Hình ảnh "người thứ ba" trên màn ảnh nhỏ: Tràn lan và được “tẩy trắng”

10/06/2021 - 06:58

PNO - Hầu hết phim truyền hình hiện nay đang dùng yếu tố “người thứ ba” để tạo kịch tính. Đáng nói là chân dung nhân vật này ngày càng được xây dựng táo bạo, thậm chí còn được “tẩy trắng” hình ảnh, khiến người xem không khỏi tự hỏi: Phải chăng phim Việt đang cổ xúy chuyện ngoại tình?

“Người thứ ba” lên ngôi

Vấn đề ngoại tình trở thành nguồn cơn của phim Hãy nói lời yêu. Câu chuyện hiện đang dừng ở cao trào nhân vật bà Hoài bị bắt vì tội cố ý gây thương tích mà người tố cáo là tình nhân của ông Tín - chồng bà. Phim còn éo le ở chỗ đẩy nhân vật con gái bà Hoài rơi vào tình huống làm “người thứ ba” vì bị lừa.

Cả một đời ân oán, Hoa hồng trên ngực trái, Vua bánh mì, Hướng dương ngược nắng cũng dùng sự việc người chồng, người cha ngoại tình để mở màn cho hàng loạt sóng gió trong gia đình. Các phim Yêu trong đau thương, Cát đỏ, Lửa ấm, Trói buộc yêu thương, Cây táo nở hoa đều có những tình huống kịch tính vì các nhân vật ngoại tình. Còn Nàng dâu order, Về nhà đi con hay Đừng bắt em phải quên đều xây dựng nhân vật nữ tự ý chen chân phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. 

Những nhân vật “người thứ ba” trên màn ảnh Việt có xu hướng được… đề cao?
Những nhân vật “người thứ ba” trên màn ảnh Việt có xu hướng được… đề cao?

Biên kịch Trịnh Khánh Hà (phim Về nhà đi con, Hương vị tình thân) cho rằng: “Tình huống ngoại tình tạo sự kịch tính, gây bức xúc, được khán giả quan tâm, tranh cãi nên thường được khai thác”. Thật vậy, những mẩu chuyện về “người thứ ba” trong các phim luôn “dậy sóng”, thể hiện qua việc các trích đoạn đánh ghen luôn thu hút lượng người xem rất cao. Màn đánh ghen hộ như “bắn rap” trong phim Về nhà đi con (tập 68) có 3,4 triệu lượt xem, cảnh Hân đánh ghen dùm chị gái trong Gạo nếp gạo tẻ (tập 32) có 4 triệu lượt xem.  

Người xem bị ức chế 

Nếu như "người thứ ba" trong phim trước đây thường là người có lỗi, thì trong các phim lên sóng gần đây chân dung những nhân vật “người thứ ba” ngày càng gây ức chế khán giả vì được “tẩy trắng” một cách phi lý.  Cách thức “tẩy trắng” này phổ biến ở việc xây dựng nhân vật thành kẻ giỏi nói đạo lý, hay người đáng thương.

Hãy nói lời yêu, Trâm là kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình ông Tín, nhưng lại “lên lớp” ông về cách dạy con, thậm chí nực cười hơn khi trước mặt con gái, ông Tín còn hết lời ca ngợi tình nhân: “Nhờ Trâm mà bố hiểu con nhiều hơn”.

Trailer Hướng dương ngược nắng:

Tương tự phim Hướng dương ngược nắng khiến người xem khó chịu vì nhân vật Diễm Loan chiếm sóng quá nhiều, và nhân vật này không hề áy náy, thậm chí còn tự hào về việc làm “người thứ ba” trước mặt người vợ chính thức. Nhân vật Châu trong Cây táo nở hoa cũng được khắc họa như kẻ đáng thương tội nghiệp, dù cô phá hoại hạnh phúc gia đình 
người khác.

Nếu trước đây chân dung “người thứ ba” trên phim truyền hình thường được miêu tả là những cô gái nghèo, ít học, quen dựa dẫm mồi chài đàn ông, thì hiện nay hình tượng nhân vật này được làm mới theo chiều hướng chuyển từ đáng trách sang đáng thương, thậm chí còn là người biết chia sẻ, yêu thương như một nhân vật chính diện. Hình mẫu chung của “người thứ ba” hiện nay là những cô gái giàu có, giỏi giang, tự lập, điển hình như Khánh Ngọc (Lửa ấm), Hà (Trói buộc yêu thương), Trâm (Hãy nói lời yêu), Châu (Cây táo nở hoa). Song song đó là sự trơ trẽn, táo bạo khi sẵn sàng cà khịa hoặc ghen ngược với vợ chính thức như Trà (Hoa hồng trên ngực trái), Nhớ (Cát đỏ)... 

Phim ảnh lấy chất liệu từ đời thật, và chuyện ngoại tình cũng không phải vấn đề hiếm gặp ở các gia đình. Tuy nhiên, tình trạng “lạm phát” nhân vật “người thứ ba”, cùng cách xây dựng dạng vai này như những kẻ đáng thương, thậm chí được đề cao, rõ ràng gây ức chế cho người xem, và vô hình trung tạo cảm giác phim đang cổ xúy hay biện minh cho "người thứ ba" trong xã hội ngày nay. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI