PNO - Thay vì chụp những cái mũ xấu xí lên đầu nhau sao không lấy ý kiến của những sinh viên tham dự lễ tốt nghiệp, những nhân vật chính buổi lễ xem họ có thấy được trân trọng, có vui, có hài lòng về buổi lễ không.
Cách đây gần 10 năm, vợ chồng tôi dự lễ tốt nghiệp của con gái. Buổi lễ là một phần trong chương trình hoạt động hàng năm của trường. Nhìn con xúng xính trong áo, mũ hân hoan, háo hức vợ chồng tôi rất vui. Không chỉ vui cho con mà vui cho chính bản thân mình đã hoàn thành nhiệm vụ mà như người xưa dạy “dưỡng bất giáo phụ chí quá” (nuôi mà không dạy là lỗi ở cha mẹ).
Lễ trao bằng tốt nghiệp tại tại trường Đại học Kinh tế gây nhiều tranh cãi
Sau buổi lễ, con và các bạn chụp hình với gia đình và bè bạn, cố lưu giữ những giây phút tươi đẹp của cuộc đời, để rồi ngày mai ngày kia phải nhọc nhằn tìm việc.
Tôi rất biết ơn nhà trường đã tổ chức một ngày lễ trang trọng trong khi chỉ cần trao bằng là đã hoàn thành sứ mệnh cam kết. Nhớ ngày xưa chúng tôi không có lễ tốt nghiệp như vậy. Sinh viên học xong phải theo sự phân công của tổ chức chính quyền địa phương. Làm việc 2 năm, được nơi công tác cấp giấy nhận xét tốt mới về trường làm thủ tục nhận bằng tốt nghiệp.
Vài ngày nay, dư luận nổi lên việc tổ chức lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội. Những lời lẽ “đao to búa lớn“ dội lên đầu những người chịu trách nhiệm tổ chức buổi lễ đó. Nào là “lai căng, diêm dúa, lố lăng”. Ngày xưa, đỗ kỳ thi hương được xem là cử nhân, được vua ban áo mão; được huyện, xã đón rước trang trọng do theo lệnh vua và cũng do là niềm tự hào có người ở địa phương đỗ đạt. Nếu theo truyền thống đó, các vị cử nhân (hoặc tương đương) ngày nay phải mặc áo dài đội khăn xếp, mà phải xếp sao có dạng hình chữ nhân trước trán. Chuyện đó không khó. Nhưng nữ cử nhân ăn mặc thế nào theo truyền thống? Yếm đào, áo tứ thân chăng? Chắc chắn là không phải vì thời xưa phụ nữ có được thi cử gì đâu!
Hệ thống giáo dục đại học ngày nay học theo phương Tây. Vì vậy áo thụng, mũ tiến sĩ cho những tân cử nhân, tân thạc sĩ, tiến sĩ đều học theo đó. Trường đại học Kinh tế muốn trang trọng hơn nên để hiệu trưởng mặc áo nhung, đeo vòng cổ và cầm quyền trượng. Tất cả đều có ý nghĩa của nó. Theo cách hiểu của tôi, ban tổ chức của trường muốn tăng thêm phần "hội" trong ngày trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên các cấp. Những nỗ lực đó rất đáng được trân trọng.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.