“Ổ bánh mì biên giới” và những câu chuyện rơi nước mắt
Thầy Hoàng Quang Cẩn - Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho hay, 100% học sinh của trường là người dân tộc Pa Kô. Bà con Pa Kô có tập quán ăn 2 bữa/ngày.
Buổi sáng, học sinh mang bụng đói đến lớp bởi bữa ăn sáng của gia đình thường bắt đầu lúc 8g hoặc 8g30. Người lớn chừa phần cơm để con em về ăn vào buổi trưa. Thế nên học xong, nhiều em đói hoa mắt.
|
Học sinh Trường tiểu học A Ngo xếp hàng nhận bánh mì do bộ đội biên phòng đồn La Lay góp kinh phí mua và đến phát tận trường |
Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay (đồn La Lay) phụ trách an ninh 2 xã A Ngo và A Bung. Bên A Bung, đại đa số bà con là người Pa Kô, Vân Kiều nên trẻ con thường nhịn đói đến trường. Năm 2018, đại úy Nguyễn Văn Bằng - Bí thư Đoàn cơ sở đồn La Lay - đã báo cáo và đề xuất vận động cán bộ, chiến sĩ trích lương 100.000-200.000 đồng/người/tháng để lo bữa sáng cho học sinh. Tất cả đoàn viên nhất trí và chương trình “Ổ bánh mì biên giới” ra đời.
Sớm thứ Hai và thứ Sáu hằng tuần, cán bộ, chiến sĩ của đồn thay nhau đến lò ở thôn A Đeng, xã A Ngo - lò bánh mì duy nhất trong vùng - để lấy bánh. 19 bản của 2 xã có 14 điểm trường nên đồn chỉ có thể tổ chức phát bánh mì luân phiên ở các điểm. Những ngày đầu, kinh phí hạn hẹp nên đồn chỉ có thể phát bánh mì không. Dần dần, không chỉ đoàn viên thanh niên mà tất cả cán bộ, chiến sĩ của đồn La Lay cùng trích lương tháng. Các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cũng góp kinh phí, giúp “bánh mì biên giới” có thêm sữa, cá hộp, thịt hộp.
Thiếu tá Lê Xuân Trường - Chính trị viên phó đồn La Lay - nói, mỗi lần mang bánh mì đến trường, nhìn bọn trẻ ăn ngon lành, anh vui lắm, nhưng nhiều lúc cũng thương: “Chúng tôi luôn mua số bánh nhiều hơn số học sinh. Có cháu nhận bánh thì chưa đầy một phút sau đã ăn hết. Các chú cho thêm, chiếc thứ hai, thứ ba, đến chiếc thứ tư mà cháu vẫn ăn hết vèo”.
Thầy Hoàng Quang Cẩn kể, có hôm, học sinh cả trường ăn bánh mì nhưng em Hồ Thị Nhất đứng giữa sân với đôi tay không. Mọi người hỏi mãi, em mới bẽn lẽn: “Cháu cất trong cặp để mang về cho em. Em cháu chưa được ăn bánh mì sữa bao giờ”. Các chú bộ đội và thầy cô cùng lặng người. Trung úy Hồ Văn Thủ - Phó bí thư đoàn của đồn - vội chạy đi lấy chiếc bánh khác đặt vào tay Nhất: “Cháu ngoan lắm, biết yêu thương em. Chú tặng thêm phần bánh này cho cháu ăn để lấy sức học”.
Cô giáo Nguyễn Phương Thảo - dạy ở điểm trường A Đeng, Trường tiểu học và THCS A Ngo - cho biết, từ khi có bánh mì của bộ đội biên phòng, học sinh đến lớp đều đặn hơn: “Hôm nào có bánh mì no bụng, các em tập trung học suốt cả buổi”.
Thầy Cẩn xúc động: “Chỉ là chiếc bánh mì nhỏ bé, lại không phải tuần nào cũng có, nhưng các em đều cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của các chú. Hình ảnh bộ đội biên phòng trong bọn trẻ đẹp lắm, nên chúng tôi nói chuyện với các em về người lính biên cương, về biên giới quốc gia cũng hiệu quả hơn. Em nào cũng háo hức chờ ngày các chú đến chia bánh vì các em vừa no bụng, vừa được nghe các chú kể chuyện”.
"Con nuôi đồn biên phòng" - thắt chặt tình thâm giao
|
Cán bộ, chiến sĩ đồn La Lay chia tay cô con nuôi người Lào Hồ Thị Nhin và ông Bun Thân tại cột mốc biên giới |
Bên kia biên giới là bản La Lay A Sói (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào). Đường lên La Lay A Sói nay vẫn cheo leo như ngày lập bản. 80% số hộ thuộc diện nghèo, bát cơm trắng nhiều khi chẳng được đầy. Bản nằm trên đất Lào nhưng không ít nhân khẩu là người dân tộc Pa Kô. La Lay và La Lay A Sói vì thế mà tình thâm nghĩa nặng.
Kôn Nghiệt có con gái tên là Nang Nhin rất thích đến trường nhưng phải nghỉ học khi lên lớp Ba. Mẹ Nang Nhin đổ bệnh, Kôn Nghiệt không đủ tiền mua thuốc cho vợ, lấy đâu ra tiền cho Nang Nhin ăn học. Giọng Kôn Nghiệt đều đều mà mắt cứ loang loáng nước: “Nhin khóc nhiều lắm, nhưng mình không làm khác được. Một hôm, các anh bộ đội đồn La Lay sang, thấy nhà mình toàn sắn, các anh tặng 20kg gạo. Các anh còn khám bệnh, cấp thuốc cho mẹ Nang Nhin nữa. Vui nhất là Nang Nhin được các anh bộ đội biên phòng La Lay nhận đỡ đầu, mỗi tháng hỗ trợ 500.000 đồng”.
Năm nay, Nang Nhin đã học đến lớp Chín, thế là đã 7 năm được bộ đội biên phòng nuôi ăn học. Khôn Nghiệt kể tiếp: “Không phải nghỉ học, Nhin thích lắm, luôn hứa cuối năm sẽ mang giấy khen về khoe các chú bộ đội. Mình có tên Việt là Hồ Thề, Nang Nhin có tên Việt là Hồ Thị Nhin”.
|
Cháu bé Pa Kô và “ổ bánh mì biên giới” |
Ông Bun Thân - Trưởng bản La Lay A Sói - kể: “Có các chú biên phòng La Lay đỡ đầu, Nang Nhin còn có nhiều quần áo mới hơn một số bạn trong bản. Lúc Nhin lên lớp Sáu, về điểm trường chính xa lắm, các chú mua cho Nhin cái xe đạp mới tinh để đi học. Thỉnh thoảng xe hỏng, không có chỗ sửa, Nhin đưa xe để Bun Thân mang lên biên giới nhờ các chú sửa. Đợt dịch COVID-19, tôi không sang được, các chú đồn La Lay mang tiền, mang thực phẩm gửi công an Lào đưa lên bản cho Nhin”.
Đồn biên phòng A Vao (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị) cũng đang hỗ trợ việc ăn học cho Hồ Thị Rứa - năm nay 16 tuổi, ở huyện Sa Muồi. Hồ Thị Rứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống với vợ chồng người chú - hộ nghèo ở bản Ro Ró. Biết bên Ro Ró có cháu bé đặc biệt khó khăn, năm 2015, các chiến sĩ đồn biên phòng A Vao đã cắt rừng, lội suối tìm đến tận nhà Rứa khảo sát rồi trao đổi với chính quyền sở tại để làm thủ tục nhận đỡ đầu em. Khoản trợ cấp 500.000 đồng/tháng cùng nhu yếu phẩm đã giúp Rứa yên tâm đến trường.
Hồ Thị Rứa - cô con nuôi của đồn biên phòng A Vao - như sợi dây thắt chặt thêm nghĩa tình 2 bản người Pa Kô là Ro Ró (huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào) và Ra Ró (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam).
Từ năm 2016 đến nay, thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”, các đồn biên phòng của Việt Nam đã trực tiếp hỗ trợ, đỡ đầu hơn 13.000 học sinh, trong đó có hơn 400 học sinh người Lào và khoảng 500 học sinh người Campuchia. Thực hiện chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, hiện các đồn đang nhận nuôi gần 360 cháu mồ côi hoặc đặc biệt khó khăn, trong đó có hơn 270 cháu ăn ở, sinh hoạt tại đồn, 85 cháu do bộ đội biên phòng nuôi nhưng sống cùng người thân, họ hàng. Đã có 3 cháu đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, 24 cháu đoạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, khoảng 300 cháu tốt nghiệp THPT, trên 130 cháu đậu đại học, cao đẳng. Năm 2017, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và chương trình Tình nguyện của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam đã bình chọn và trao giải thưởng Tình nguyện quốc gia cho chương trình “Nâng bước em đến trường” cùng với 7 chương trình khác. |
Vi Văn - Bích Ngọc