Đáng ngạc nhiên, trước tội danh ảnh hưởng đến cuộc đời mình, cậu học sinh kia vẫn nhận thay cho bạn. Chuyện ly kỳ này vừa xảy ra tại một trung tâm giáo dục dạy nghề thiếu niên.
“Hổ báo” học đường - vấn nạn chưa bao giờ kết thúc, nhưng vì sao lại có những đứa trẻ chấp nhận sự ép buộc, chi phối, bắt nạt từ người bạn cùng trang lứa?
Theo dõi sự việc trên, bạn tôi, một doanh nhân cũng bức xúc kể trên facebook chuyện Mỹ Nhân - con gái anh - từng vô tư giúp cô bạn Quỳnh Nhi thoát tội.
Năm lớp 10, Quỳnh Nhi đơn phương yêu một nam sinh cùng khối; sợ không được đáp lại, cô bé chỉ dám tỏ tình bằng những bức thư giấu tên. Ba lần nhận thư, bằng sự đắc ý, giễu cợt, nam sinh này bất ngờ công bố các lá thư nói trên.
Hành động của người mình yêu khiến Quỳnh Nhi hụt hẫng. Chán nản, cô bé tiếp tục gửi đi hai lá thư đầy giận hờn, trách móc. Rồi, tình cờ phát hiện nam sinh kia đem lòng yêu cô khác, Quỳnh Nhi ghen tuông, dồn dập gửi thêm bốn lá thư với lời lẽ lăng mạ, sỉ nhục nam sinh trên.
Cô bé còn đe dọa: “Sẽ kêu người cho cả hai một trận nhớ đời bởi đã làm tôi đau đớn”. Không may, cậu học sinh sợ hãi trước lời đe dọa, đã yêu cầu ban giám hiệu can thiệp.
Cuộc “truy lùng” chủ nhân những lá thư mở ra khắp các lớp học. Với nét chữ của mình, Quỳnh Nhi không thể chối tội, nhưng diễn tiến sau đó đầy bất ngờ: Quỳnh Nhi khẳng định do… Mỹ Nhân nhờ viết. Oái ăm thay, Mỹ Nhân cũng nhận tội.
Bạn tôi cho biết, không phải một lần mà rất nhiều lần, con gái anh oan ức gánh lỗi thay cho Quỳnh Nhi. Anh kết: “Quỳnh Nhi là cô bé “hổ báo”, rất tinh ranh - nhân tố đầy "triển vọng" của thói bạo lực học đường. Còn con gái tôi thì suýt bị đuổi học sau vụ thư tình. May là tình bạn ấy không kéo dài do gia đình tôi chuyển lên TP.HCM sinh sống”.
Giải thích lý do con gái phải nhận thay lỗi bạn, anh khẳng định: “Con bé bảo thấy tội nghiệp Quỳnh Nhi”.
Rất nhiều comment (bình luận) ca ngợi tình bạn giữa hai cô bé, khen con gái anh tốt tính, nhưng bạn tôi lại phản bác: “Con tôi chỉ tội nghiệp Quỳnh Nhi. Thực tế, Mỹ Nhân không hề yêu quý bạn”.
Ngay khi phát hiện cậu con trai học lớp 6 suốt hai tháng liền, chẳng những chép bài giùm bạn mà còn cho bạn tổng cộng hai triệu đồng, chị Ngọc Minh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã cất công tìm hiểu.
Vờ… tình cờ đến trường con trai Thế Tân trong giờ ra chơi, chị Minh “đứng hình” bắt gặp con đang… đấm bóp cho người bạn tên Phi.
Tin rằng không phải một sự đùa giỡn bởi thần sắc con quá chán chường như thể bị ép buộc, chị Minh lặng lẽ kiên trì làm quen, “móc mối” với một người bạn khác của con. Chị tá hỏa khi biết mỗi ngày con đi học, phải “cống nộp” cho Phi 30.000đ.
Tối, nhân lúc Thế Tân đang chép bài giùm bạn, chị Minh vờ hỏi xem cuốn tập, thở dài: “Bạn ốm hay sao mà con làm giúp bài tập về nhà cho bạn vậy? Nhìn con, mẹ nhớ ngày xưa cũng có cô bạn bị tật ở chân, hay ốm vặt, mẹ cứ phải chép bài giùm mãi thôi, chán mà vẫn ráng”.
Thế Tân ậm ờ: “Dạ, bạn con ốm”.
Không bỏ cuộc, chị Minh tiếp: “Nói đến cô bạn ấy, mẹ nhớ thêm chuyện này. Trong lớp mẹ có cô bạn khác quậy lắm, ngang ngược lắm, thấy bạn tật nguyền, đã không thương còn nhiều lần ăn hiếp, trêu chọc. Mẹ nhớ một lần đi uống nước mà không được cho phép, cổ bị “ăn” hai tát tai từ bạn. Tiếc là ngày ấy mẹ cũng quá yếu đuối, không bảo vệ cô bạn đáng thương”.
Thế Tân vẫn im lặng. Không muốn ép con, chị Minh rời đi nhưng không quên bỏ ngỏ: “Bạn bè mà bắt nạt nhau là không chấp nhận được. Nếu phát hiện bạn nào bị ăn hiếp, con nhất định phải báo cho cô giáo nghen con”.
Hôm sau, Thế Tân nhìn mẹ, hỏi dò: “Thế rồi cô bạn bị tật của mẹ làm sao để thoát khỏi người bạn kia?”. Không kịp nghe mẹ trả lời, Thế Tân… bật khóc, nức nở kể lại những cuộc “hành hạ” của Phi. Đau lòng nhưng không vội trách Phi, chị Minh hỏi: “Nhưng vì sao lại là con mà không phải bạn nào khác?”. Thế Tân gạt nước mắt: “Bạn chê con mập. Nếu con không làm theo lời bạn, bạn sẽ rủ những người bạn khác chọc ghẹo, ném sách vở vào người con”…
Xem các clip bạo lực đường, tâm lý chung của nhiều người là tức giận, phẫn nộ. Tuy nhiên, không nhiều phụ huynh tự hỏi, sự yếu thế kia của nạn nhân bắt đầu từ đâu? Vì sao đứa trẻ ấy chấp nhận là người yếu thế, chịu sự thao túng, bắt nạt của bạn mình trong thời gian dài, nhiều lần bị “chèn ép” trước khi dẫn đến giọt nước tràn ly - là cuộc ẩu đả?
Trong lần trò chuyện riêng tư với người bạn doanh nhân kể trên, gặng hỏi mãi, tôi được anh “thú nhận”: vô số lần chịu gánh tội thay Quỳnh Nhi nhưng lòng lại khó chịu, căm phẫn là do Mỹ Nhân từng… phá thai. Chuyện trót dại của con gái anh chỉ gia đình và Quỳnh Nhi biết. Đây là cái cớ giúp cho Quỳnh Nhi thao túng, điều khiển được bạn mình.
Rõ ràng, luôn có một “gót chân Asin” nào đó trong câu chuyện những đứa trẻ trở thành nạn nhân của sự bắt nạt. “Gót chân Asin” ấy, theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, thường rơi vào những đứa trẻ có tính cách rụt rè, nhút nhát, có lỗi cần che giấu nhưng không may bị “kẻ mạnh” phát hiện, có những khuyết điểm khác biệt với số đông…
Việc tìm kiếm những “gót chân Asin” rồi thao túng bạn bè hầu hết dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, khi sự chịu đựng vượt giới hạn.
Nếu chịu mãi sự thao túng, đứa trẻ đa phần trở thành người không chính kiến: không dám nghĩ, không dám làm, mất niềm tin vào bản thân và cả với chung quanh; khi trưởng thành, nạn nhân hoặc mặc cảm hoặc nổi loạn, có sở thích thao túng lại người khác.
Tuyết Dân