“Lỡ gửi hình nhạy cảm cho người yêu, bây giờ không còn yêu nữa, kẻ ấy trở mặt gây hấn, khủng bố, phải làm sao?” - trên các trang giải đáp pháp luật, hằng hà sa số các câu hỏi tương tự được đưa ra, cho thấy một mối nguy không nhỏ với tình yêu thời công nghệ.
“Em gửi hình đẹp cho anh đi”
"Em chụp cho anh xem nụ cười em lúc này đi", lời khẩn cầu chính đáng từ phía người yêu đưa ra, hầu như chẳng chị em nào từ chối. Hình selfie lập tức được gửi đi, lời khen gửi lại. Chẳng mấy chốc cuộc trò chuyện đi vào chiều sâu:
“Em cho anh xem… cái rún em nào”. Khi mối quan hệ thân thiết, lời khẩn cầu có thể nhạy cảm hơn: “Chụp hình đẹp cho anh, nhớ chụp “chỗ này”, “chỗ kia”…”. Và thế là hình ảnh mang tính riêng tư được “sản xuất” liên tục.
“Đàn bà yêu bằng tai, đàn ông yêu bằng mắt”, đàn ông có nhu cầu nhìn ngắm người mình yêu và việc họ yêu cầu gửi hình ảnh hay clip cũng dễ hiểu.
Khi yêu, đàn bà có xu hướng phô bày vẻ đẹp của mình. Không chỉ làm điệu khi hẹn hò giáp mặt, chị em thường trang điểm đẹp, mặc đồ đẹp rồi chụp hình đăng mạng xã hội “thả thính” hay gửi riêng cho người yêu. Chính đặc điểm tâm lý này khiến kho hình của đàn bà dễ dàng lọt vào tay người đàn ông họ yêu thương, tin cậy.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã viết trong một truyện ngắn: "Chuyện tình ái, giống đực thường khôn ngoan và vô trách nhiệm, giống cái thì nhẹ dạ và tận tụy quá". Câu này có thể khiến nhiều anh không vui nhưng hình như… quá đúng.
Đàn bà nắm trong tay ngàn tỷ, điều hành ngàn con người hay đàn bà nghèo kiệt cùng; đàn bà trẻ hay đàn bà có tuổi đều giống nhau. Tùy cá tính và văn hóa, mức độ thể hiện có thể khác nhau nhưng hầu hết đàn bà đã yêu thì đắm say, dâng hiến, mù quáng, thậm chí liều lĩnh.
Lúc sóng lòng cuồn cuộn, họ có thể hành động như điên khùng, điều mà chính họ không lý giải nổi. Cũng vì thế, dù đã nghe lời khuyên: “Đừng dại mà gửi hình nhạy cảm” song nội dung này lắm khi vô hiệu với đàn bà đang yêu.
Nếu chỉ tính một nửa nhân loại đang yêu nhau (tạm trừ người già và trẻ em), mỗi ngày có không biết bao nhiêu hình ảnh, tin nhắn, clip… nhạy cảm những người đang yêu gửi cho nhau.
Mỗi dịp cuối năm, mạng Zalo lại tổng kết các nội dung như: “Bạn gọi cho ai nhiều nhất”, “Ai nhắn cho bạn nhiều nhất”, “Ai like nhiều nhất”… Con số các thành viên khoe ra làm chính người trong cuộc giật mình.
Một phụ nữ U50 có thể gửi tới 5.000-7.000 tin nhắn cho bạn trai trong một năm, một cô gái tuổi nồng nàn yêu đương có thể gửi tới hàng vạn tin mỗi năm cho người ấy…
Thử đem các con số đó chia cho 365 ngày sẽ hình dung được con số khủng khiếp: mỗi ngày người ta gửi hàng trăm tin nhắn với nhau, dù hai bên đều bận học hành, làm việc chứ không phải “vô công rồi nghề”.
Mức độ sexting (tin nhắn tình dục) gia tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển của kỹ thuật số và các trang mạng xã hội.
Tại Việt Nam, theo kết quả của một nghiên cứu mới đây của nhóm tác giả phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội), có khoảng 70% học sinh, sinh viên tham gia cuộc khảo sát nói rằng, sexting là hành vi thiếu an toàn, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như bị bắt nạt, lạm dụng tình dục trên mạng, dính líu pháp luật hoặc hình ảnh xấu sẽ bị truyền đi một cách không mong muốn.
Có tới 46% học sinh tham gia cuộc điều tra cho rằng, việc sexting ở những người dưới 18 tuổi là sai trái. Điều này cho thấy học sinh phổ thông ở Việt Nam đã bước đầu có những hiểu biết về quy định của pháp luật liên quan đến hành vi sexting.
|
Hình ảnh, tin nhắn, clip hay chỉ là cái sticker trở thành một phần quan trọng của cuộc tình và sẽ vô hại nếu đôi bên kết hôn, thành vợ thành chồng.
Tuy nhiên, số lượng các cuộc tình dở dang, ngang trái vốn không ít hơn các cuộc tình kết cục tốt đẹp. Nếu không chia tay trong êm đẹp, nếu một hoặc hai bên còn yêu hoặc còn ôm hận, nếu đối phương có người yêu mới hoặc lấy vợ lấy chồng, bên còn lại có thể nghĩ cách trả thù.
Trên các hội nhóm, mỗi ngày không thiếu các thông tin một người dùng hình nóng lúc mặn nồng để tống tiền người yêu cũ. Cá biệt, có kẻ còn đem hình người mình từng yêu thương bán cho các trang khiêu dâm kèm số điện thoại của chính chủ.
Không ăn được thì đạp đổ, phải làm cho kẻ kia “rực sáng” trên mạng xã hội là cách rất được ưa chuộng cùng vô vàn mưu hèn kế bẩn.
Làm sao “hạ cánh an toàn”?
Chị Thi Thơ, ở TP.HCM, một ngày đẹp trời hớt hải cầu cứu văn phòng luật sư. “Khi chia tay, tôi và anh ta đã cam kết xóa hết hình ảnh, clip nhạy cảm để không phiền nhau sau này. Vậy mà bất ngờ hắn gửi tôi một file ghi âm cuộc trò chuyện trong phòng ngủ. Nếu hắn cũng gửi cho chồng con tôi thì không biết cửa nhà ra sao”, chị Thơ lo lắng.
Tình huống bị người tình cũ lục lại kho hình cũ như chị Thi Thơ khá nhiều nhưng nạn nhân thường chịu trận chứ không tìm tới công an hay luật sư để được bảo vệ, dù các điều luật khá chặt chẽ.
|
Ảnh minh họa |
Chưa kể nạn nhân thường không dễ biết mình đã bị rò rỉ hình nhạy cảm, thậm chí là người sau cùng biết. Nhiều trường hợp do anh người yêu cũ đem khoe trong nhóm bạn rồi hình ảnh bị chia sẻ tiếp đi và mất dấu ban đầu, nhiều trường hợp do người yêu cũ bị vợ hay người yêu mới lục điện thoại.
Ngoài ra còn có các tình huống như mất điện thoại hay bị hack mà mất tài khoản, cuộc trò chuyện với những tấm hình nhạy cảm cũng có nguy cơ lọt vào tay kẻ xấu.
Hình ảnh cá nhân gồm hình ảnh do chụp, vẽ, hình ảnh do quay phim một người cụ thể. Hình ảnh của một cá nhân là đối tượng thuộc quyền nhân thân của người có hình ảnh đó.
Trường hợp người nào đó phát tán những hình ảnh riêng tư của bạn (ảnh khỏa thân, ảnh quan hệ tình dục…) mà không có sự đồng ý từ bạn gây lo sợ, mất uy tín, suy sụp tinh thần, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm cho bạn thì người đó không những vi phạm những quy định về quyền nhân thân đối với hình ảnh tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 mà còn vi phạm quyền nhân thân về bí mật đời tư (Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015) và quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm, uy tín (Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Nếu hành vi trên gây thiệt hại cho bạn thì bạn có thể yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Nếu tự ý thực hiện hành vi sử dụng phát tán hình ảnh, video của bạn thì tùy vào mức độ có thể bị xử lý về hình sự đối với tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức độ nhẹ thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà người làm ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm này có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Trong trường hợp bảo vệ quyền lợi và danh dự, nhân phẩm của mình, chính người bị hại phải có đơn đề nghị khởi tố kẻ tung ảnh nóng gửi đến cơ quan công an cấp quận/huyện nơi bị hại cư trú.
|
Hoàng Hương