PNO - Khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để loại bỏ áp lực thì học sinh sẽ hạnh phúc. Và hiệu trưởng chính là người giúp giáo viên thoát khỏi những áp lực, sự quá tải trong dạy học.
"Vị thuyền trưởng" làm thay đổi người dạy và người học
Tại hội thảo “Hiệu trưởng - người gieo mầm hạnh phúc” do quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 20/5 tại Hà Nội, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương - bắt đầu bài phát biểu bằng một ví dụ hết sức gần gũi của một ngôi trường tại Hà Nội. Dẫn chứng câu chuyện từ chính gia đình mình, ông cho biết dù không phải là học sinh xuất sắc, nhưng người con đang học lớp Mười một tại Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội của ông rất hạnh phúc khi được theo học trong môi trường thân thiện, vui vẻ.
“Con tôi được học vẽ, tham gia các câu lạc bộ và nhiều hoạt động của trường. Cháu được sống trong tình yêu của các thầy cô, đặc biệt là cô hiệu trưởng vô cùng tâm lý và đáng yêu - tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh. Đó thực sự là môi trường giáo dục vô cùng đáng quý” - ông tâm đắc và kết luận học sinh sẽ rất hạnh phúc nếu được học trong những ngôi trường mà hiệu trưởng luôn mang đến hạnh phúc. Theo nhiều nghiên cứu, khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để loại bỏ áp lực thì học sinh sẽ hạnh phúc. Hiệu trưởng là người giúp giáo viên thoát khỏi những áp lực, sự quá tải trong dạy học.
Hiệu trưởng là người giúp giáo viên thoát khỏi những áp lực trong dạy học (ảnh minh họa: Giờ dạy môn toán của cô trò Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp, TPHCM) - Ảnh: P.T.
“Trường học với bầu không khí căng thẳng và bất an thì làm sao có hạnh phúc” - ông Đặng Tự Ân - Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc VIGEF - nhấn mạnh. Ông cũng nói thêm, giáo dục của ta một thời gian dài chỉ chú trọng dạy chữ, không đặt trọng tâm vào dạy người, dạy nghề. Thực tiễn đã chứng minh, khi các nước đưa mô hình trường học hạnh phúc vào nhà trường dưới dạng lồng ghép vào các mô hình dạy học đổi mới giáo dục khác, thành tích học tập của học sinh được tăng lên 10 - 12%, đồng nghĩa năng lực của các em cũng được củng cố và phát triển vững chắc hơn, do đó, hãy dừng lại, định vị và thay đổi. Hãy chú trọng hơn nữa giáo dục cảm xúc, giáo dục hạnh phúc cho học sinh. Lực lượng lao động chất lượng cao phải là những con người học có năng lực, với chỉ số trí tuệ cảm xúc, hạnh phúc xứng tầm trong mô hình hệ sinh thái năng lực con người.
Dám bước ra khỏi "vùng an toàn"
Chất lượng hoạt động giáo dục trong nhà trường phổ thông phụ thuộc nhiều vào năng lực, kinh nghiệm quản lý của hiệu trưởng. Hiệu trưởng với muôn vàn công việc lãnh đạo nhà trường, cần có sự cân bằng công việc và cuộc sống. Cuộc sống cá nhân được thỏa mãn cùng luôn hài lòng với công việc, họ trở thành người hiệu trưởng hạnh phúc. Giám đốc VIGEF thẳng thắn chỉ ra rằng không khó để thấy ở các nhà trường, quyền lực cao nhất nằm trong tay hiệu trưởng. Khi cơ chế còn nặng xin - cho, ban phát ân huệ, làm việc theo cảm tính thì hệ quả sẽ tạo ra những giáo viên “câm nín”, không dám có ý kiến trái chiều. Vì thế, xây dựng môi trường học đường ấm áp, thân thiện, an toàn, dân chủ, không bị “bắt nạt” không chỉ có ý nghĩa với học sinh mà với cả giáo viên.
Do đó, ông kêu gọi, hiệu trưởng hãy đối thoại cởi mở dân chủ với giáo viên và học sinh. Trong khi đó, giáo viên tạo cho học sinh nếp sống văn hóa dân chủ, bình đẳng trong trường học. Hướng dẫn cho giáo viên lắng nghe tích cực: lắng nghe nhau và phản hồi đừng để người khác bị tổn thương; phải nói với nhau những điều giúp người ta trưởng thành, lớn lên, khác với việc nói cho thỏa mãn mà làm người khác đau đớn tổn thương. Giáo viên với giáo viên phải cư xử sao cho cùng hạnh phúc, không có kẻ thắng người thua. Hãy coi sự tiến bộ của học trò và thay đổi của mỗi lớp mới là thước đo năng lực của thầy cô và đó cũng là thước đo chất lượng của trường. “Hãy “quản lý mà không quản lý”, việc của nhà lãnh đạo nhất quán, đó là mang lại sự tự do, toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về công việc cho nhân viên với tinh thần tự giác cao. Ngược lại họ luôn được hiệu trưởng sẵn sàng hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm cùng với sự khích lệ và động viên.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng vấn đề mấu chốt nằm ở việc hiệu trưởng có dám nhìn nhận, dám bước ra khỏi “vùng an toàn” và thay đổi? Nếu hình dung nhà trường là một xã hội thu nhỏ và để xã hội ấy hạnh phúc, thì hiệu trưởng cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành; phải chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh, hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích, sự hài lòng của “khách hàng” lên hàng đầu. Bên cạnh “lực đẩy” về hệ điều hành, không thể thiếu “lực kéo” là hệ giá trị, tầm nhìn chiến lược, khát khao đạt đến, sẽ dẫn dắt người chèo lái con thuyền giáo dục mỗi nhà trường đi đúng hướng và cán đích.
Rèn luyện để có hạnh phúc
Trường chúng tôi đã triển khai chuỗi hội thảo để giúp giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu về trường học hạnh phúc và biết cách rèn luyện để có hạnh phúc cho mình và những người xung quanh. Tôi đã lắng nghe những ý kiến phản hồi từ nhiều phía để phát hiện ra những điều, những việc chưa làm cho họ hạnh phúc và tìm ra giải pháp khắc phục để họ trở nên hạnh phúc hơn, tích cực hơn. Khi đó, giáo viên có nhu cầu sáng tạo còn học sinh có cơ hội phát triển năng lực cá nhân ngoài kết quả học tập hay điểm số. Tôi điều chỉnh cách thức xây dựng kế hoạch giáo dục trong nhà trường nhằm đáp ứng những mong muốn chính đáng đó của họ.
Giáo viên đã cười nhiều hơn khi tiếp xúc với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Họ cũng lắng nghe và tôn trọng hơn những ý kiến khác biệt đồng thời quan tâm đến học sinh nhiều hơn. Họ làm nhiều cách để không khí lớp học trở nên thoải mái, vui vẻ. Trong khi các học sinh hiểu rằng hạnh phúc không chỉ là sự đón nhận mà các em cũng phải biết thay đổi chính mình để đồng hành cùng thầy cô. Các em hài lòng, vui vẻ đến trường. Khi học sinh hạnh phúc cũng có nghĩa là chúng tôi đã mang đến hạnh phúc cho phụ huynh. Họ tin tưởng, đồng thuận và tham gia tích cực các hoạt động của nhà trường cùng các con. Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng một ngôi trường mà ở đó có hiệu trưởng hạnh phúc - giáo viên hạnh phúc - học sinh hạnh phúc và phụ huynh hạnh phúc.
Bà Lưu Thị Lập - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, Hà Nội
Thay đổi nhận thức 10.000 hiệu trưởng về hạnh phúc học đường
Dự án Trường học hạnh phúc được VIGEF hợp tác với Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai trong 2 năm 2022-2023 với mục tiêu đào tạo 10.000 hiệu trưởng trường phổ thông có hiểu biết khoa học và các kỹ năng xây dựng thành công mô hình trường học hạnh phúc tại chính trường của mình.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - giai đoạn 1 của dự án (từ tháng 5-11/2022) đã có 1.245 hiệu trưởng của 7 tỉnh, thành tham gia tập huấn trực tiếp. 100% các hiệu trưởng đã áp dụng kiến thức, kỹ năng trong thực tiễn điều hành quản lý trường học với việc thay đổi nhận thức về trường học hạnh phúc. Cụ thể, hạnh phúc không gắn với thành tích, hạnh phúc là quá trình trường học thay đổi dựa trên sự phát triển của mỗi cá nhân, mối quan hệ, điều kiện làm việc, cải tiến quy trình, môi trường làm việc… Quan trọng là thúc đẩy tình yêu học tập, yêu công việc, sự yêu thương, tôn trọng.
“Chúng tôi quan niệm hạnh phúc cho người học không phải chỉ là kết quả học tập hay điểm số mà cần hướng tới một đời sống tinh thần cân bằng và lành mạnh hơn, biết làm chủ cảm xúc cho tất cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên. Cách tiếp cận dự án của chúng tôi, trước hết là làm thay đổi nhận thức 10.000 hiệu trưởng trường phổ thông trong cả nước, giúp họ biết cách rèn luyện để có hạnh phúc và có được trải nghiệm xây dựng trường học hạnh phúc tại trường mình, theo bộ tiêu chí mô hình 4P của UNESCO. Sau đó, bằng vai trò của mình, hiệu trưởng sẽ làm thay đổi người dạy và người học để họ có được hạnh phúc trong môi trường học đường. Từ kết quả có được, chúng tôi sẽ làm lan tỏa cảm xúc hạnh phúc ra cộng đồng và xã hội Việt Nam” - đại diện VIGEF chia sẻ.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...