Hít thở không khí ô nhiễm ở Delhi giống như hút 50 điếu thuốc 1 ngày

04/01/2025 - 16:56

PNO - Chỉ số chất lượng không khí ở Delhi tăng lên 494, vượt xa mức độ không khí ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng.

Tình trạng khói bụi độc hại bao trùm Delhi trở nên tồi tệ hơn vào ngày đầu năm mới, chính quyền thủ đô Ấn Độ đã đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển của người dân.

Các hạn chế bao gồm dừng mọi hoạt động xây dựng, cấm xe tải chạy bẳng dầu diesel, đóng cửa trường học cao đẳng, khuyến nghị các công ty chuyển sang mô hình làm việc tại nhà.

Người đi bộ đi qua lớp sương mù ô nhiễm dày đặc. Ảnh: AFP.
Người đi bộ đi qua lớp sương mù ô nhiễm dày đặc - Ảnh: AFP

Chỉ số chất lượng không khí trung bình ở Delhi tăng lên 494 (AQI). Đây là chỉ số được phân loại "cực kỳ nghiêm trọng", có tác động cực xấu đến sức khỏe. Tiếp xúc lâu dài với AQI cao thường dẫn đến hen suyễn, bệnh phổi và trong trường hợp nghiêm trọng là ung thư phổi.

Theo nhóm giám sát Chỉ số chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir, nồng độ PM2.5 trong không khí đã tăng lên 737 vào đầu tuần này (30/12/2024), cao gấp 150 lần giới hạn của WHO đưa ra, khiến Delhi trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

PM2.5 là những hạt bụi nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi của con người và thậm chí đi vào máu. Nồng độ PM2.5 cao cũng có thể gây ra các bệnh mãn tính về thận và gan, tăng động, mất trí nhớ và các rối loạn viêm thần kinh.

Người dân lái xe trong sương mù dày đặc ở Delhi. Ảnh: AFP
Người dân lái xe trong sương mù dày đặc ở Delhi - Ảnh: AFP

Tiến sĩ Nikhil Modi - cố vấn khoa hô hấp và chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Indraprastha Apollo (Ấn Độ) - chia sẻ cùng tờ The Indian Express rằng việc tiếp xúc với mức PM2.5 cao như vậy tương đương với việc hút 50 điếu thuốc mỗi ngày.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature năm 2022 cho thấy hơn 40% trong số 2 triệu ca thai chết lưu được báo cáo trên 137 quốc gia vào năm 2015 là do tiếp xúc với mức PM2.5 vượt quá giới hạn của WHO. Tổng cộng có hơn 800.000 ca thai chết lưu.

Theo một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2021, khoảng 30% trẻ em ở Delhi bị tắc nghẽn phổi hoặc hen suyễn. So với trẻ em ở các tiểu bang ít ô nhiễm hơn, trẻ em ở thủ đô Ấn Độ không chỉ bị tỉ lệ mắc bệnh hen suyễn cao hơn mà còn bị viêm mũi dị ứng, chàm, ho, khó thở và đau hoặc tức ngực.

Theo báo cáo của Down to Earth, năm 2023, Bệnh viện Ram Manohar Lohia ở Delhi báo cáo số bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp tăng 30% vào những ngày ô nhiễm ở thành phố được ghi nhận ở mức nghiêm trọng.

việc tiếp xúc với mức PM2.5 cao như vậy tương đương với việc hút 50 điếu thuốc mỗi ngày. Ảnh: AFP.
Việc tiếp xúc với mức PM2.5 cao tương đương với việc hút 50 điếu thuốc mỗi ngày - Ảnh: AFP

Cuộc khảo sát của LocalCircles cho thấy cứ 10 hộ gia đình thì có 4 hộ đi khám bác sĩ, trong đó những bệnh nhân nặng hơn thường đến bệnh viện thành phố. Gần một nửa cư dân Delhi tìm kiếm sự trợ giúp y tế vì các vấn đề về hô hấp do ô nhiễm không khí nghiêm trọng và 81% báo cáo các vấn đề sức khỏe liên quan.

Bộ trưởng Môi trường Delhi - ông Gopal Rai - cho biết: “Trẻ em và người cao tuổi đang vật lộn để thở mỗi ngày và chúng tôi rất làm tiếc về tình trạng này”.

Hà Di (theo independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI