Hiểu tâm bệnh học để chữa lành mọi tổn thương

25/04/2020 - 07:31

PNO - Tâm bệnh đã được phủ lên màn sương mù siêu nhiên trong thời y học chưa đi đến những thực nghiệm duy lý.

Cuốn sách Tâm bệnh học (Spychopathology) (nhà xuất bản Trẻ) của tiến sĩ Phạm Toàn ra đời thời điểm này có lẽ là một trang bị kịp thời, trong hoàn cảnh những dư chấn từ đại dịch COVID-19 sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế và tổn thương văn hóa, khó tránh khỏi những đảo lộn trong đời sống tinh thần của con người. 

Cuốn sách đưa ra những kiến thức căn bản như một bộ khung cần thiết về bệnh học. Từ nhãn quan của người điều trị, việc xác định hành vi của một người có thể thuộc khoanh vùng tâm bệnh hay không, đến những phán đoán từ kinh nghiệm của người làm chuyên môn.

Theo tác giả, trong kinh sách cổ đã có những trường hợp được mô tả mơ hồ là triệu chứng của tâm bệnh. Trường hợp vua Saul bị quỷ ám trong Kinh thánh Cựu ước, hay Tôn Sách bị ma nhập dẫn đến chém đầu đạo sĩ Vu Cát trong Tam Quốc Chí, có thể xem là những biểu hiện của rối loạn tâm lý và hành vi. Tuy nhiên, tâm bệnh đã được phủ lên màn sương mù siêu nhiên trong thời y học chưa đi đến những thực nghiệm duy lý. 

Từ trước công nguyên 400 năm, con người cũng đã có cách tiếp cận tâm bệnh gần với y học hiện nay. Thuở ấy, Hippocrates, cha đẻ của y học đã cho rằng, tâm bệnh thuộc về vấn đề tự nhiên của cơ thể; do sự mất cân đối của bốn loại chất lỏng luân lưu trong cơ thể (mật vàng, mật đen, máu và đàm) chứ không bởi tác động của một lực lượng thần linh siêu nhiên nào.

Nhiều triết gia cổ đại, trong đó có Platon, Aristotle... đã đồng quan điểm như Hippocrates. Nguồn mạch “tư duy khoa học” thuở ban đầu đã được khơi lên rồi bị ngắt quãng sau sự sụp đổ của đế quốc La Mã (từ thế kỷ V đến XIII). Những cuộc chiến tranh và đói kém dịch bệnh triền miên, kéo nhân loại vào một thời kỳ mà các ý tưởng phiếm thần, mê tín... mặc sức trỗi dậy. 

Ngoài lý thuyết, quan điểm bệnh học, cuốn sách còn cung cấp những “khoanh vùng” giúp người đọc phần nào phân loại các chứng tâm thần phổ biến trong đời sống.  Các biểu hiện của bệnh, từ tâm thần phân liệt, bệnh rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu, rối loạn stress hậu chấn thương, tâm trạng căng thẳng… là các mô-đun cần thiết để một người bình thường có thể nhận ra cái bẫy của tâm bệnh chờ mình ở những hoàn cảnh nào. 

Từ những dẫn chứng thực tế, từng biểu hiện của bệnh học đã được trình bày sống động, đầy bất ngờ. Chẳng hạn, chứng điên tiết tâm căn (hyterical neurosis) đi cùng với những cơn co giật, đau bụng, đau lưng, ngất xỉu, tê liệt tứ chi được bác sĩ Jean Martin Charcot phát hiện cuối thế kỷ XIX lại chẳng liên quan gì đến vấn đề sinh học, mà do những biến cố chấn động trong thời thơ ấu của người bệnh.

Hay chuyện 10% binh sĩ tham chiến trong Thế chiến thứ nhất bị rối loạn tâm thần phải đưa về hậu cứ điều trị là do ảnh hưởng của tiếng bom dội và pháo binh, gọi là “rối loạn stress do chấn động của bom” (shell shock). Con số binh sĩ bị rối loạn do stress từ cả hai phía, đồng minh và phát-xít, trong Thế chiến thứ hai tăng gấp ba lần Thế chiến thứ nhất. Từ đó, các nhà nghiên cứu tâm bệnh học đã khảo sát điều kiện môi trường chiến đấu lầy lội, dơ bẩn, ẩm mốc, thời gian chiến đấu dài ngày, và đổi tên căn bệnh là “rối loạn stress do chinh chiến” (war neurosis), hay còn gọi là chứng “bải hoải tinh thần trong trận chiến” (battle fatigue). Tác giả cũng điểm qua hội chứng chấn thương hậu chiến của cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.

Hai chương cuối, tác giả khảo sát về vấn đề tâm thần ở người trẻ, người già, giúp người đọc quan sát, chăm sóc bản thân và người thân một cách kỹ lưỡng hơn trong bối cảnh mà bệnh tâm thần, chứng trầm cảm vẫn còn được xem là “thứ gì đó khó nắm bắt” so với các bệnh khác, thậm chí, còn bị phân biệt, kỳ thị trong xã hội. 

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Toàn là chuyên gia tham vấn, trị liệu tâm lý tâm thần. Ông nguyên là trưởng khoa tâm lý trị liệu, trung tâm sức khỏe tâm thần Hamilton Madison New York (Mỹ); từng vinh dự nhận giải thưởng danh dự phục vụ cộng đồng của tổ chức quốc tế Chamberlain Foundation khu vực Hoa Kỳ - Canada (2006). 

Nguyễn An Nam

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI