Hiểu sao cho đúng về dạy tích hợp?

08/10/2023 - 07:18

PNO - Dạy và học tích hợp không phải bây giờ mới được triển khai. Trên thực tế, tất cả GV có kinh nghiệm và năng lực đều sử dụng phương pháp tích hợp để đạt được mục tiêu giáo dục.

 

Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT

Hiện nay, chúng ta nhắc nhiều đến tích hợp 3 môn, tích hợp liên môn, tích hợp xuyên môn. Mục tiêu của chương trình mới là tích hợp theo hướng liên môn và xuyên môn, đưa vào các môn khoa học những nội dung, những chủ đề có sự hòa quyện vào nhau. Vì vậy, khi triển khai dạy học, cần sử dụng cách dạy tích hợp này để thực hiện được mục tiêu giáo dục mà chương trình hướng đến.

Dạy học tích hợp là cách để triển khai chương trình mới bởi mục tiêu của chương trình này rất khác so với trước đây. Có thể nội dung kiến thức không thay đổi nhưng cách dạy học phải thay đổi, mới đạt được mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Năng lực không chỉ bao gồm kiến thức mà còn có nhiều thành tố khác như kỹ năng thực hành, thái độ, cảm xúc, các giá trị sống… mà người học được đón nhận, rèn luyện trong quá trình học. Nếu duy trì cách dạy đơn môn thì sẽ không đạt được những điều này. 

Bên cạnh đó, nguyên lý quan trọng trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam và trên thế giới là học đi đôi với hành, kiến thức không thể đặt trong bối cảnh học thuật mà phải được đặt trong bối cảnh của đời sống, để khi tiếp cận với kiến thức đó, người học nhìn thấy tính thực tiễn, có thể rèn luyện cách giải quyết vấn đề.

Vì vậy, hầu hết chương trình giáo dục phổ thông tiên tiến đều chọn cách dạy học tích hợp. Với nước ta, không chỉ phải đổi mới về cách dạy mà còn phải đổi mới cả về nội dung dạy học. Nội dung dạy học tích hợp trong nhà trường hiện nay không thể thể hiện được trong thực tế nếu cách dạy của GV không thay đổi, điều kiện dạy học không được đảm bảo. Đó cũng là yếu tố cản trở việc hiểu về dạy học tích hợp cũng như triển khai dạy học tích hợp trong thực tế.

Hầu hết GV trường công mới được tập huấn dạy tích hợp bằng mô hình của Bộ GD-ĐT. Đó là tập huấn về nhận thức, còn về kỹ năng thực hành thì chưa. Bên cạnh đó, năng lực cần có của GV không chỉ là kiến thức, kỹ năng giảng dạy, kỹ năng thực hành mà còn là năng lực thấu hiểu học sinh, từ đó tạo ra các hoạt động phù hợp. Nhưng, khi thực hiện chương trình mới, đa số GV chưa chú trọng điều này, vẫn đang xoáy sâu vào kiến thức khoa học của chuyên môn, chưa đặt nặng tâm lý giáo dục.

 Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ
(Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT)

Ngọc Minh Tâm (ghi)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI