Hiệu trưởng 'ăn dày', học trò lãnh đủ

02/03/2017 - 08:47

PNO - Khi hiệu trưởng thiếu đạo đức, tiền bạc “lem nhem”, trường bị kiện cáo lùm xùm, thì không chỉ uy tín của trường mà cả của ngành GD-ĐT cũng vạ lây… Đây là “thua lỗ” vô cùng lớn của ngành GD-ĐT hiện nay.

Ngân sách bị lãng phí

Kéo dài hơn hai năm, đến nay chuyện kiện cáo ở trường THPT Gò Vấp mới tạm lắng xuống sau hai bản kết luận thanh tra liên tiếp của Sở GD-ĐT TP.HCM. Kết luận thanh tra số 179/GDĐT-TTr ngày 19/1/2017 vừa công bố cho thấy, hiệu trưởng (HT) trường - bà Tô Hạ Uyên, đã có nhiều sai phạm như không thực hiện đúng quy định của ngành trong các hoạt động giáo dục, mất dân chủ, kê khai khống để bòn rút ngân sách.

Hieu truong 'an day', hoc tro lanh du

Trường THPT Gò Vấp

 

Cụ thể, theo quy định của ngành, chỉ GV mới được phân công thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, HT chỉ tham gia điều hành, chịu trách nhiệm kiểm tra đánh giá kết quả và báo cáo lên Sở.

Thế nhưng, trong năm học 2014-2015, Trường THPT Gò Vấp đã không tổ chức hai hoạt động giáo dục trên cho cả ba khối lớp 10, 11 và 12, nhưng HT vẫn tự kê khai cho mình 175 tiết dạy để hưởng tiền dạy thêm.

Ngoài ra, bà Uyên còn khai khống 37 tiết dạy thêm khác để hưởng tiền phụ trội và chi trả tiền phụ trội không đúng quy định cho 15 GV, chỉ đạo GV kê khai khống số giờ dạy thêm từ 32 tuần (thực dạy) lên 37 tuần.

Sang năm học 2015-2016, bà Uyên lại tiếp tục không làm đúng chỉ đạo của Sở trong việc tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp và hoạt động giáo dục ngoài giờ khi dồn nhiều lớp lại, phân công một giám thị thực hiện hoạt động giáo dục này.

Việc kê khai khống số tuần dạy thêm giờ từ 33 tuần (thực dạy) lên 37 tuần cũng tiếp diễn, nhưng chưa kịp thực hiện thì bị Sở ách lại.

Hieu truong 'an day', hoc tro lanh du
Lùm xùm đơn kiện cáo, uy tín và chất lượng giảng dạy ở nhiều trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Vì thế, kết luận thanh tra khẳng định bà Uyên đã không gương mẫu trong việc kê khai số tiết dạy thêm của cá nhân, chi sai số tiền lương chi trả dạy thêm giờ cho cá nhân và 15 GV bộ môn 130 triệu đồng; không thực hiện đúng vai trò quản lý, điều hành theo quy định, dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, gây lãng phí; không thực hiện công khai bảng tự kê khai số tiết dạy thêm giờ và việc chi trả lương dạy thêm theo quy định, gây bức xúc kéo dài trong tập thể GV; chỉ đạo GV kê khai khống số tuần dạy thêm giờ.

Trước đó, bản kết luận thanh tra số 3868 ngày 10/11/2016 của Sở GD-ĐT cũng cho thấy bà Tô Hạ Uyên đã mắc nhiều sai phạm, trong đó có việc không tổ chức họp để tập thể cán bộ, GV, nhân viên trường góp ý và tham gia đánh giá cho bản thân và ngăn cản trưởng ban Thanh tra nhân dân tham gia Hội đồng thi đua của trường theo quy định.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, chuyện kiện cáo tại trường THPT Gò Vấp mới chỉ tạm lắng xuống. Sáng qua, trong buổi làm việc với Ban Nội chính Thành ủy, GV Trường THPT Gò Vấp đã cung cấp thêm hai bản báo cáo tài chính năm 2015 được trường công khai vào hai thời điểm khác nhau (19/12/2015 và 28/11/2016), trong đó số tiền chênh lệch giữa hai báo cáo lên đến bốn tỷ đồng(!).

Hiệu trưởng là “vua”!

Vụ học sinh (HS) Trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) bị xe chở HT đụng gãy chân ngay trong sân trường, nhưng HT đã dối trá là HS tự ngã, cán bộ GV nhân viên của trường không ai dám nói lên sự thật vừa mới xảy ra đã cho thấy: tại không ít trường học hiện nay, HT là một ông vua không ngai, muốn làm gì thì làm, “quyền sinh quyền sát” với cấp dưới.

Hieu truong 'an day', hoc tro lanh du

Trường THPT Thủ Thiêm

 

Thế mới có chuyện ông HT Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) tự ý đem hàng ngàn mét vuông hội trường, phòng học, sân thể thao, hồ bơi giao cho tư nhân khai thác trong vòng 25 năm mà chẳng cần phải hỏi ý kiến tập thể.

Kế hoạch xây dựng thư viện điện tử và hiện đại hóa phòng học với số tiền vay lên đến 10 tỷ đồng, ông cũng chẳng thèm đưa ra bàn bạc công khai, ngay cả với phụ huynh - là những người sẽ phải nai lưng trả nợ. Trong trường, ông muốn cất nhắc hay hạ bệ ai tùy thích...

Cách chức, đuổi việc nhân viên vô tội vạ mà các vị HT đó vẫn làm được, nên chuyện ăn chặn tiền lương, tiền dạy thêm, tiền thu nhập tăng thêm của GV, nhân viên, khai khống để đục khoét ngân sách… chỉ là “chuyện nhỏ”.

Năm rồi, tại Q.3 đã xôn xao chuyện một HT trốn việc suốt sáu tháng, cuối cùng là bị cho thôi việc với lý do “không hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin, sự thật là vị HT này cá độ bóng đá, nợ nần ngập đầu.

Thoạt tiên, anh ta trốn nợ bằng cách vào trường bằng cửa sau; sau đó thì không dám vào trường nữa, nhân viên của trường cần chữ ký của anh ta thì phải bí mật ra ngoài tìm gặp…

Trước những sai phạm trong đạo đức, lối sống của HT, thường thì cán bộ GV nhân viên cấp dưới vì miếng cơm manh áo nên không dám lên tiếng. Tại một số ít trường, khi GV nói ra sự thật là bị trù dập, thưa kiện kéo dài và kiểu gì thì đối tượng phải nhận lãnh hậu quả cuối cùng vẫn là… HS.

Trong các cuộc làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT, cán bộ GV Trường THPT Thủ Thiêm đã thẳng thắn chỉ ra, việc HT tự ý thay thế tổ trưởng tổ Văn đã làm cho chất lượng giảng dạy của bộ môn này đi xuống thấy rõ.

Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý như thế nào? Xin trả lời ngay, phổ biến vẫn là trù trừ và bao che khi xử lý.

Hieu truong 'an day', hoc tro lanh du

Trường THPT Ngô Gia Tự

 

Đơn tố cáo HT của tập thể GV Trường THPT Ngô Gia Tự (Q.8) phải chờ đến hai năm mới được Sở GD-ĐT kết luận, với rất nhiều sai phạm về tài chính của HT và đến nay đã thêm 1,5 năm nữa đã trôi qua nhưng mọi chuyện vẫn chưa được khắc phục, những khoản tiền GV bị “đánh cắp” vẫn chưa được bồi hoàn, dù GV đã tiếp tục có đơn gửi lãnh đạo Sở.

Trở lại với kết luận thanh tra vụ việc của trường THPT Gò Vấp, chữ nghĩa rất cụ thể: HT

Ngân sách cho giáo dục bị bòn rút, HT tham ô, GV nhân viên mãi lo kiện cáo “lùm xùm” - sự “thua lỗ” nghiêm trọng này sẽ quy trách nhiệm cho ai? Câu hỏi “Vì sao nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước  làm ăn thua lỗ, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng, lãng phí lớn?” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra khi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương ngày 11/2, có lẽ cũng cần thiết phải đặt ra với các cơ quan quản lý giáo dục.

Minh Nhật 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI