Hiệu trưởng Trường THCS Bình Hưng Hòa khuất tất tiền nong: Hàng tỷ đồng đi đâu?

28/08/2014 - 06:00

PNO - PN - Bắt đầu khiếu nại từ đầu năm 2014, đến khi chuẩn bị bước vào năm học mới 2014-2015, 14 giáo viên Trường THCS Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã có buổi làm việc với Thanh tra quận. Nhiều điểm khuất tất tại...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hieu truong Truong THCS Binh Hung Hoa khuat tat tien nong: Hang ty dong di dau?

Học sinh Trường THCS Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân)

Tiền thoắt ẩn, thoắt hiện

Tháng 12/2013, trong một buổi họp hội đồng sư phạm, bà Lại Thanh Vân - Hiệu trưởng (HT) trường tiết lộ: trường còn nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) 153 triệu đồng và tiền phạt nộp chậm là tám triệu đồng. Khi bị giáo viên (GV) chất vấn, bà HT trả lời: tiền thì còn đó.

Tuy nhiên, ngày 31/3/2014, trường đã rút ngân sách chi hoạt động thường xuyên để trả nợ BHXH năm 2013 hơn 134 triệu đồng. Báo cáo kết luận kiểm tra số 562 ngày 21/5/2014 của Phòng Nội vụ Q.Bình Tân cho thấy: năm 2013, Trường THCS Bình Hưng Hòa vẫn còn nợ BHXH hơn 18 triệu đồng.

Vấn đề là tiền BHXH được trích hàng tháng từ lương GV cộng với quỹ lương, vậy thì vì sao trường lại để xảy ra chuyện chậm nộp? Số tiền chậm nộp đi đâu, chi vào việc gì? Ai chịu trách nhiệm về số tiền phạt nộp chậm?

Mập mờ hơn là khoản tiền dạy văn hóa ngoài giờ đối với các môn toán, văn và tiếng Anh. Theo quy định, 80% nguồn thu từ hoạt động này sẽ chi trả cho GV trực tiếp đứng lớp; 15% chi quản lý, tổ chức học thêm, mua sắm tài liệu phục vụ; 5% trả tiền điện, nước, hao mòn tài sản phục vụ việc dạy thêm.

Thế nhưng, HT Trường THCS Bình Hưng Hòa đã áp đặt mức chi trả tiền giảng dạy cho GV là 80.000đ/tiết (cho GV dạy khối lớp 8 và 9) và 70.000đ/tiết (cho GV dạy khối lớp 6 và 7). Khi GV phản đối thì HT trả thêm 20.000đ/tiết. Theo tính toán của GV, mức chi trả nói trên chỉ khoảng 50% số tiền thu được. Vậy 30% cắt xén bớt của GV đã đi đâu?

Trả lời câu hỏi này của GV, bà Lại Thanh Vân cho rằng “bị thất thu”, nhưng lại không chứng minh được thất thu cụ thể như thế nào. Đến học kỳ II năm học 2012-2013, trước áp lực của GV buộc phải công khai danh sách học sinh (HS) đóng tiền (để GV kiểm soát chuyện thất thu) thì hóa ra số tiền dôi dư từ hoạt động dạy văn hóa ngoài giờ lên đến 128 triệu đồng.

Tập thể GV thống nhất chia đều số tiền này cho tất cả CB-GV-CNV trong toàn trường, ước tính mỗi người được 1,5 triệu đồng. Nhưng theo nhiều GV, bà Vân chỉ phát cho mỗi người một triệu đồng (gồm 500.000đ tiền mặt và 500.000đ hỗ trợ du lịch) rồi không phát nữa (!?).

Và, “điệp khúc” tiền dạy văn hóa ngoài giờ tiếp tục lặp lại vào năm học 2013-2014. Ở học kỳ I, bà Vân không đề cập số tiền thừa, nhưng giải trình với quận (sau khi bị tập thể GV khiếu nại) bằng 41 khoản chi (trước đó không hề có những khoản chi này!) rất vô lý như: sửa chữa cống thoát nước, mua tủ kính cho thư viện, phúc lợi tập thể, mua sổ đầu bài, du lịch phát sinh, tiếp khách Phòng Giáo dục - đào tạo, chi khen thưởng thi đua cấp quận…

Theo tập thể GV, 41 khoản chi này đều là “khống” (vì hoàn toàn không có trên thực tế) nhằm “hợp thức hóa” khoản tiền mà bà đã xén bớt của GV. Suy luận này là có cơ sở khi mà sang học kỳ II cùng năm, sau khi kiện cáo nổ ra, 41 khoản chi trên không còn nữa, tiền từ hoạt động dạy văn hóa ngoài giờ lại… dôi dư ra 94 triệu và GV yêu cầu trả hết cho GV.

Có thực chi không?

Công tác thu - chi trong các trường học hiện đang được thực hiện theo cơ chế khoán chi ngân sách trên đầu HS. Theo đó, các trường được phép chia cho GV số tiền tiết kiệm được từ ngân sách, gọi là tiền “tăng thu nhập”. Đối với các trường tại TP.HCM, khoản “tăng thu nhập” hàng quý là rất đáng kể, đặc biệt là vào quý IV (thường gọi là thưởng Tết).

“Trong khi các trường khác trên địa bàn Q.Bình Tân, số tiền tăng thu nhập của GV hàng quý đều từ 3,5-5 triệu đồng thì GV trường THCS Bình Hưng Hòa từ năm 2009 đến nay chưa bao giờ vượt quá 1,5 triệu đồng. Cuối năm, GV các trường trên địa bàn nhận được trên 10 triệu đồng tăng thu nhập, trong khi nhiều năm qua GV trường Bình Hưng Hòa chúng tôi chỉ nhận được khoảng bốn triệu đồng. Vì sao lại như vậy? Vì HT Lại Thanh Vân kém năng lực về quản lý tài chính, hay lập ra các bảng chi khống để thâm lạm của GV?” - đơn khiếu nại của tập thể 14 GV đặt vấn đề.

Qua tìm hiểu, GV biết được, trong năm 2013, Trường THCS Bình Hưng Hòa được khoán chi 6.430.000.000đ từ ngân sách. Với 68 CB-GV-CNV của trường, thực chi tại trường trong năm là 5,5 tỷ, gồm: chi lương và chi thâm niên: 3,6 tỷ (theo bảng lương), chi tăng thu nhập cả năm: 720 triệu (theo bảng chi), chi phụ trội GV đứng lớp (dạy vượt giờ): 400 triệu (theo tỷ lệ), chi chín ngày lễ Tết: 350 triệu (theo quy định của Bộ Tài chính cho 68 CB-GV-CNV), chi mua sắm thiết bị: 200 triệu (theo tỷ lệ chi ngân sách), khen thưởng: 100 triệu, các khoản chi khác (phát sinh): 200 triệu (theo quy định chung).

Vậy gần một tỷ đồng còn lại đã được chi vào việc gì? Có thực chi không? Điều lạ là sau khi GV gửi kiến nghị khắp nơi, việc thu chi tại trường THCS Bình Hưng Hòa được các cơ quan giám sát, thì tiền tăng thu nhập trong quý I/2014 đột ngột tăng từ 1,5 triệu đồng lên bốn triệu đồng (!?).

Còn rất nhiều câu hỏi liên quan đến tiền nong đối với bà Lại Thanh Vân - HT Trường THCS Bình Hưng Hòa. Đó là chuyện bà đem năm phòng học của trường cho thuê với giá 400.000đ/phòng/tháng (theo ghi nhận của Phòng Nội vụ quận) trong ba, bốn năm trời mà không hề có hợp đồng cho thuê. Khi GV lên tiếng thắc mắc về khoản tiền cho thuê được sử dụng thế nào, thì bà trả lời: “Các anh chị rắc rối quá nên tôi không cho thuê nữa là xong!”.

Chẳng những thế, từ năm học 2009- 2010 đến nay, sau khi tiếp nhận vị trí HT nhà trường, năm nào bà cũng nhận quần áo đồng phục từ các cơ sở sản xuất về giao cho nhân viên của trường “phân phối” cho 1.400 HS ngay tại trường, với số lượng ước tính lên đến 3.000 bộ mỗi năm. Ấy vậy mà khi GV thắc mắc về hoa hồng bán đồng phục thì bà thản nhiên trước hội đồng sư phạm nhà trường là “không có hoa hồng, hoa huệ gì cả!”.

Chúng tôi đã liên lạc với bà Lại Thanh Vân và đề nghị một buổi làm việc. Ban đầu bà Vân hẹn gặp chúng tôi, nhưng sau đó thì từ chối không gặp nữa.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI