"Nghề hiệu trưởng” trường đại học tư:

Hiệu trưởng đại học tư thục là ai?

05/03/2021 - 09:20

PNO - Các trường đại học tư thục do đích thân chủ trường làm hiệu trưởng như Trường đại học Nguyễn Tất Thành, hoặc kiểu “cha truyền con nối” như Trường đại học Duy Tân, Trường đại học Bình Dương… có thể duy trì vị trí hiệu trưởng trong thời gian dài. Còn lại, đa phần những hiệu trưởng “làm thuê” đều chịu sự thay đổi liên tục, nhất là trong vài năm gần đây khi sự mua bán chuyển nhượng, đổi chủ trường đại học trở nên phổ biến.

Tuyển hiệu trưởng trường công: Không như kỳ vọng    

Có một thực tế, phần lớn hiệu trưởng trường đại học (ĐH) tư đều là hiệu trưởng, hiệu phó trường công đã nghỉ hưu. Các trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hoa Sen… từng mời nhiều lãnh đạo trường công về làm hiệu trưởng.

Chỉ tính riêng Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng, ngay sau khi chuyển nhượng, có đến ba trường là ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hoa Sen mời hiệu trưởng các ĐH công lập uy tín vừa nghỉ hưu về điều hành. Còn Trường ĐH Gia Định thì “chiêu mộ” cựu cán bộ quản lý giáo dục làm hiệu trưởng. 

Hay như, Trường ĐH Văn Hiến của Tập đoàn Hùng Hậu cũng có hiệu trưởng là Phó trưởng ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM vừa nghỉ hưu…

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (phải), trao đổi cùng sinh viên - ảnh: trương bích
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (phải), trao đổi cùng sinh viên - ảnh: Trương Bích

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nhận định: Các nhà đầu tư luôn muốn chọn nhân sự tốt nhất để phát triển trường. Những lãnh đạo trường công nghỉ hưu là một nguồn nhân sự tốt để vào vị trí này vì nhiều lý do. Họ dễ dàng được kỳ vọng vì có vị trí, uy tín trong giới cùng kinh nghiệm và năng lực quản lý sẵn có.

Thế nhưng, thực tế cho thấy chính kinh nghiệm và tư duy quản lý ở trường công phần nào cản trở sự thích ứng của họ khi chuyển sang điều hành mô hình trường ngoài công lập với cách thức vận hành khác biệt. Điều này dẫn đến thực tế là nếu hiệu trưởng đã nghỉ hưu ở trường công có thể trụ vị trí này ở trường tư đủ một nhiệm kỳ thì được tính là thành công. Còn phần lớn phải nói “lời chia tay” rất sớm. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị một trường ĐH tư thục lớn tại TP.HCM cho biết: “Nhân sự càng ở vị trí cao càng khó thích nghi ngay, nhất là hiệu trưởng. Họ cần thời gian để hiểu hệ thống, vạch ra chiến lược và vận hành chúng vào từng ngóc ngách. Bởi vậy, khi chọn nhân sự cho vị trí này, phải hai năm mới đánh giá sơ bộ và sau ba năm sẽ tính đến thành quả quản lý vĩ mô. Những cuộc về - đi dập dìu sẽ khiến cả hệ thống phải chựng lại để thích nghi với cái mới”. 

Thẳng thắn nhìn nhận rằng, nhiều hiệu trưởng trường công về trường tư đã không thể hiện hết khả năng và không đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư. Minh chứng là sự ra đi chóng vánh của nhiều hiệu trưởng danh tiếng ở trường công sau thời gian ngắn đầu quân về trường tư.

Một chủ đầu tư của nhiều trường ĐH thừa nhận: “Hướng đi đưa hiệu trưởng trường công điều hành trường tư là sai. Dù rất kinh nghiệm và nhiệt huyết nhưng tuổi tác, sức khỏe và tư duy sáng tạo đã không còn phù hợp với môi trường phải cạnh tranh và đổi mới từng ngày ở trường ngoài công lập”. 

Hiệu trưởng nhà trường không phải là người làm tuyển sinh mà phải phụ trách những vấn đề vĩ mô hơn, định hướng chiến lược phát triển trường như: đối ngoại, hợp tác quốc tế, đề án tuyển sinh, định hướng phát triển ngành nghề, đào tạo… Thực hiện và chịu trách nhiệm chính về tuyển sinh phải có một phó hiệu trưởng chuyên trách cùng đội ngũ phù hợp. 

Hiệu trưởng trường công đã nghỉ hưu phù hợp hơn với các vị trí cố vấn cho hệ thống hoặc hội đồng trường. 

Chủ tịch Hội đồng quản trị một trường đại học tư thục

Lý do có thể nhiều, trong đó có sự không phù hợp về chí hướng của hai bên. TS Lê Trường Tùng phân tích: Nguyên nhân nằm ở sự khác biệt, kinh nghiệm ở trường công không áp dụng được ở trường tư, vì vậy không phát huy được tác dụng. Học hàm, học vị không phải kỹ năng cần thiết để lãnh đạo, điều hành tổ chức phức tạp như một ĐH tư hiệu quả. Trường tư vận hành không khác doanh nghiệp, chỉ khác ở chỗ dịch vụ cung ứng đặc thù. 

“Có ba khác biệt cơ bản: chuyển tư duy từ làm những gì được phép sang làm những gì không cấm; chuyển từ tư duy dòng tiền sang tư duy hạch toán; quan hệ từ ba chiều (gồm bộ quản lý, cán bộ giảng viên, sinh viên) sang bốn chiều (gồm nhà đầu tư, bộ quản lý, cán bộ giảng viên, sinh viên).

Chính sự khác biệt này xác lập cách thức làm việc khác nhau. Một ví dụ đơn giản là ở trường tư có thể tính toán thu học phí cao mà không cần xin phép miễn luật không cấm, nhưng trường công sẽ khác. Trường tư quan tâm đến hạch toán để biết lời - lỗ, còn trường công thì hiệu trưởng tính toán sử dụng trong dòng tiền được cấp, được thu…”, TS Tùng lý giải. 

Ai mới phù hợp?

Một lãnh đạo đã chủ động rời vị trí quản lý ở một trường ĐH tư thục tại TP.HCM chỉ ra sự “lệch pha” nằm ở chỗ một bên nhận kinh phí nhà nước và một bên cần kinh doanh có lãi, đưa đến cách vận hành và giải quyết vấn đề khác nhau.

Và vì không có được nguồn kinh phí nào khác nên dẫn đến áp lực tuyển sinh phải từ đủ đến dư, hoặc mức học phí làm sao để đầu tư thấp nhất và mang lại hiệu quả tối ưu. Điều này dẫn đến mâu thuẫn quan điểm giữa hai bên. Định mức tuyển sinh gần như là tiêu chí “chí mạng” với hiệu trưởng trường tư. Hiệu trưởng trường công không chịu áp lực này.

Do đó, tuy mời hiệu trưởng nghỉ hưu ở trường công đang là sự lựa chọn phổ biến nhưng chưa hẳn tốt. Đa phần người về trường tư thành công đều là những nhân sự chưa kinh qua vị trí lãnh đạo cao nhất ở trường công. Có lẽ vì khi đó, họ chưa chịu sự chi phối nhiều của tư duy quản lý công nên dễ thích nghi.

Trong những trường hợp này, có thể kể đến GS-TS Hồ Đắc Lộc. Ông yên vị ở vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã 11 năm. Theo thông tin từ lãnh đạo trường này, trước khi về trường và giữ vị trí cao nhất, GS Lộc là cán bộ Ban Quan hệ quốc tế của ĐH Quốc gia TP.HCM. Tương tự là trường hợp của TS Nguyễn Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đương thời. Trước khi bước sang trường tư thục, ông là Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đến nay, TS Giang đã tại vị được sáu năm.

TS Đàm Quang Minh, người đang nắm giữ kỷ lục trở thành hiệu trưởng nhiều trường tư thục nhất
TS Đàm Quang Minh đang giữ kỷ lục hiệu trưởng nhiều trường tư thục nhất

Theo các nhà quản trị ĐH, nghề hiệu trưởng trường tư không cần người đứng lớp hay nghiên cứu khoa học giỏi, mà cần một nhà quản lý tổ chức với nhiều khả năng hơn một người làm chuyên môn giáo dục.

TS Đàm Quang Minh, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ, nêu cụ thể: Lý do để thay đổi lãnh đạo cũng khá đa dạng nhưng chung quy là thiếu đáp ứng nhu cầu thực tế hoặc yêu cầu của chủ trường có nhiều khác biệt với người vận hành. Người hiểu biết về hệ thống và uy tín chuyên môn thì thường hạn chế về kinh doanh mà giỏi kinh doanh thì không chắc đã lãnh đạo được trường ĐH. Đặc biệt, các trường tư hay mắc sai lầm là tuyển dụng các lãnh đạo từ khối công lập, trong khi khối công lập và tư thục về bản chất là hai lối vận hành khác nhau.

Thêm nữa, nhiều chủ đầu tư can thiệp quá thô bạo vào quá trình hoạt động của trường bất chấp các quy định pháp luật và thiếu tôn trọng đội ngũ học thuật. Các trường này hình thành mô hình quản trị độc đoán chứ không cởi mở và dân chủ cần có của một trường ĐH. Do vậy, quan hệ giữa chủ đầu tư và đội ngũ quản lý cũng không bền chặt và nảy sinh nhiều mâu thuẫn dẫn tới việc thay thế lãnh đạo.

Theo ông, các trường tư muốn phát triển lâu dài cần xây dựng hệ giá trị vững chắc và có chiến lược bền vững về quản trị. Từ đó, xây dựng con người phù hợp và đủ năng lực để vận hành. Vận hành trường ĐH cần có một bộ máy tốt chứ không thể chỉ trông chờ vào một, hai cá nhân. Hiện nay, nhiều trường ĐH tư thục có thời gian tích lũy và đã hình thành dần đội ngũ quản trị này. 

Còn TS Tùng thì cho rằng không nên theo lối mòn, cần mở rộng tìm kiếm đối tượng, “săn” người phù hợp cho vị trí hiệu trưởng, bởi đây là một nghề chuyên nghiệp và đặc thù. Dựa vào đường lối của trường đề ra tiêu chuẩn để “săn” hiệu trưởng, có thể là thi tuyển hiệu trưởng.

Ngoài ra, việc những nhà đầu tư đòi hỏi quá nhiều ở hiệu trưởng, can thiệp thô bạo vào sự vận hành bên dưới… cũng là vấn đề cần thay đổi.

Theo ông Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, ĐH tư thục ở Việt Nam hiện nay thường dựa trên định mức về số lượng sinh viên tuyển được để cam kết cùng các hiệu trưởng. Làm vậy không đúng với tầm vóc của một hiệu trưởng trường ĐH. Các trường ở nước ngoài đánh giá hiệu trưởng, cam kết thời gian bổ nhiệm, đưa ra mức lương dựa trên các mục tiêu hai bên cam kết. Tới mức độ nào đó, hiệu trưởng không đạt được mục tiêu thì sẽ bị sa thải. Mục tiêu này rộng hơn chứ không chỉ tập trung vào việc tuyển sinh như một số trường ĐH tư thục ở Việt Nam hiện nay. Hiệu trưởng ĐH không phải là người suốt ngày lo lắng chuyện tuyển sinh mà quên đi những việc khác quan trọng hơn trong một trường ĐH.

 Thanh Thanh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI