Hình tượng tài tử châu Á được cải thiện trong phim ảnh Hollywood

13/11/2019 - 07:44

PNO - Từ phim tình cảm hài lãng mạn cho đến những bom tấn siêu anh hùng của Marvel, các tài tử gốc Á ngày càng được các nhà làm phim Hollywood ưu ái giao cho nhiều đất diễn.

Không chỉ vậy, hình tượng các nhân vật họ thủ diễn cũng được cải thiện trong mắt người xem.

Tháng 12 tới, khán giả sẽ có dịp thưởng thức những giai điệu ngọt ngào của ca khúc kinh điển Last Christmas trong bộ phim hài tình cảm cùng tên. Trong đó, vai diễn của Henry Golding - diễn viên có mẹ là người Malaysia, cha là người Anh - được miêu tả khá hoàn hảo. Cũng trong thể loại hài tình cảm, hè vừa rồi, khán giả cũng dành nhiều thiện cảm cho các tài tử gốc Á qua vai diễn Marcus Kim do Randall Park đóng, trong phim ăn khách phát độc quyền trên Netflix Always be my maybe

Việc các nam diễn viên châu Á giữ vai chính hay hóa thân thành những siêu anh hùng trong các bộ phim châu Á là bình thường, nhưng với phim ảnh Hollywood, điều này chỉ phổ biến vài ba năm gần đây. Nhìn lại quá khứ, các nhà làm phim Hollywood ít dành thiện cảm cho các nhân vật nam châu Á. Trên phim ảnh Mỹ, góc nhìn quen thuộc về những người đàn ông gốc Á thường rất khô khan, chỉ mê khoa học hoặc võ thuật. 

Hinh tuong tai tu chau A  duoc cai thien trong phim anh Hollywood
Henry Golding trong một cảnh quay của Last Christmas

Tài tử Anh gốc Trung Quốc Daniel York Loh, người từng đóng trong hai phim Mỹ The Beach, Rogue Trader tâm sự trên tờ The Guardian: “Đàn ông Đông Á thường được định nghĩa là những người thô lỗ, thiếu gợi cảm trong nhiều phim. Họ hiện lên như những kẻ vũ phu đối với phái yếu, và không hề có lòng trắc ẩn. Rất khó thấy trên phim ảnh đàn ông Đông Á hôn phụ nữ”. Theo nam diễn viên này, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ sự kỳ thị chủng tộc, tâm lý coi người da vàng là mối đe dọa thế giới của người phương Tây. 

“Hiểm họa da vàng” - thuật ngữ xuất hiện cuối thế kỷ XIX ở phương Tây nhằm ám chỉ mối đe dọa đến từ châu Á - từng được Hollywood khắc họa thông qua nhiều bộ phim The Mysterious Dr. Fu Manchu (1929), The Return of Dr. Fu Manchu (1930), Daughter of the Dragon (1931)… nói về chân dung ác nhân Trung Quốc Fu Manchu - nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết của nhà văn Anh Sax Rohmer. 

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mọi thứ đã thay đổi. Nếu lúc trước, các nam tài tử Đông Á gắn liền với hình tượng những người đàn ông thiếu quyến rũ, thì gần đây họ bắt đầu trở thành những “soái ca” trên màn ảnh. Henry Golding sau khi hớp hồn người xem với vai diễn công tử nhà giàu điển trai trong Crazy Rich Asians, đã được mời vào vai người chồng giáo sư trong phim hài hồi hộp A Simple Favour (2018).

Hiện Henry Golding còn góp mặt trong bộ phim găng-tơ The Gentlemen của đạo diễn Guy Ritchie, sẽ ra rạp vào năm tới. Diễn viên Mỹ gốc Hàn John Chu chiếm cảm tình người xem sau vai diễn người cha tận tụy đi tìm con trong Searching (2018), cũng là tài tử gốc Á đầu tiên thủ vai chính trong một phim ly kỳ Mỹ chính thống. 

Không chỉ thủ vai chính, các nam diễn viên gốc Á thậm chí còn trở thành siêu anh hùng trong các bom tấn Hollywood. Tháng Bảy vừa qua, hãng Marvel công bố chọn nam diễn viên ba mươi tuổi người Canada gốc Trung Quốc Simu Liu vào vai chính Shang-Chi trong phim Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings - dự án đầu tiên của vũ trụ điện ảnh Marvel nói về các siêu anh hùng châu Á.

Trong truyện tranh, Shang-Chi là một chuyên gia võ thuật Trung Quốc, con trai của Fu Manchu - hình tượng đại diện cho sự phân biệt chủng tộc trên màn ảnh phương Tây - sau khi phát hiện ra bản chất xấu xa của cha, đã đứng lên hợp tác với tổ chức MI 6 chống lại ông. Simu Liu là nam diễn viên đóng thế, từng tham gia nhiều dự án phim điện ảnh cũng như truyền hình Mỹ. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI