Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể của bác sĩ Ngô Đức Hùng là cuốn sách mới nhất viết về đề tài dịch bệnh, vừa được Nhã Nam phát hành.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng hiện làm việc tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Từ những kinh nghiệm, góc nhìn trong thời gian trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch, bác sĩ đã viết thành sách. Ngoài những tâm tư của người sống trong tâm dịch, cuốn sách cũng giúp độc giả có được cái nhìn tổng quát về dịch bệnh, nguồn gốc của virus, cách thức hoạt động và lây nhiễm cùng với các mốc thời gian chính trong hai năm đại dịch hoành hành.
|
Sau Để yên cho bác sĩ hiền, bác sĩ Ngô Đức Hùng ra mắt Nhật ký COVID và những chuyện chưa kể |
Ngoài phần thông tin, kiến thức về dịch bệnh, văn phong ở những phần chia sẻ của tác giả có lúc được viết rất dí dỏm. Những giai đoạn “hoảng loạn-đấu tố-kỳ thị”, cách ly, tung tin đồn nhảm/ác ý…đều được ghi chép lại trong cuốn sách. Những trang viết về dịch bệnh, dù vẫn có rất nhiều khó khăn vất vả nhưng cũng lan tỏa tinh thần tích cực cho bạn đọc. Điều quý giá đọng lại trong dịch bệnh, là tình người.
Omega Plus Books cũng vừa phát hành cuốn Chẩn trị COVID-19 bằng Đông-Tây (nhà xuất bản Dân Trí), được biên soạn bởi tác giả Trương Bá Lễ và Lưu Thanh Tuyền. Hai tác giả cũng là chuyên gia trực tiếp tham gia chống COVID-19 nên đã mang đến cái nhìn trực diện cho độc giả bằng cách tiếp cận căn bệnh trên nhiều khía cạnh, bao gồm: đặc điểm lâm sàng, cơ chế ủ bệnh và phát bệnh, nguồn và cách lây nhiễm, tiêu chuẩn và quy trình chẩn đoán bệnh, tiến triển của căn bệnh trên toàn thế giới.
Theo người biên soạn, điểm nổi bật của Tây y là phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus và kháng sinh, thuốc miễn dịch, thuốc điều chỉnh hệ sinh thái đường ruột, sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏe mạnh, áp dụng lọc máu liên tục ngoài thận… Tuy nhiên, ưu điểm của Đông y trong cách dự phòng, chẩn đoán và hồi phục cũng rất được đề cao.
Sách có những ghi chép rất chi tiết về thói quen sinh hoạt, những bài thuốc từ thảo dược kết hợp bấm huyệt hay châm cứu cho đến các bài tập luyện nhẹ nhàng, tất cả đều có thể giúp phòng bệnh hiệu quả.
|
Cuốn sách hữu ích trong dịch bệnh |
Bộ sách Hiểu về dịch bệnh cũng vừa được Omega Plus Books giới thiệu đến độc giả. Có thể nói bộ sách đã mang đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện về dịch bệnh từ nguồn gốc, tác hại của dịch bệnh, kiến thức về hệ miễn dịch, những phương thức phòng chống dịch bệnh, dự đoán về những đại dịch có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai của toàn cầu…
Cuốn Hệ miễn dịch - Khám phá cơ chế tự phòng chữa bệnh của cơ thể người (tác giả là nhà miễn dịch học Daniel M.Davis, nhà xuất bản Dân Trí) cho người đọc một cái nhìn tổng quát về hệ miễn dịch của cơ thể, giải thích những khái niệm cơ bản về sức đề kháng và bàn về những tác nhân khác nhau ảnh hưởng thế nào đến hệ miễn dịch trong cơ thể người.
Ở góc độ tiếp cận khái quát hơn, hai tác giả Michael T. Osterholm và Mark Olshaker viết về các bệnh truyền nhiễm của thời hiện đại qua cuốn sách Dịch bệnh – Kẻ thù nguy hiểm nhất. Những trận đại dịch bệnh tàn khốc trong lịch sử qua các thời đại cũng được nhắc đến, xem đó là tiền đề kinh nghiệm để con người có thể cùng đối mặt, giải quyết vấn đề của thời đại.
|
Bộ sách giúp hiểu rõ hơn về dịch bệnh truyền nhiễm, được Omega Plus ấn hành |
“Đọc cuốn sách này, chúng ta không khỏi tự hỏi bản thân, dù đã dự đoán trước về khả năng xảy ra đại dịch, con người đã chuẩn bị gì để ngăn chặn và ứng phó? Đây là một cuốn sách tham khảo rất hay, không chỉ dành cho những người trong ngành Y tế hay những người quan tâm đến dịch bệnh, mà cả những người đang công tác và học tập trong nhiều lĩnh vực khác như khoa học xã hội, thương mại, quản lý công, chính sách, kinh tế….” – Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock nhận xét về cuốn Dịch bệnh - Kẻ thù nguy hiểm nhất.
Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh căng thẳng trở lại, cũng có thể nhắc đến một số tựa sách có ý nghĩa, đã được phát hành trước đó: Súng, Vi trùng và Thép – Định mệnh của các xã hội loài người (tác phẩm của Jared Diamond), Nguồn gốc dịch bệnh – Động vật, con người và đại dịch toàn cầu tiếp theo (David Quammen)…
Lục Diệp