Hình ảnh phổi đen như than của nạn nhân cháy nhà

05/12/2017 - 21:00

PNO - Nhân vụ cháy nhà ở quận 11 TP.HCM khiến 3 mẹ con tử vong và một người nguy kịch, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cảnh tỉnh nhiều trường hợp tử vong vì khói độc, chứ không phải bỏng lửa.

Phổi đen khi không thoát kịp đám cháy

Khi nội soi phổi cho chị H.T.H.V 32 tuổi - người sống sót trong vụ cháy nhà trọ ở quận 9 (vừa xảy ra vào tháng 10/2017, khiến 2 bà cháu tử vong - là người thân của chị V.); các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện tình trạng hai bên phổi nám đen vì bỏng. 

Hinh anh phoi den nhu than cua nan nhan chay nha
Kết quả nội soi cho thấy hai bên phổi của nạn nhân bị bỏng hoàn toàn

Các bác sĩ cho biết, nạn nhân bị kẹt lại trong phòng kín khi ngôi nhà đang cháy dữ dội. Kết quả nội soi phế quản 2 ngày sau đó cho thấy: 2 bên phổi nạn nhân bị loét toàn bộ do bỏng, nặng nhất là vùng hô hấp dưới. 

Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực như súc rửa phế quản, dùng kháng sinh, cắt lọc, ghép da, giảm đau… bệnh nhân được xuất viện ra về với kết quả điều trị khả quan.

Tuy nhiên, không phải bệnh nhân bỏng hô hấp nào cũng được cứu sống. Theo bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng -  Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ có 60% – 70% nạn nhân bỏng hô hấp may mắn thoát chết.

Trong các vụ hỏa hoạn, nạn nhân dễ chết ngạt trước khi chết vì bỏng. Bác sĩ Ngô Đức Hiệp lý giải: "Khói và bụi than sinh ra từ lửa, tấn công vào các cơ quan hô hấp làm giảm khả năng trao đổi oxy. Hoặc nạn nhân hít bụi than trong không khí vào phổi, làm phù nề phế nang, dẫn đến chết ngạt".

Mặt khác, các vật liệu tổng hợp được sử dụng phổ biến ngày nay làm khói thêm độc vì giải phóng các chất nguy hiểm. Thêm vào đó, nạn nhân lẫn đội cứu hộ chủ quan vì không đến bệnh viện sớm để tầm soát. Thực tế, khói chỉ gây độc sau 24 giờ - 36 giờ tiếp xúc. 

Hinh anh phoi den nhu than cua nan nhan chay nha
Phổi nám đen như than khi bị bỏng lửa

Ưu tiên bảo vệ đường hô hấp

Trước tình trạng nhiều nạn nhân chết ngạt trước khi chết cháy, bác sĩ Ngô Đức Hiệp khuyến cáo: Khi xảy ra hỏa hoạn, nạn nhân nên tìm cách bảo vệ đường hô hấp. “Trong một vụ cháy, những người nhanh trí sử dụng khẩu trang che mặt và đến khi nhập viện, gần như không hề bị bỏng đường hô hấp hoặc rất ít tổn thương vùng mặt. Do đó, người dân nên tìm cách bảo vệ miệng, mũi để tránh ngạt khói và bỏng hô hấp”.

Hinh anh phoi den nhu than cua nan nhan chay nha
 

Khi tìm đường thoát hiểm, hãy giữ cơ thể ở vị trí thấp gần sàn sẽ hít ít khói hơn. Theo tự nhiên, khói bay lên cao, vì thế khi tìm đường thoát hiểm cần tìm ở vị trí thấp. Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà và bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói.

Điều này cũng được Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM khuyến cáo: “Khom người, hạ thấp độ cao khi di chuyển, men theo tường, dùng vải, khăn thấm nước che miệng để hạn chế hít phải khói, khí độc”.

Hoàng Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI