Hiệu sách Kafka của Thuận

23/03/2022 - 06:22

PNO - Không chỉ có sách, cô chủ còn tâm huyết với những chương trình hoạt động lan tỏa văn hóa đọc.

Hiệu sách Kafka phải chuyển về quê vì COVID-19. Đó không phải là điều Thuận mong muốn, nhưng những ngày làm việc ở Trà Vinh, chị nhận ra mọi thứ đều có duyên may và thời điểm của nó. Chị về để đưa sách đến cho trẻ miền đồng ruộng. 

1. Trần Thị Thanh Thuận (sinh năm 1983) - chủ hiệu sách Kafka (từng có cửa hàng tại đường Cù Lao, Q.Phú Nhuận, hiện chuyển về H.Càng Long, tỉnh Trà Vinh) - vốn là kiến trúc sư. Nhưng vì tình yêu dành cho sách mà chị mở hiệu sách, năm lần bảy lượt lao đao vì kinh doanh “mặt hàng đặc biệt”, nhưng chưa lần nào Thuận từ bỏ những ước muốn đẹp đẽ của mình. Ở TP.HCM, hiệu sách Kafka nhiều lần chuyển địa điểm, thay đổi mô hình hoạt động, những người bạn từng hợp tác với Thuận lần lượt rời đi, nhưng chị vẫn trụ lại, bán sách, và kiếm tiền bằng công việc chuyên môn. Không chỉ có sách, cô chủ còn tâm huyết với những chương trình hoạt động lan tỏa văn hóa đọc.

Chị Thanh Thuận với các độc giả nhỏ trong chương trình “Cây xanh rì rào” - Ảnh: PHÙNG HUY
Chị Thanh Thuận với các độc giả nhỏ trong chương trình “Cây xanh rì rào” - Ảnh: PHÙNG HUY

Thuận từng tổ chức chuỗi chương trình đọc sách dành cho trẻ em chủ đề “Cây xanh rì rào” tại Thảo Cầm Viên rất thành công. “Các vật dụng để làm chương trình như bàn ghế, cọ vẽ, bút giấy và cả sách hiện nay vẫn đang được gửi ở Thảo Cầm Viên. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong chờ “Cây xanh rì rào” sẽ trở lại. Tôi rất muốn khởi động lại chương trình, nhưng đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Tôi hy vọng có thể thực hiện lại chương trình trong thời gian sớm nhất” - chị Thanh Thuận bày tỏ.

Không thể tổ chức hoạt động ở TP.HCM, chị mở các tour du lịch - đọc sách tại Trà Vinh. Không gian đọc và khám phá thế giới sách diễn ra trong khuôn viên biệt thự chị đang sống, với mô hình vườn trại. Kafka Bookstore cũng đóng tại nơi này. “Kafka cũng thường xuyên đón bạn đọc nhí ở quê, những ngày cuối tuần, các con có thể đến hiệu sách chơi bất cứ lúc nào. Không gian đọc trên căn gác của tiệm hay ngoài vườn, ngoài bờ sông hoặc nếu thích thì tha hồ ngồi vẽ, tiệm có sẵn giấy bút cọ màu. Khám phá thế giới sách giữa thiên nhiên đồng quê như vậy, tôi tin trẻ sẽ có được những cảm nhận thật sự tuyệt vời và trọn vẹn với những câu chuyện trong trang sách” - chị bày tỏ.

Mỗi ngày, bạn đọc thân thiết của Kafka không chỉ được đọc những bài giới thiệu sách công phu chăm chút trên fanpage, mà đôi khi còn được nghe kể những câu chuyện hết sức dễ thương, truyền cảm hứng từ vườn trại. Chuyện chú gà mẹ bị trói chân bán ngoài chợ, được chủ tiệm sách mua về vườn đã ấp nở được tám chú gà con, chuyện một hôm có chú chim bị thương lạc vào vườn; chuyện những chú mèo con bị bỏ rơi, cả những “vị khách không mời mà đến” đêm đêm như những sinh vật chỉ có miền quê mới có… Những mẩu chuyện ngắn, dí dỏm nhưng giàu tình yêu thương và nhân văn từ Kafka khiến cho hiệu sách trở thành nơi truyền cảm hứng. Đó cũng chính là những chất liệu vô cùng quý giá mà Thuận nói, mai này có thể chị sẽ viết thành sách cho trẻ nhỏ.

2. Những ngày giữa tháng Ba, Thuận bắt xe một mình lên thành phố để “nhìn ngắm lại TP.HCM chưa kịp một lần nói lời chia tay”. Chị kể: “Hồi dịch bệnh, hiệu sách phải chuyển về quê khi TP.HCM vẫn còn trong giai đoạn giãn cách. Tháng 5/2021, tôi đưa bạn về Trà Vinh chơi ít hôm, không ngờ mắc kẹt lại suốt gần nửa năm. Nếu theo kế hoạch, tháng 7/2021 tôi chuyển hiệu sách về địa chỉ mới trên đường Trần Cao Vân (Q.1, TP.HCM) và tiếp tục các hoạt động của “Cây xanh rì rào”. Nhưng rồi dịch bệnh bùng phát, tự nhiên bị… đẩy về quê, Sài Gòn không cho tôi được nói cả lời tạm biệt”.

Khi ấy, các nhân viên của Kafka ở TP.HCM giúp chị đóng toàn bộ sách vở, hàng xóm quanh khu vực Cù Lao mỗi người một tay giúp khuân các thùng sách lên đầy ba xe tải. Từ một hiệu sách có mặt tiền nơi “khu nhà giàu” trở về miền quê xa xôi, Thuận mất rất nhiều khách hàng, nhưng cũng nhận được rất nhiều yêu thương từ những khách hàng thân thiết. Có lẽ không có tiệm sách nào như Kafka, mỗi đơn sách được gửi đi luôn kèm theo những món quà xinh xinh như tấm thiệp, những bức tranh vẽ tay và lời chúc lành cho bạn đọc.

“Các em nhân viên cũ của tiệm sau dịch bệnh cũng mỗi đứa một nơi, người về quê sinh sống, người đi du học. Ở Trà Vinh, tôi may mắn tìm được người cộng sự rất yêu sách và yêu thích việc vẽ tranh, làm thiệp. Ngày nào em cũng tỉ mẩn cắt dán, vẽ vẽ, gói gói và vui vẻ trao tặng những món quà nhỏ ấy cho khách hàng” - Thuận cười. Theo dõi Kafka cũng như nhiều lần trò chuyện với Thuận, cảm giác như chị không bán sách để kiếm lời, mà là tựa vào sách để được sống yêu đời.

Chị Trần Thị Thanh Thuận trong một lần đọc sách dưới vòm cây cùng trẻ nhỏ.
Chị Trần Thị Thanh Thuận trong một lần đọc sách dưới vòm cây cùng trẻ nhỏ.

Nếu như trước đây, chị vận động quyên góp sách cũ trao tặng cho các trường ở vùng sâu vùng xa, thì bây giờ, có được nguồn sách hay hoặc được tài trợ, chị dành số sách ấy cho các trường tiểu học và trung học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Chị nói, nơi chị đang sống có thể nói là một vùng trắng sách. Khi Kafka về hoạt động, nhiều em nhỏ đã tìm đến để được đọc trọn vẹn những câu chuyện mà trong sách giáo khoa chỉ là trích đoạn. Các phụ huynh, thầy cô giáo cũng dần biết đến và kết nối, Thuận đã bắt đầu có những lần đến nói chuyện về sách, về văn hóa đọc ở các trường.

“Có nhiều lúc tôi nghĩ, có phải Kafka về đây đúng là lúc mảnh đất này cần mình rồi không? Những duyên may dù ta có muốn hay không, vẫn sẽ đến vào đúng thời điểm của nó” - chị tâm sự. 

Mai này, Kafka có thể mở lại ở TP.HCM hay không, vẫn không ngăn được những mộng ước mà Trần Thị Thanh Thuận muốn làm cho sách và văn hóa đọc. Chị bảo thời gian tới sẽ vẫn đi về giữa TP.HCM - Trà Vinh để kết nối lại các chương trình hoạt động, cũng như tiếp tục mở rộng phạm vi lan tỏa văn hóa đọc ở quê nhà. Rất nhiều bạn đọc nhỏ tuổi đã về chơi với hiệu sách Kafka ở H.Càng Long, đọc sách trong vườn, và cùng trải nghiệm những điều thú vị với thiên nhiên, hòa nhập với bọn trẻ đen thui cháy nắng ở miền quê. Kafka của Thuận - một hiệu sách nhỏ xinh chầm chậm kết nối những giá trị…

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI