Đã tiêm vắc xin, cũng không được chủ quan
Khi TPHCM sắp kết thúc 14 ngày giãn cách xã hội thì xuất hiện 55 ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM (tính đến ngày 14/6). Lãnh đạo Sở Y tế thừa nhận đây là bài học sâu sắc, vì dịch không đến từ bệnh nhân lây cho nhân viên y tế mà vào bệnh viện từ chính người của ngành y. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng bày tỏ: “TPHCM ngày càng phát hiện nhiều ca COVID-19 bất ngờ do chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Từ một người bán nước có thể lây cho rất nhiều người, từ một nhân viên hành chính có thể gây ảnh hưởng đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - thành trì chống dịch COVID-19 của TPHCM”.
|
Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế ở Bệnh viện Da liễu TPHCM - Ảnh: B.V |
Từ tình huống này, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về sự chủ quan của những người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ - người đang tham gia chế tạo vắc xin ngừa COVID-19 tại Viện Nghiên cứu City of Hope (Mỹ) - nhận định: “55 ca dương tính gần đây ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã được chích ngừa vắc xin, xảy ra tập trung ở các phòng ban khối hậu cần, gồm toàn bộ nhân viên phòng Công nghệ thông tin, phòng Chỉ đạo tuyến… Điều này có thể do các nhân viên ngồi chung phòng, tiếp xúc gần và thiếu cảnh giác trong việc lây nhiễm virus, trong đó có thể do chủ quan vì nghĩ rằng mình đã được chích ngừa. Những vụ lây nhiễm chéo trong không gian làm việc như thế này có thể khắc phục bằng cách nâng cao ý thức của nhân viên và áp dụng một số biện pháp quản lý phòng dịch”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, ngay tại Mỹ - nơi có tỷ lệ người được tiêm vắc xin rất cao - văn phòng làm việc của ông vẫn áp dụng rất nhiều quy định phòng dịch như kiểm tra sức khỏe, nhiệt độ nhân viên mỗi đầu ngày làm việc và yêu cầu nhân viên có biểu hiện cảm sốt ở nhà; giãn cách chỗ ngồi cho các nhân viên (cách nhau ít nhất 2m); yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc, nhất là khi có người khác ở chung phòng; chỉ cởi khẩu trang khi uống nước hoặc ăn cơm; không ăn cơm chung với đồng nghiệp, trừ trường hợp là người cùng gia đình (vợ, chồng); giảm tối đa người đến sở làm, tăng làm việc ở nhà; thông gió các văn phòng, đưa ánh sáng mặt trời vào thay vì đóng kín cửa và mở máy lạnh liên tục.
Hiểu rõ về vắc xin để phòng, chống dịch hiệu quả
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ phân tích cơ chế bảo vệ cơ thể của vắc xin ngừa COVID-19: khi được chích ngừa, các thành phần có trong vắc xin sẽ kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu. Khi virus xâm nhập vào cơ thể (có trong dịch nhầy nước mũi, nước miếng và cả nước mắt…), các kháng thể này có khả năng nhận diện và bám lên bề mặt virus (cụ thể là protein S của virus) và ngăn chúng chạm lên tế bào cơ thể để vào bên trong.
|
Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện TP.Thủ Đức vào tháng 4/2021 - Ảnh: Hoàng Nguyệt |
Mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn này phụ thuộc vào chất lượng vắc xin và mật độ virus. Không có vắc xin nào đảm bảo hiệu quả bảo vệ 100%. Tuy không có hiệu quả bảo vệ 100% nhưng hầu hết các vắc xin tốt hiện nay như PfizerBioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson đều cho thấy hiệu quả giảm bệnh nặng và tử vong của người đã chích vắc xin khi mắc COVID-19 là 100%; số lượng virus trong người của họ ít hơn khoảng 40% so với người không chích vắc xin; những người này thường sẽ không bị các triệu chứng của bệnh COVID-19 như sốt, nhức mỏi, khó thở và khỏi bệnh sớm hơn so với người không chích vắc xin.
Do đó, rất dễ hiểu khi các nhân viên mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM hoàn toàn không có triệu chứng, theo số liệu tính đến ngày 13/6/2021. Bác sĩ Trần Tịnh Hiền - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM - khẳng định: tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ giúp người mắc COVID-19 không bị nặng hay tử vong, giảm bớt những trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng và tạo miễn dịch cộng đồng cho người dân khi tỷ lệ tiêm chủng lên đến 70 - 80%. Tác động tốt của vắc xin đang được chứng minh ở Mỹ, Anh, Israel… và con đường duy nhất để thoát đại dịch là tiêm vắc xin có chất lượng tốt, càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, số lượng virus và thời gian virus tồn tại trong người là yếu tố quan trọng để xác định khả năng và tình trạng lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Khi số người được chích vắc xin tăng lên thì khả năng lây nhiễm trong cộng đồng sẽ giảm. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ nói: “Để giảm sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, cách tốt nhất hiện nay vẫn là nâng cao tỷ lệ người chích vắc xin. Với những nước có tỷ lệ này còn thấp như Việt Nam, cần thực hiện các biện pháp chặt chẽ phòng tránh lây nhiễm để tránh bùng thành dịch, gây quá tải cho hệ thống y tế”.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Trường đại học New South Wales, Úc) cũng thông tin, ở Úc, ngay cả khi đã triển khai tiêm vắc xin ở quy mô cộng đồng thì các biện pháp y tế công cộng để phòng, chống dịch vẫn được áp dụng, như hạn chế tụ tập đông người, hạn chế phương tiện giao thông công cộng, hạn chế ra vào những vùng có dịch…
Tại TPHCM, đến nay, chuỗi lây nhiễm lớn nhất liên quan đến điểm sinh hoạt của nhóm Truyền giáo Phục hưng với 470 người mắc COVID-19 đã dần được khống chế nhưng lại xuất hiện thêm ít nhất năm ổ dịch khác chưa xác định rõ nguồn lây, như ổ dịch tại chung cư Ehome 3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, một xưởng cơ khí ở H.Hóc Môn, một khu dân cư ở TP.Thủ Đức… Nếu có sự chủ quan, lơ là, dịch COVID-19 sẽ lây lan nhanh, mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) - năm 2020, những trường hợp bị nhiễm thường là do tiếp xúc gần với người bệnh là thành viên sống chung nhà nhưng với chủng Delta (biến chủng Ấn Độ) năm 2021, COVID-19 dễ dàng lây lan từ đồng nghiệp chung công ty, từ nhà này sang nhà khác. Sự lây nhiễm của chủng Delta cũng nhanh hơn, chỉ sau ba ngày đã tạo ra một chu kỳ lây nhiễm mới.
Với chủng Delta, chỉ có khoảng 66% người mắc biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Có một giả thuyết về sự lây lan nhanh của chủng Delta là chủng này rất nhẹ nên lơ lửng lâu trong không khí, chậm rơi xuống bề mặt. Nếu so với virus cúm H1N1 khi mới xuất hiện ở Việt Nam thì những triệu chứng của chủng virus Delta nhẹ hơn, chủ yếu là sốt, mệt mỏi, mất vị giác, khứu giác, không ho nhiều như H1N1.
|
Hiếu Nguyễn