Hiệu trưởng Đại học Harvard: 'Thế giới không chỉ của đàn ông'

24/03/2017 - 08:34

PNO - Ngày 23/3, giáo sư Drew Gilpin Faust - Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Harvard (Mỹ) đã có buổi nói chuyện với giảng viên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) TP.HCM.

Ngày 23/3, giáo sư Drew Gilpin Faust - Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Harvard (Mỹ) đã có buổi nói chuyện với giảng viên, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) TP.HCM. Sau những câu chuyện chia sẻ của bà là cuộc đấu tranh không mỏi mệt cho bình đẳng giới, cho lời khẳng định “thế giới không chỉ của đàn ông”, kể cả nơi đó là thánh địa của tinh hoa trí tuệ.

Hieu truong Dai hoc Harvard: 'The gioi khong chi cua dan ong'
 

Sinh viên Việt Nam bình đẳng tại Harvard

Trong buổi nói chuyện, giáo sư (GS) Drew Gilpin Faust cho biết, hiện có 16 sinh viên Việt Nam đang theo học tại ĐH Harvard và các trường thành viên của ĐH Harvard. Bà hy vọng các sinh viên Việt Nam sẽ nghĩ đến Harvard khi muốn đi du học, ở cấp đại học và sau đại học.

“Sinh viên Việt Nam được nhập học ở ĐH Harvard sẽ được bình đẳng với sinh viên Mỹ về cơ hội cấp học bổng theo nhu cầu hỗ trợ tài chính của mỗi sinh viên” - hiệu trưởng Faust khẳng định.

Lý giải cho việc lựa chọn Việt nam và sinh viên Trường ĐH KHXHNV TP.HCM để trao đổi, GS Faust cho rằng, bà là một học giả và giảng viên lịch sử trong suốt hơn ba mươi năm và Trường ĐH KHXHNV TP.HCM là một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam.

“Việc có mặt tại đây, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8.000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập niên qua. Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh”. Tôi mong, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó” - bà nói.

Đối với vị nữ học giả lừng lẫy này, tìm hiểu đất nước Việt Nam trở thành điều cần thiết để hiểu chính nước Mỹ. “Nó thôi thúc chúng tôi đặt câu hỏi nghi ngờ về quốc gia của mình, về nền dân chủ và về tính nhân văn của chúng tôi”.

Nhìn lại lịch sử của hai quốc gia, bà khẳng định: “Lịch sử là điều không thể thiếu. Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những bi kịch mà quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình”. 

Trong buổi làm việc tại Trường ĐH KHXHNV TP.HCM, ngoài nội dung giao lưu, hai bên còn trao đổi với nhau về khả năng hợp tác trong tương lai không chỉ với những học giả ở ĐH Harvard đang nghiên cứu về Việt nam. Hy vọng trong tương lai, giữa Harvard và ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có nhiều hoạt động chung.

Tôi không chọn sống thoải mái 

Vị nữ hiệu trưởng danh tiếng nhất thế giới khẳng định: “Lúc còn trẻ, tôi đã khiến cha mẹ đau đầu về những suy nghĩ vượt mọi định kiến của xã hội về phụ nữ. Tôi đã dành cả cuộc đời để chứng minh với mẹ rằng bà đã hiểu sai về phụ nữ”. 

GS Drew Gilpin Faust kể, bà xuất thân trong gia đình rất truyền thống và bảo thủ, từ quan niệm chính trị đến thái độ về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Là con gái nhưng lúc trẻ tuổi, bà thường hay có ý kiến. Khi là học sinh, sinh viên, bà đã tham gia hai phong trào lớn ở Mỹ lúc đó là phong trào phản chiến và phong trào giành quyền lợi dân sự cho người Mỹ gốc Phi.

Gia đình đau đầu về điều này. Mẹ bà từng bức xúc nói: “Con phải biết đó là thế giới của đàn ông, con phải hiểu điều đó, và cuộc đời con sẽ thoải mái hơn”. Sau khi nghe mẹ nói điều đó, bà đã dành cả cuộc đời để chứng minh với mẹ rằng bà đã nghĩ không đúng. “Tôi tin thế giới này không chỉ của riêng đàn ông. Mẹ tôi qua đời vào năm 1966 nên rất tiếc bà đã không thể biết tôi đã từng làm cho người khác… đau đầu như thế nào” - bà dí dỏm.

Không đợi đến lời tuyên bố hôm nay, thế giới đã ngả mũ trước con người “nổi loạn”, “kẻ phản nghịch” nhưng đầy bản lĩnh này. Năm 2007, ở tuổi 59, GS Faust chính thức trở thành hiệu trưởng thứ 28 và là người phụ nữ đầu tiên nắm giữ cương vị này của ĐH Harvard. Sự kiện ấy đặc biệt đến nỗi “người Harvard” gọi đó là ngày không thể quên.

Trước khi trở thành người đứng đầu của “thánh đường học thuật thế giới”, bà đã là một nhà sử học tài danh. Ở tuổi 21, cô gái “cứng đầu” tốt nghiệp Học viện nữ Bryn Mawr với kết quả xuất sắc. Sau đó, bà làm nghiên cứu sinh tại ĐH Pennsylvania và lấy bằng tiến sĩ sử học. Năm 2001, GS Faust được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện nghiên cứu cấp cao Radcliffe với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử…

Ai dám làm hiệu trưởng ĐH Harvard - một câu hỏi thách thức nhưng cũng đầy lôi cuốn đã được GS Faust trả lời một cách ngoạn mục. Trong cuộc đua vào nơi hội tụ những tinh hoa đỉnh cao của nhân loại, bà đã ngạo nghễ vượt qua những đối thủ đáng gờm, đều là nam, như chủ nhân giải Nobel vật lý, hiệu trưởng trường Luật... và bà đã chiến thắng.  

Bà từng “chỉnh” khi mọi người vẫn định kiến gọi mình là nữ hiệu trưởng, rằng: “Tôi không phải nữ hiệu trưởng. Tôi là hiệu trưởng trường Harvard”. Đây như một lời tuyên bố đầy quả quyết: ở nơi được mệnh danh là “thánh đường của học thuật”, tập trung tinh hoa nhân loại thì  bà - một phụ nữ - đang hiện hữu ở vị trí cao nhất. Vậy thì, thế giới này đâu phải của riêng đàn ông!

 Tiêu Hà - Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI