Hiệu trưởng ở Mỹ, không phải nghề “chỉ tay năm ngón”

11/01/2022 - 06:39

PNO - Nhiều người lầm tưởng làm hiệu trưởng là một nghề nhàn hạ và nhiều quyền lực. Thế nhưng, điều đó không hề đúng ở trường học của nước Mỹ.

Nghề vất vả mùa COVID-19

Ngay từ ngày đầu tiên đảm nhận chức vụ hiệu trưởng vào năm 2007, ông Thu Ament đã nhận ra rằng, đây không hề là một công việc dễ dàng, không phải chỉ cần ngồi và chỉ tay năm ngón.

Hiện tại, khi COVID-19 đang hoành hành khiến ngành giáo dục điêu đứng, vị hiệu trưởng đang phụ trách trường phổ thông quận Tacoma (bang Washington, D.C.) -  rất lo lắng trước tình hình. “Vị trí này cần phải có khả năng quản lý và lãnh đạo vững chắc để có thể đương đầu với tình trạng căng thẳng cao độ. Và đại dịch COVID-19 là ví dụ điển hình”, ông Ament nói. 

COVID-19 hoành hành
Việc đối mặt với áp lực khiến nhiều giáo viên, hiệu trưởng ở Mỹ nộp đơn xin thôi việc

Cuộc khủng hoảng trăm năm có một này đang khiến cho các hiệu trưởng ngày càng chịu áp lực lớn hơn với trách nhiệm đè nặng lên vai. Họ không chỉ phải phản ứng và ra quyết định thật nhanh mà còn phải đảm bảo thực hiện đúng những quy định về sức khỏe, sự an toàn và cả các vấn đề pháp lý liên quan đến học sinh.

Chính vì vậy, không hề ngạc nhiên khi chỉ trong hai năm qua, có tới 45% trong số hơn 1.000 hiệu trưởng được khảo sát cho biết, họ đã nộp đơn xin thôi việc. Đây là kết quả mới được công bố bởi Hiệp hội quốc gia các hiệu trưởng trường phổ thông Mỹ (NASSP), và làn sóng các hiệu trưởng rời bỏ nhiệm sở vẫn đang không ngừng tăng lên.

Hiệu trưởng cần tiêu chuẩn gì?

Không ai có thể qua một đêm mà trở thành thủ lĩnh dẫn dắt mọi hoạt động của một trường học được. Vì vậy, hiệu trưởng tương lai phải có một quá trình chuẩn bị chu đáo trước khi có thể đảm đương vị trí quan trọng này. Những tiêu chuẩn của một hiệu trưởng bao gồm:

Là nhân tố tạo nên sự thay đổi: Theo ông Cedric Cooper - Hiệu trưởng Trường Schoo Middle School thuộc bang Nebraska - mọi người mong đợi một hiệu trưởng có thể mang đến sự thay đổi không chỉ cho một vài học sinh mà là toàn bộ “hệ sinh thái” trong ngôi trường đó. Như vậy, nhiệm vụ của hiệu trưởng không chỉ là thành tích học tập của học sinh mà còn là một phần của sự phát triển tổng thể nhà trường.

Duy trì vị trí công việc trong một khoảng thời gian nhất định: Với nhiều công việc khác thì “nhảy việc” là một điều bình thường, nhưng sẽ là bất thường nếu điều đó xảy ra với hiệu trưởng. Nhiều nhà quản lý giáo dục đồng ý rằng, các hiệu trưởng nên đảm nhận nhiệm vụ ít nhất 5 năm liên tục tại một trường học trước khi chuyển sang nơi làm việc khác nếu có.

Là người có tinh thần đồng đội: Có vẻ hơi vô lý để buộc vị hiệu trưởng đứng mũi chịu sào cho mọi hoạt động trong trường phải thể hiện tinh thần đồng đội. Thế nhưng, yếu tố này lại đặc biệt cần thiết trong thời điểm đầy khó khăn vì dịch bệnh hiện nay. “Hiệu trưởng phải luôn hiện hữu trong mọi hoạt động chung của nhà trường. Ngay cả khi đội ngũ giáo viên lau chùi, khử trùng bàn ghế để phòng dịch thì hiệu trưởng cũng phải xắn tay áo vào làm”, ông Cooper nói.

Thể hiện năng lực lãnh đạo: Từ một giáo viên phụ trách lớp học “nhảy vọt” lên hiệu trưởng là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, và những nỗ lực này cần được nhìn thấy chứ không phải là những cống hiến trong âm thầm. Chẳng hạn, bạn phải trải qua các vị trí quản lý ban đầu như: tổ trưởng bộ môn, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, hiệu phó, hoặc có những sáng kiến nổi bật phục vụ cho nhà trường... 

Nguyễn Thuận (theo EdWeek)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI