Hiệu trưởng không dạy nhưng vẫn nhận tiền đứng lớp

10/06/2019 - 07:58

PNO - Hiệu trưởng không dạy nhưng vẫn nhận tiền đứng lớp; không công khai đấu thầu căng-tin và bãi giữ xe; giáo viên nghỉ thai sản 2 năm vẫn có lương…

Một giáo viên của trường phản ánh: “Bảng phân công chuyên môn năm học 2017-2018 có thể hiện nội dung bà Nguyễn Thị Xuân H., Hiệu trưởng nhà trường, được phân công giảng dạy môn văn lớp 8/5 bốn tiết/tuần. Tuy nhiên, bà H. không lên lớp mà vẫn nhận được tiền phụ cấp đứng lớp và tiền vượt giờ hơn 10 triệu đồng”. 

Hieu truong khong day nhung van nhan tien dung lop
Trường THCS Phú Lợi được khánh thành và đưa vào hoạt động năm học 2016-2017

Thực tế, trong sổ đầu bài lớp 8/5 năm học này, các giờ dạy môn văn đều do thầy Nguyễn Tuấn A. ký tên. Thế nhưng, trong danh sách nhận phụ cấp ưu đãi từ tháng 8/2017 đến tháng 5/2018 thì bà H. vẫn nhận tiền này như giáo viên trực tiếp giảng dạy, tổng cộng hơn 18 triệu đồng. Đồng thời, theo bảng chiết tính giờ dạy thêm hệ công lập năm học 2017-2018 ký ngày 19/5/2018 thì bà H. có tổng số tiết dạy thêm giờ là 74 tiết nên lại được thanh toán tiền dạy thêm giờ gần 11 triệu đồng nữa. 

Theo thông báo ngày 3/6 của UBND Q.8 về kết quả giải quyết tố cáo thì hiệu trưởng trường này được phân công giảng dạy nhưng lại không trực tiếp lên lớp mà nhờ giáo viên dạy thay trong suốt năm học là không đảm bảo việc trực tiếp giảng dạy đủ số giờ quy định. Do đó, bà H. không đủ điều kiện được hưởng phụ cấp ưu đãi nhà giáo và chế độ dạy thêm giờ. Số tiền gần 30 triệu đồng mà trường thanh toán cho bà H. là không đúng quy định. 

Cũng trong khoảng thời gian trên, bà H. đã giải quyết chế độ thai sản cho một giáo viên không đúng quy định. Trong thời gian nữ giáo viên nghỉ dưỡng thai và nuôi con trong 2 năm, vẫn được hiệu trưởng phân công chuyên môn, hưởng lương và các chế độ khác đầy đủ. Nhưng thực tế là có giáo viên thỉnh giảng dạy thế. Trường đã thanh toán tiền lương, phụ cấp ưu đãi nhà giáo và tiền dạy hai buổi không đúng quy định cho cô này hơn 37 triệu đồng vào tháng 4, 5 (năm 2017) và từ tháng 2 - 8 (2018). 

Ngoài ra, ngày 2/11/2015, hiệu trưởng trường này còn họp với các hiệu phó, công đoàn… thông báo tìm cá nhân, tổ chức giữ xe và thầu căng-tin. Cùng ngày, bà H. ký hai thông báo không có số về việc tổ chức đấu thầu dịch vụ căng-tin và giữ xe cho học sinh với giá khởi điểm cho thuê dịch vụ căng-tin là 20 triệu đồng/năm và giữ xe là 2 triệu đồng/năm, thời hạn hợp đồng bốn năm.

Đến ngày 9/11/2015, hiệu trưởng tổ chức họp xét chọn thầu, chỉ có một hồ sơ tham gia dự thầu dịch vụ giữ xe là ông H. (giáo viên của trường). Cuộc họp thống nhất cho ông H. thầu với giá 2 triệu đồng năm đầu tiên, năm kế tiếp là 8 triệu, 10 và 15 triệu cho các năm tiếp theo.

Tương tự, dịch vụ thầu căng-tin cũng chỉ có một hồ sơ dự thầu và được cho khai thác với giá bằng với giá khởi điểm ở năm đầu tiên là 20 triệu đồng, các năm học tiếp theo là 30, 40 và 50 triệu đồng.

Theo UBND Q.8, trình tự xét chọn đơn vị khai thác sử dụng mặt bằng không thực hiện đúng quy định của quận về việc sử dụng mặt bằng vào hoạt động dịch vụ… và không công khai công tác này trong các cuộc họp hội đồng sư phạm. 

UBND Q.8 cũng cho biết hai năm 2017 và 2018, trường không công khai dự toán - quyết toán ngân sách theo quy định. Các năm 2015, 2016 có công khai trong các cuộc họp nhưng không đảm bảo theo quy định. Năm học 2017-2018 và 2018-2019, ban đại diện cha mẹ học sinh có ủy quyền cho nhân viên của trường quản lý tiền đóng góp quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, thu tiền nhưng không ghi biên lai và phát biên lai cho phụ huynh, toàn bộ biên lai được giữ lại trường. Hiệu trưởng cũng không phối hợp chặt chẽ với ban đại diện trong việc kiểm tra giám sát, quản lý thu - chi nguồn kinh phí.

Chủ tịch UBND Q.8 chỉ đạo Trưởng phòng Nội vụ Q.8 tham mưu ủy ban hướng dẫn, tổ chức kiểm điểm xử lý hiệu trưởng không dạy nhưng vẫn nhận tiền đứng lớp, các cá nhân có liên quan để xảy ra những thiếu sót, sai phạm đã nêu. Hiệu trưởng thu hồi, nộp ngân sách các khoản thanh toán cho cá nhân không đúng quy định... 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI