Hiệu ứng Malala

18/07/2013 - 07:24

PNO - PN - Mùa thu năm trước, Malala Yousafzai, cô gái 15 tuổi người Pakistan, bị quân Taliban bắn hai phát súng vào đầu chỉ vì cô tiên phong trong việc đòi quyền được đi học cho các bé gái nước này. Sự kiên cường và tinh thần hiếu học của...

Ngày 12/7/2013, đúng sinh nhật thứ 16 của mình, Malala đã có bài phát biểu gây chấn động tại Liên Hiệp Quốc. “Những kẻ khủng bố nghĩ có thể thay đổi được mục tiêu và ngăn cấm ý nguyện của tôi, nhưng cuộc sống của tôi không có gì thay đổi, trừ một điều là sự yếu đuối, sợ hãi và tuyệt vọng đã mất, thay vào đó sức mạnh, nghị lực và lòng can đảm được sinh ra. Các phần tử cực đoan sợ phụ nữ!”, Malala nói. Noi gương Malala, những cô gái trẻ trên thế giới cũng đang đứng dậy chống lại bạo lực và áp bức. “Một phong trào với chiều hướng tích cực đang diễn ra”, tờ Spiegel nhận định.

Diya - một cô gái 13 tuổi nhút nhát tại Ấn Độ, sinh ra trong một gia đình nghèo. Một lần đến cái giếng gần nhà để xách nước, Diya bị một gã đàn ông say rượu lôi vào căn nhà bỏ hoang hãm hiếp. Trước khi bỏ đi, tên này còn dọa: “Nếu mày khai ra, tao sẽ giết cả nhà mày”. Tại Ấn Độ, việc như thế không phải chuyện lạ, nạn nhân thường chọn thái độ nín lặng, chờ thời gian trôi qua để đến một ngày bố mẹ sẽ gả cô cho một người nào đó. Thế là mọi việc sẽ ổn, nhất là khi luật pháp Ấn Độ nghiêm cấm việc tiết lộ tên tuổi của nạn nhân bị hãm hiếp.

Nhưng, Diya đã chọn cách khác. Cô đến cảnh sát trình báo sự việc với đầy đủ chi tiết. Kẻ phạm tội bị bắt. Báo chí cho rằng, đó là điều rất hiếm khi xảy ra ở Ấn Độ, nhất là khi kẻ phạm tội ở đẳng cấp xã hội cao hơn nạn nhân.

Hieu ung Malala

Malala “Tôi đến đây để lên tiếng đòi quyền được đi học của mọi trẻ em” - Ảnh: BBC

Trên thế giới hiện nay, ngày càng có nhiều trường hợp không cam chịu như Diya. Ở Bangladesh, một bé gái đã phản kháng việc bị gả bán cho một người xa lạ đáng tuổi ông nội mình. Ở Kenya, một bé gái khác kiên quyết từ chối việc hiến một phần bộ phận sinh dục cho những nghi lễ có từ hàng ngàn năm. Dù vậy, bất công và ngược đãi với các bé gái vẫn tiếp diễn. Người ta đã phải chứng kiến ở Campuchia, trẻ em gái 13-14 tuổi bị bố mẹ mang đi bán trinh để rồi phải sống kiếp nô lệ trọn đời trong các nhà chứa…

Từ chuyện của Malala Yousafzai, ngay đến các nhà báo cũng phải tự vấn lại về trách nhiệm xã hội của mình. Trong cuốn Nửa bầu trời, hai nhà văn người Mỹ Nicholas Kristof và Sheryl WuDunn đã viết: “Những nhà báo chúng tôi rất giỏi trong việc viết về các sự kiện đặc biệt, nhưng hầu như tất cả đều phớt lờ trước những việc xảy ra như việc bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Ông Gordon Brown, người đã tập trung nghiên cứu về quyền trẻ em kể từ khi rời cương vị Thủ tướng Anh, vừa công bố một nghiên cứu của mình, khẳng định: “Lần đầu tiên, chính trẻ em chứ không phải người lớn đã xem mình như thủ lĩnh của phong trào đòi quyền sống của các em. Các thiếu nữ đang đóng vai trò chính trong cuộc chiến chống lại cái ác và cái xấu”. Về trường hợp Malala Yousafzai, ông Brown viết: “Với nguồn cảm hứng đến từ Malala, chúng ta đã có hàng ngàn Malala khác sẵn sàng đứng lên chiến đấu, tự bảo vệ mình và không còn cam chịu nữa”.

Cũng như Malala, Diya đã trở lại trường học với tâm thế mới, dũng cảm và kiên trì hơn. Cùng với bạn học và bọn trẻ láng giềng, Diya học võ để biết cách tự bảo vệ mình và khi cần thiết bảo vệ cả bạn bè của mình. Nhiều người gọi Diya là “thủ lĩnh của lữ đoàn đỏ” với mong muốn cô đem lại nguồn cảm hứng cho đám trẻ cùng lứa; cũng như Malala Yousafzai đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều trẻ em trên thế giới.

 THIỆN NGA (Theo Der Spiegel)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI