Hiệu trưởng sai phạm, vẫn tiếp tục làm lãnh đạo

02/10/2017 - 08:37

PNO - Các vị hiệu trưởng này sau khi lên nắm quyền thủ trưởng là lập tức có những sai phạm và trở thành trung tâm mất đoàn kết; khiếu nại tố cáo từ đó diễn ra liên miên.

“Tổ chức cán bộ không chỉ liên quan đến một cá nhân mà liên quan đến quyền lợi chung của rất nhiều người. Công tác tổ chức hiện đang rất có vấn đề, nhưng báo cáo tổng kết năm học dài 50 trang không hề đề cập đến vấn đề này” - ý kiến của ông Đào Văn Lợi, Giám đốc (GĐ) Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Lê Thị Hồng Gấm (viết tắt là TT Lê Thị Hồng Gấm) - đã gây sự chú ý tại hội nghị tổng kết năm học của ngành GD-ĐT TP.HCM vừa qua tại Phú Quốc. 

Hieu truong sai pham, van tiep tuc lam lanh dao
Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) sau một thời gian dài "đắm" trong kiện cáo, nay đã khởi sắc nhờ có hiệu trưởng mới

“Nếu tôi cam chịu thì đã phải làm Phó GĐ?” 

Về cá nhân, tính đến đầu năm học 2017-2018, ông Lợi đã làm Hiệu trưởng (HT) Trường TH - THCS - THPT Nam Sài Gòn (viết tắt là Trường Nam Sài Gòn) được hai nhiệm kỳ, và không đầy hai năm nữa ông sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Trong trường hợp này, cấp thẩm quyền có thể căn cứ vào khoản 3, điều 10, Quyết định 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/2/2003 để kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo cho ông cho đến tuổi nghỉ hưu.

Thế nhưng, Sở GD-ĐT lại quyết đưa ông về làm Phó GĐ TT Lê Thị Hồng Gấm với lý do ông không có chứng chỉ B tiếng Anh. Ông bổ sung chứng chỉ B tiếng Anh thì sở lại nói ông thiếu chứng chỉ A tin học.

Đến đây, ông Lợi phải tự bảo vệ mình: “Thứ nhất, tôi có thể chỉ ra hàng loạt người thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhưng vẫn được sở bổ nhiệm, thậm chí là bổ nhiệm lần đầu. Thứ hai, trước đây, khi đưa tôi về làm HT Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) rồi về làm HT Trường Nam Sài Gòn, sở không nói gì đến việc tôi thiếu chuẩn. Vào tháng 4/2017, khi muốn điều động tôi về Trường THPT Gò Vấp, sở cũng không đề cập đến việc tôi thiếu chuẩn. Thứ ba, tôi là thương binh, trong quá trình công tác đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, không sai phạm. Tại sao không xem xét điều 10, Quyết định 27/2003, một việc sở từng làm với người khác?”. 

Sau đó, Sở GD-ĐT ra quyết định đưa ông Lợi về làm GĐ TT Lê Thị Hồng Gấm (không phải làm phó GĐ như dự kiến ban đầu). Lúc này, ông Lợi đặt nghi vấn: “Có phải nếu tôi cam chịu thì tôi đã phải làm phó GĐ?”. 

Cùng lúc chuyển ông Lợi đi khỏi Trường Nam Sài Gòn thì Sở GD-ĐT đưa ông Phạm Văn Nghĩa - nguyên HT Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) - về Trường Nam Sài Gòn làm hiệu phó. Xin nói thêm, trong 1,5 năm làm HT Trường THPT Thủ Thiêm, ông Phạm Văn Nghĩa đã mắc nhiều sai phạm, trong đó có việc tự ý đem tài sản Nhà nước cho tư nhân thuê 25 năm với giá rẻ mạt, bị Quận ủy quận 2 kỷ luật cảnh cáo…

Là người gắn bó suốt 10 năm với Trường Nam Sài Gòn, nên khi thấy Sở GD-ĐT đưa ông Nghĩa về làm hiệu phó ngôi trường này, ông Lợi đã cực lực phản đối.

Hieu truong sai pham, van tiep tuc lam lanh dao

Học sinh trường THPT Nguyễn Du

 

“Thuyền trưởng” yếu, “thuyền” sẽ đắm

Người ta vẫn ví mỗi ngôi trường như một con thuyền và người HT là thuyền trưởng, nếu thuyền trưởng yếu thì thuyền sẽ không những không thể đi tới mà còn có nguy cơ bị đắm. Bởi thế, vấn đề ông Đào Văn Lợi đặt ra là hết sức cần thiết đối với ngành GD-ĐT TP.HCM, nhất là trong thời gian qua đã có không ít HT sai phạm nhưng việc xử lý lại chưa đến nơi đến chốn.

Ngoài vụ việc của ông Phạm Văn Nghĩa có thể kể đến nhiều cái tên khác như ông Phạm Đức Hùng - nguyên HT Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), ông Nguyễn Thanh Liêm - nguyên HT Trường THCS Tân Tạo (Q.Bình Tân), ông Trương Quang Dũng - HT Trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8)…

Các vị HT này sau khi lên nắm quyền thủ trưởng là lập tức có những sai phạm và trở thành trung tâm mất đoàn kết; khiếu nại tố cáo từ đó diễn ra liên miên. Mỉa mai thay, những con “sâu” này hoặc chẳng bị xử lý gì, hoặc được chuyển làm lãnh đạo trường khác. Tại Trường THPT Ngô Gia Tự, sau gần hai năm kiện cáo liên miên, ông Trương Quang Dũng được Thanh tra Sở GD-ĐT xác định mắc nhiều sai phạm. Nhưng từ khi có kết luận thanh tra đến nay đã gần hai năm, ông Dũng không khắc phục sai phạm, tiếp tục bị kiện và tiếp tục làm HT!

Còn tại Trường THCS Tân Tạo (Q.Bình Tân), ngoài những sai phạm đã được thanh tra quận và tòa án xác định, gây nhiều thiệt hại cho ngân sách thì ngày 18/10 sắp tới trường này lại tiếp tục phải ra hầu tòa vì một vụ kiện khác. Thế nhưng, người gây ra những hậu quả trên là ông Nguyễn Thanh Liêm không những không bị kỷ luật mà hiện đã được UBND Q.Bình Tân “bố trí” làm HT ở trường khác! 

“Về nguyên tắc, việc bổ nhiệm HT là rất chặt chẽ, theo quy trình: đề xuất - thẩm định - kiểm tra - trình duyệt - quyết định (đối với cấp tiểu học và THCS); chọn lựa - thăm dò ý kiến giáo viên - ý kiến phòng chuyên môn - ý kiến thường vụ đảng ủy - ban GĐ sở (đối với cấp THPT).

Thế nhưng, do mọi thứ chỉ nặng hình thức, các mối quan hệ và những yếu tố khác… nên vẫn xuất hiện nhiều HT chẳng có tầm, cũng không có tâm” - một vị HT nhận xét. Thực tế ấy đang làm vẩn đục môi trường giáo dục ở nhiều trường học, gây ảnh hưởng xấu đến tâm tư tình cảm của cán bộ giáo viên và việc giáo dục học sinh. 

Hai mặt tốt và xấu đều hiện diện trong mỗi cá nhân. Bộc lộ ra như thế nào là tùy thuộc ý thức của từng người và phụ thuộc vào công tác quản lý cán bộ của cấp trên và những thiết chế được thực thi như thế nào trong trường học. Buồn là công tác quản lý cán bộ hiện quá lỏng lẻo và các thiết chế giám sát HT thì hầu như không phát huy chức năng lẫn hiệu quả. 

“Cơ chế tự chủ về tài chính trao cho HT quyền rất lớn, nhưng lại không ai giám sát, cho nên khi HT mất tư cách thì cả trường tan nát” - ông Cao Huy Thảo, nguyên HT Trường THPT Việt Úc, nguyên Hiệu phó Trường THPT Lương Thế Vinh - từng nhìn nhận. 

Để nâng cao chất lượng của đội ngũ HT, ông Cao Huy Thảo kiến nghị thực hiện ba giải pháp: 
- Chọn được người có tâm có tầm là trách nhiệm của cấp trên. Khi bổ nhiệm sai cấp trên phải liên đới chịu trách nhiệm. 
- Đã đưa lên được thì đưa xuống cũng được. Không chấp nhận tình trạng: không làm được gì nhưng không có lỗi gì thì vẫn cứ ngồi đó mãi. 
- Cần thực hiện việc thi HT, ở đó các ứng viên phải đưa ra được chương trình hành động, trong đó thể hiện được nhận thức, đạo đức và tầm nhìn lãnh đạo. Sau 3-5 năm nếu không làm được gì thì phải xuống đề người khác thay thế. 

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI