“Hổ báo trường mẫu giáo”

10/05/2023 - 08:53

PNO - Con tôi là nạn nhân của bạo lực học đường gần 2 năm mà tôi không biết. Đáng buồn hơn, con tôi cũng không nhận ra mình là nạn nhân nên không báo cho ba mẹ mà luôn cố nín nhịn, chịu đựng.

Cái chết của nữ sinh lớp Mười ở một trường chuyên tại Nghệ An vì nạn bạo lực học đường (BLHĐ) đã làm cộng đồng mạng thương cảm và bức xúc. Nhiều người cho rằng, BLHĐ chỉ xảy ra ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng thật ra ở tiểu học, thậm chí ở mẫu giáo, đã có tình trạng BLHĐ mà có khi phụ huynh không hay biết.

Một lần, tôi về quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thấy tay chân của bé Đ.Q.H. - 5 tuổi, con của anh tôi, đầy các vết trầy xước. Tôi hỏi: “Con bị sao vậy?”. Thằng bé ậm ờ rồi nói: “Con bị muỗi cắn”. Nhìn những vết hình trăng khuyết và hình 2 vầng trăng khuyết đối xứng nên tôi theo gặng hỏi.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ban đầu H. giấu, đến khi tôi nói: “Mấy cái dấu này đâu phải bị muỗi cắn. Con kể Út nghe đi, Út hứa không nói với ai hết” bé mới nói: “Con bị bạn T. nhéo”. Rồi bé vừa khóc vừa kể, vài câu lại dặn tôi: “Út không được méc ba mẹ con nghen. Bạn nói con méc ba mẹ là bạn đánh con gãy răng luôn”. Cháu tôi kể, ngày nào bạn T. cũng bắt cháu tôi nộp hết bánh kẹo, đồ chơi, bút màu.

Cháu tôi tranh thủ ăn hết bánh kẹo trước khi vào lớp hay phản ứng không cho bạn lấy đồ thì bị T. dùng móng tay cái bấm mạnh vào da và nhéo bằng 2 đầu móng tay, cấu khắp người cháu. T. đánh, dọa cháu tôi không được kể với ai, nếu kể sẽ bị đánh nhiều hơn.

Chuyện cháu tôi bị bạn bắt nạt, cô giáo và anh chị tôi không hề hay biết. Thấy những vết trầy xước của con, anh chị tin rằng con bị muỗi cắn; không nghĩ một đứa trẻ 5 tuổi đi học lại bị bạn bắt nạt dã man và tinh vi vậy. 

Hôm sau, tôi đưa cháu đi học và cho cô giáo xem những vết sẹo của cháu mình. Cô giáo bất ngờ, cô nhớ lại nhiều lần thấy T. chơi đồ chơi của cháu tôi, nhưng cô tưởng bé H. cho bạn mượn. Cô giáo đã hỏi các bạn cùng lớp và hầu hết cả lớp đều biết chuyện bạn T. lấy đồ chơi và nhéo, cấu cháu tôi.

Khi cô giáo kêu “đương sự” để hỏi thì cậu bé không còn trong lớp. Cô giáo và cả lớp nháo nhào đi tìm, một bạn phát hiện T. trốn trong nhà vệ sinh. Khi cô giáo kêu T. ra, chưa kịp hỏi thì cậu bé mặt tái xanh, mếu máo: “Mai mốt con không dám ăn hiếp bạn H. nữa đâu, cô tha cho con đi”. Cha mẹ của T. cũng bất ngờ vì “không nghĩ con nhỏ xíu lại bắt nạt bạn”.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

Chuyện trên xảy ra đã 14 năm, nay cháu tôi đã là sinh viên. Khi đọc được câu chuyện của nữ sinh tự tử, H. hỏi tôi: “Út còn nhớ vụ con bị BLHĐ hồi mẫu giáo không? Thỉnh thoảng, giờ con ngủ vẫn nằm mơ thấy, giật mình dậy người tuôn mồ hôi”. H. nói thêm: “Con nhớ như in, vì nó là nỗi đau tâm trí và thể xác”.

Từ chuyện của cháu tôi và nhất là thấy nạn BLHĐ ngày càng nhiều, ngày nào đón 2 cô con gái sinh đôi đang học lớp Năm, tôi cũng hỏi “có chuyện gì kể cho mẹ nghe”. Các con tôi líu lo kể chuyện bạn này không thuộc bài, bạn kia được cô khen, bạn khác bị dán giấy vô lưng…

Thỉnh thoảng, tôi cũng hỏi trực diện: “Đi học, có bạn nào ăn hiếp, đánh con không? Con có ăn hiếp bạn không?”. 2 con tôi học chung lớp, có thể bảo vệ nhau hoặc có xảy ra chuyện gì thì sẽ có bé “méc” với tôi.

Nhưng tôi đã lầm. Cách đây 2 tuần, một phụ huynh chung lớp với con tôi gọi điện hỏi “2 bé đi học về có kể chuyện của bé và bạn B. cho chị nghe không?”. Tôi ngơ ngác, phụ huynh này mới tiết lộ: “Con tôi kể, bạn B. ngày nào cũng bắt bé N. con chị bao uống nước, sai đi mua bánh, nước, cầm cặp cho B. Con chị không làm là bị dọa nghỉ chơi và kêu cả lớp nghỉ chơi với N.”. 

Tối đó, khi con đi học về, tôi hỏi N.: “Bạn B. có sai vặt con không, có bắt con làm theo yêu cầu của bạn không?”. N. lắc đầu. Tôi hỏi dò thế nào con cũng nói “không có đâu mẹ”. Khi đó, cô con gái sinh đôi với N. mới lên tiếng “có đó mẹ, ngày nào bạn B. cũng sai chị N. đủ thứ: mua bánh, xách cặp, đi lấy dây nhảy. B. sai chị N. như osin”.

Đến lúc này con gái lớn của tôi mới khóc, thú thật: “Tại con sợ bạn buồn, sợ bạn không chơi với con nữa nên con làm theo lời bạn”. Khi nghe chuyện, suốt đêm tôi không ngủ được. Tôi gọi điện báo cho cô chủ nhiệm, cô nói: “Tôi không biết có chuyện này. Để tôi xác minh lại và xử lý”. Hôm sau, cô báo cho tôi đã nói chuyện với bạn B., B. đã xin lỗi con gái tôi và hứa không tái phạm.

Lâu nay, tôi khá tự hào mình là người mẹ luôn sâu sát con và luôn bảo vệ được con. Thế nhưng, con tôi là nạn nhân của BLHĐ gần 2 năm mà tôi không biết. Đáng buồn hơn, con tôi cũng không nhận ra mình là nạn nhân nên không báo cho ba mẹ mà luôn cố nín nhịn, chịu đựng trong sự sợ hãi, uất ức. 

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Đừng nghĩ BLHĐ chỉ có ở trường cấp II, III mà ngay cả cấp học nhỏ nhất đã manh nha tồn tại BLHĐ và nó có thể ẩn dưới việc tranh giành đồ chơi, giật đồ ăn của bạn, mượn đồ không trả, sai vặt bạn… mà chúng ta thường tặc lưỡi bỏ qua vì “trẻ con mà”.

Nhiều phụ huynh thường quan tâm, dạy con kỹ năng để không trở thành nạn nhân của BLHĐ mà ít quan tâm đến khía cạnh ngăn chặn việc con có thể trở thành thủ phạm của BLHĐ.

Dù là nạn nhân hay thủ phạm của nạn BLHĐ, việc giáo dục từ gia đình và nhà trường là quan trọng nhất. 

Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI