị em vì đặc thù công việc phải đi làm thâu đêm, lại không được bạn đời thấu hiểu đã bị đổ vỡ hạnh phúc gia đình.
Chị Lan Chi trầm giọng kể: “Nhiều chị em còn khổ hơn tôi. Nhưng nghề của mình mà, nó đang nuôi sống mình đó chứ. Mình phải quý trọng nó thôi”.
Đêm giao thừa mẹ nhớ gửi em nha!
Câu nhắn gửi của cậu con trai đang làm nghĩa vụ quân sự ở Cà Mau khiến chị Nguyễn Thị Trinh rơi nước mắt. Vợ chồng chị Trinh cùng làm nghề quét rác mười mấy năm qua, nên từ nhỏ Lê Minh Khanh (sinh năm 2000) có nhiệm vụ trông em gái. Chiều chiều, cậu cho em ăn, giục em tắm rửa, học bài. Trước năm 2014, khi chị Trinh và chồng còn đi lấy rác dân lập, chiều ba mươi anh chị luôn có mặt ở nhà, cùng hai con dọn dẹp đón tết.
Nhưng từ năm ấy đến nay, lúc chị Trinh vào làm việc chính thức ở đội vệ sinh Tân Phú, chi nhánh môi trường đô thị Chợ Lớn, anh Lê Văn Em, chồng chị, thành nhân viên công ty Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh thì mỗi lần tết về, Khanh được ba mẹ khoán trắng việc “bảo mẫu” cho em gái (năm nay mới tròn 8 tuổi).
Giao thừa nào Khanh cũng đảm đương nhiệm vụ cúng kiếng trong nhà, dỗ em ngủ và chờ cửa ba mẹ về. Như năm 2019, khi chị Trinh về đến nhà đã gần 4g sáng mồng Một tết. Sau Giêng đó, Khanh lên đường nhập ngũ. Khanh vào cảnh sát biển, làm nhiệm vụ dọc các hòn đảo từ Phú Quốc đến Cà Mau nơi cực Nam tổ quốc.
Gắn đời với nghề công nhân vệ sinh, đồng nghĩa đêm giao thừa họ hãy còn đang ở giữa phố phường...
Nhắc đến con trai, chị Trinh nghẹn ngào: “Nó ngoan lắm, học thì không giỏi nên hết lớp Mười xin ba mẹ nghỉ học, đi học nghề. Vừa làm vừa học, được trả công 3 triệu đồng/tháng, Khanh không lấy đồng nào mà đưa hết cho mẹ. Khi đi nghĩa vụ, ban đầu con cũng lo sợ đủ thứ y như vợ chồng tôi. Nhưng sau khi con đi vài tháng, chính quyền phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú tổ chức đưa chúng tôi xuống thăm con ở Phú Quốc, thấy con thay đổi hẳn. Chuyện trò với tôi, Khanh hào hứng nói: “Mẹ về nhắn các dì xóm mình đừng sợ khi con trai đi nghĩa vụ. Anh em nào trúng tuyển thì cứ đi. Con thấy rồi, rèn luyện dù rất căng nhưng không cực khổ, vất vả như mọi người tưởng tượng đâu. Mẹ, đừng lo cho con nữa mẹ nha”.
Từ đó, lâu lâu, được đơn vị cho phép, Khanh lại gọi điện về thăm ba mẹ. Cuộc gọi gần đây nhất, nói chuyện ba mẹ trực lấy rác đêm giao thừa, Khanh nhắc tôi: “Đêm giao thừa mẹ nhớ gửi em nha. Mà ba mẹ phải tranh thủ về, đừng về quá trễ làm em chờ, tội nghiệp”. Nghe con nói, mới thấy nó đã lớn lên từ trong suy nghĩ. Tôi mừng rớt nước mắt”.
Đêm giao thừa, đồng nghĩa nhiều nữ công nhân như chị Hà, chị Trinh, chị Chi sẽ phải thức xuyên đêm, làm đẹp cho phố phường… Các chị vẫn nghĩ đó là công việc của chính mình, còn mọi người vẫn nghĩ đương nhiên, các anh chị đang làm nhiệm vụ.
Người biết chuyện, nghĩ về anh chị, thầm cảm ơn sự lặng lẽ góp công của họ cho mỹ quan thành phố mà vô tình không biết đằng sau đó, còn cả một gia đình, có cha mẹ già cùng những đứa con thơ dại bao năm trời hy sinh phút đoàn viên, sụm họp ngày cuối năm lẫn đầu năm...
Để mỗi người, mỗi nhà đều có tết
Là phương châm của Ban lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TPHCM. Ông Huỳnh Minh Nhựt - Tổng giám đốc công ty - cho biết: “Để thiết thực chăm lo đời sống của anh em công nhân, tết Canh Tý 2020, chúng tôi chi từ quỹ phúc lợi hơn 2,1 tỷ đồng để mỗi người đều có một phần quà xuân gồm cả tiền và hiện vật. Từ 23 tháng Chạp đến mồng Năm tết, công ty còn hỗ trợ tiền cơm cho các anh chị em vào ca trực. Những chăm lo có thể chưa nhiều như mong đợi, nhưng với tất cả sự nỗ lực của mình, công ty sẽ không để các anh chị em thiếu tết. Trong đêm giao thừa, ban lãnh đạo công ty cũng sẽ trực suốt cùng anh chị em công nhân với hy vọng toàn ngành cùng hoàn thành nhiệm vụ để mỗi người đều có phút sum vầy dù muộn màng với người thân ngày đầu năm mới”.
Hội thi “Bàn tay vàng công nhân cấp nước TPHCM” do SAWACO thực hiện đã giúp người lao động có sân chơi luyện tay nghề và nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Hiện nhiều tỉnh, thành của vùng ĐBSCL đang khẩn trương xây các hồ trữ nước ngọt nhằm ứng phó nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.