Không ít trường hợp đến phòng khám thẩm mỹ đòi làm ngay, khiến các bác sĩ phải ra sức khuyên nhủ cần tuân thủ các bước trước khi phẫu thuật. Thế nhưng, nhiều người vẫn bất chấp rủi ro…
Có người đến trong tình trạng chưa “xả đá”
Bác sĩ Phùng Mạnh Cường lắc đầu ngao ngán trước những mỹ nhân “cứng”, muốn đẹp từng milimet: “Ngoài giấu bệnh, gây khó khăn cho bác sĩ trong việc khai thác sức khỏe tiền căn, nhiều người còn hối thúc vì đã coi ngày, giờ hoặc vì nôn nóng muốn đẹp ngay”. Nhiều chị em còn “uy hiếp” cơ sở thẩm mỹ nếu không làm sớm cho mình thì sẽ qua chỗ khác. “Chúng tôi lo ngại nhất vụ này. Các cô không biết có bao nhiêu nguy cơ đang chờ đợi mình như không tầm soát được các vấn đề liên quan đến dị ứng, hoặc bỏ qua các xét nghiệm tầm soát tiền phẫu giúp phát hiện những nguy hại có thể ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật”, bác sĩ Cường cho hay.
“Ôi, mấy cái này đơn giản mà bác sĩ”, một ca nghiện dao kéo nói tỉnh bơ khi đòi thay túi ngực. Các khách hàng “đi làm đẹp như đi uống cà phê” tương tự cô rất xem nhẹ các kiểm tra bảo đảm an toàn. “Tuy nhiên, đối với giới chuyên môn, không có cuộc phẫu thuật nào được gọi là nhẹ nhàng, đơn giản cả. Khi đã có can thiệp xâm lấn vào cơ thể, bác sĩ phải khám, tầm soát kỹ và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, an toàn”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Cần được bác sĩ tư vấn kỹ càng và nói ra mọi bệnh lý của bản thân trước bất kỳ can thiệp thẩm mỹ nào
Một chuyên gia nhiều năm trong nghề - bác sĩ Vũ Văn Hoàng - cũng hoang mang với những khách hàng thích làm đẹp thần tốc, bất chấp. Ông cho biết: “Nhiều người xem phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là cuộc mua bán. Họ bỏ tiền ra muốn được đẹp và chỉ đặt nặng kết quả thẩm mỹ. Bác sĩ thì xem vấn đề an toàn trên hết. Chúng tôi hết sức khó xử với người cứ đòi hỏi những điều vượt quá thể trạng của mình”. Bác sĩ Hoàng dẫn chứng, nhiều cô cứ đòi size nhũ hoa quá khổ rồi “ôm hận” mổ đi mổ lại vì tràn dịch, bung khe, thậm chí phải đi cấp cứu.
Những sức ép vô hình đã tác động vào cuộc phẫu thuật khiến nó ít an toàn hơn, gây hại cho khách hàng lẫn bác sĩ nếu không kiểm soát tốt. “Trải nghiệm hoang mang” của bác sĩ Hoàng lên đến đỉnh điểm khi có những cô gái trẻ vào cơ sở làm đẹp sau một đêm “bay lắc”, thể trạng kiệt quệ, chưa “xả đá”… mà vẫn nằng nặc đòi phẫu thuật.
Tai biến nặng thì mất mạng
Bác sĩ Cường cho rằng: “Đừng bao giờ bỏ qua hoặc hời hợt trong yêu cầu bác sĩ tư vấn những phương pháp, kỹ thuật an toàn nhất và giúp cải thiện tình trạng thẩm mỹ tốt nhất”. Nhận định phần lớn người đi làm đẹp ở Việt Nam không có ý thức về an toàn, bác sĩ Cường chỉ ra: “Họ có thể chấp nhận tới tiệm spa, thậm chí tiệm uốn tóc, gội đầu để cắt mắt, căng da mặt, nâng mũi… Họ nghĩ những kỹ thuật đó đơn giản dù có xâm lấn, nhiều người đã làm mà có sao đâu! và họ cũng không suy nghĩ nhiều bởi mục đích chính là làm đẹp bằng mọi giá”.
Bác sĩ Cường lưu ý sự an toàn dựa trên các yếu tố: điều kiện sức khỏe bản thân; phương pháp thực hiện phù hợp cơ địa; địa điểm tiến hành bảo đảm trang thiết bị y tế đầy đủ; cuối cùng là tay nghề, trình độ chuyên môn của bác sĩ. Đồng thời, thông tin của khách hàng cung cấp hết sức quan trọng. Một số bệnh lý cần phải nói ngay với bác sĩ trước khi phẫu thuật, bao gồm các vấn đề dị ứng. Có thể là dị ứng thức ăn, không khí, bệnh liên quan như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, mẩn ngứa nổi mề đay… Bác sĩ sẽ cân nhắc có nên dùng kháng sinh hoặc những chất tiêm truyền vào cơ thể đối với những cơ địa dị ứng hay không.
Nhóm bệnh lý hết sức cần “tự thú” là các bệnh về hô hấp, tim mạch. Kế đến là tình trạng trễ kinh hoặc nghi ngờ mang thai. “Nếu biết đang trong thai kỳ, bác sĩ sẽ từ chối phẫu thuật. Trước một cuộc phẫu thuật đòi hỏi phải gây mê, bác sĩ luôn thực hiện bộ xét nghiệm tiền phẫu gồm công thức máu, chức năng gan, thận, chụp x-quang phổi, điện tâm đồ”, bác sĩ Cường cho hay.
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - lưu ý: bất kỳ kỹ thuật thẩm mỹ nào có xâm lấn vào cơ thể thì về mặt y khoa bao giờ cũng có rủi ro. Ngoài tình trạng sức khỏe phải thật sự bảo đảm cho ca phẫu thuật, nói ra các bệnh lý tiền căn, hiện tượng dị ứng, còn một cảnh báo từ kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành gây mê hồi sức. Sau một hành trình dài di chuyển từ xa về, nhất là người vừa xuống máy bay, mà tới ngay cơ sở nào đó để thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, hay chỉ là một can thiệp có xâm lấn, thì có nguy cơ dễ dẫn đến thuyên tắc phổi. Đây là tình trạng khẩn cấp trong y khoa gây tắc mạch máu phổi, suy hô hấp… nguy cơ tử vong cao.
Xem kỹ tính pháp lý của cơ sở thẩm mỹ
Bác sĩ Tăng Chí Thượng lưu ý: “Người dân cần biết các quy định pháp luật về phẫu thuật thẩm mỹ. Trước khi làm bất cứ thủ thuật nào can thiệp trên người phải yêu cầu cơ sở giải thích, cho mình xem và đồng ý, đọc kỹ rồi ký cam kết phẫu thuật”.
Việc tư vấn phải do bác sĩ có phép hành nghề chuyên ngành tiến hành giúp người có nhu cầu thẩm mỹ chọn phương pháp, kỹ thuật. Nếu nghi ngờ người tư vấn không phải bác sĩ thì phải hỏi cho ra. Hoặc người dân có thể tra cứu vào cổng thông tin điện tử của Sở Y tế trong mục “Tra cứu hoạt động khám chữa bệnh”. Chỉ cần gõ họ tên, công cụ này sẽ hiện ra người đó có chứng chỉ hành nghề hay không.
“Ngành y tế chỉ cấp phép phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ. Các cơ sở làm dịch vụ thẩm mỹ như xăm, phun, chăm sóc da, spa, thẩm mỹ viện… không phải cơ sở y tế và chắc chắn không được phép sử dụng thuốc hoặc không được tiêm bất cứ thuốc gì vào cơ thể. Nếu đến những cơ sở này mà họ đòi tiêm chích bất cứ thứ gì phải yêu cầu cho xem giấy phép thế nào”, bác sĩ Thượng cho hay.
Tại những cơ sở do ngành y tế cấp phép, người dân cần lưu ý phạm vi kỹ thuật mà họ được cho phép thực hiện. Ví dụ có phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ chỉ được làm những kỹ thuật xâm lấn nhỏ ở vùng mặt như cắt mí mắt, nâng mũi, căng da… chứ chưa có phép thẩm định thực hiện bất kỳ kỹ thuật nào lớn hơn cần phải gây mê như hút mỡ bụng, nâng ngực. Việc đặt nghi vấn là cần thiết và có thể tra cứu phép của cơ sở cũng qua cổng thông tin của Sở Y tế nêu trên.
Độ tuổi đi làm đẹp đang trẻ hóa
Tại hội thảo An toàn trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ tổ chức cuối tháng 11 vừa qua ở TP.HCM, các chuyên gia cho biết, nhu cầu thẩm mỹ ở Việt Nam đang tăng nhanh. Nếu tính riêng TP.HCM, mỗi năm có khoảng 250.000 người thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ, trong đó có khoảng 100.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ, với độ tuổi trung bình từ 25-35 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, độ tuổi này ngày càng trẻ hóa, đang rơi vào lứa tuổi 18-19.
Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, cả nước có hơn 20 bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện, 320 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân và 479 phòng khám da liễu có thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ, cùng hàng ngàn cơ sở chăm sóc da ngoài sự quản lý của ngành y tế. Bên cạnh những thành quả mà người hành nghề thẩm mỹ đem lại, thực tế đã xảy ra những biến chứng, tai biến không mong muốn từ nhiều nguyên nhân khác nhau...
Trước thực trạng quản lý, kiểm định nước sinh hoạt ở chung cư còn nhiều bất cập khiến chất lượng nước chưa bảo đảm, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp.