PNO - Khi màn đêm buông xuống, phía trước là sông, phía sau là rừng, và chỉ còn một mình ở lại với không gian mênh mông bạt ngàn ấy, Chiron Duong bảo cảm giác như mình cũng là một phần của rừng, đã hòa lẫn vào thiên nhiên, vạn vật…
1. Đó là một ngày tháng 8/2019. Chàng sinh viên năm cuối Khoa Kiến trúc cảnh quan, Đại học Kiến trúc TP.HCM - Chiron Duong (tên thật là Dương Quang Đạt, sinh năm 1996) về với rừng ngập mặn Cần Giờ. Một mình một ba-lô, chàng trai ấy đã trải qua hai ngày đêm sống giữa rừng, để khảo sát thực tế, tìm hiểu đời sống của cây ngập mặn, gồm: mắm, đước và tràm. “Nơi tôi lưu trú là khu nhà được xây dựng ở khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ cho du khách đến tham quan nghỉ ngơi. Nhưng vì đi vào giữa tuần, nên chỉ có một mình tôi. Khi đêm xuống, mọi thứ xung quanh đều yên lặng tĩnh mịch, khiến tôi đôi lúc thấy sợ. Tuy nhiên, trải nghiệm ấy thật sự không thể có lần thứ hai trong đời. Một mình giữa rừng, trong đêm, tôi mới cảm nhận được hết sự tĩnh lặng và huyền bí của rừng” - nhiếp ảnh gia - kiến trúc sư Chiron Duong chia sẻ.
Chiron Duong (phải) trong một chuyến đi thực địa, khảo sát rừng (Ảnh nhân vật cung cấp)
Sự tĩnh lặng và huyền bí ấy được thể hiện trong bộ ảnh thứ sáu, tại triển lãm Đêm trong rừng ngập mặn (đang diễn ra từ nay đến hết ngày 17/4 tại Nam Thi House, 152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1, TP.HCM). Những bức ảnh từ triển lãm không phải là ảnh chụp về rừng ngập mặn, mà là các tác phẩm thuộc thể loại fire art photography (kết hợp giữa nhiếp ảnh và mỹ thuật, thể hiện ý tưởng của nhiếp ảnh gia thông qua sự sắp đặt chủ động). Trong đó, Chiron Duong dùng con người để kể câu chuyện của rừng, theo hành trình từ khi còn là cây con đến lúc trưởng thành. “Khi tôi là một cái cây ngập mặn, tóc tôi sẽ là những tán cây. Cây ngập mặn có thể loại bỏ ít nhất 80% lượng muối bên ngoài khi hút nước vào ở rễ cây. Tuy nhiên, phần muối sót lại trong cây sẽ được lưu dẫn lên lá và bài tiết muối…” - câu chuyện về rừng ngập mặn bắt đầu từ bức ảnh đầu tiên và dòng chú thích như thế. Bằng cách ấy, tác giả cung cấp cho người thưởng lãm rất nhiều thông tin, kiến thức về rừng ngập mặn, thông qua biểu tượng hóa bằng hình ảnh từ cơ thể người.
Khám phá bộ ảnh với các chủ đề: Khi tôi là cây ngập mặn, Hành trình đến vùng đất của những người hùng thầm lặng, Hơi thở sau cùng, Cây ngập mặn cuối cùng, Vị đất của mặn - Tam vị Tam công và Đêm trong rừng ngập mặn, không chỉ là câu chuyện của cây, mà còn là hành trình của đất và người, của những giá trị văn hóa sinh thái rừng ngập mặn. Bộ ảnh Tam vị Tam công được thực hiện dựa trên cảm hứng về tam thần giữ đất, chính là những giá trị tinh thần mà Chiron Duong muốn chuyển tải. “Một khi mắm kia ngã rạp, giống tràm lại nối ngôi nó. Rồi sau mấy đời tràm, đất thuần, cây ăn trái mới mọc được.
Đời mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ đã ngã gục cho con cháu họ hưởng…” - một đoạn trong truyện ngắn Rừng mắm của nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng được trích giới thiệu tại triển lãm. “Hiện tại chúng ta có được là nhờ vào sự hy sinh rất lớn của cha ông trong quá khứ. Rừng ngập mặn có được như ngày hôm nay là nhờ công lao của bao thế hệ trước đã trồng từng cây con xuống đất mặn, biết bao thế hệ đã sống và giữ gìn. Cây ngập mặn không phải dễ trồng, dễ sống. Đời sống của cây có ba giai đoạn, cây con, khi cây lớn đến một mức độ phải tỉa thưa, rồi sau là cây trưởng thành. Tôi muốn mọi người có thể cùng nhau tìm hiểu đời sống của cây, của rừng, không chỉ là cùng nhau góp sức bảo vệ môi trường, mà còn là thay đổi nhận thức của chính mình” - Chiron Duong bày tỏ.
Đêm trong rừng ngập mặn được thể hiện dưới hình thức fire art photography
2. Đêm trong rừng ngập mặn là triển lãm đầu tay của nhiếp ảnh gia - kiến trúc sư Chiron Duong. Nhưng đó không phải là dự án đầu tiên trong sự nghiệp của anh. Chiron Duong đã hoạt động nhiếp ảnh hơn 5 năm, từng được trao giải đặc biệt tại cuộc thi ảnh Prix Picto De la Mode 2020 tại Pháp. Hiện anh đang cộng tác với tạp chí Vogue với dự án fire art photography chủ đề 365 ngày với áo dài. Tháng 10 tới, Chiron Duong là một trong 10 nhiếp ảnh gia nghệ thuật triển vọng quốc tế dự triển lãm tại Hyeres Festival của Pháp.
Kiến trúc cảnh quan là một chuyên ngành còn khá mới của Đại học Kiến trúc TP.HCM. Khóa của Chiron Duong mới là khóa học thứ hai. “Hồi đó, những bài tập trên lớp hay những chuyến đi thực địa khảo sát đều liên quan đến rừng. Thuở nhỏ, khi còn sống ở H.Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu, tôi cũng sống gần gũi với thiên nhiên. Lớn lên, chọn theo nghề gắn bó với rừng, với cây, tôi cảm thấy dường như nghề cũng chọn mình rồi” - Chiron Duong tâm tình. Triển lãm Đêm trong rừng ngập mặn trích từ một phần nhỏ trong đồ án tốt nghiệp của anh, Chiron Duong nói còn rất nhiều phần có thể tiếp tục triển khai, như là một không gian dành cho côn trùng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn…
“Tôi hiểu rằng nếu chỉ làm một triển lãm ảnh bình thường thì có thể chỉ ghi dấu ấn cá nhân thôi. Nhưng nếu kết hợp giữa nhiếp ảnh nghệ thuật và giáo dục, kiến trúc, kết nối với các tổ chức cộng đồng, thì hiệu quả và ý nghĩa của triển lãm sẽ được lan tỏa. Tôi hy vọng những em bé sẽ được người lớn dẫn tới triển lãm, để phụ huynh có thể đọc được những câu chuyện của cây, của rừng và gián tiếp kể lại cho các con nghe. Tôi tin bất kỳ ai, nhất là trẻ em, việc hiểu biết, có thêm nhiều kiến thức về rừng sẽ hình thành được những đức tính, phẩm cách tốt” - anh chia sẻ.
15% doanh thu từ việc bán vé và 20% từ việc bán các ấn phẩm lưu niệm tại triển lãm sẽ được đóng góp vào dự án Forest Symphony (thuộc Quỹ Sống Foundation), nhằm chung tay trồng rừng ngập mặn trên 50ha bãi bồi tại tỉnh Sóc Trăng. Đêm trong rừng ngập mặn là câu chuyện của sẻ chia và hành trình tiếp nối cho đời sống của cây, của hệ sinh thái rừng ngập mặn…
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.