Báo Phụ Nữ TP.HCM xin gửi đến độc giả những phân tích, nhận định của tiến sĩ Trần Công Trục về hành vi của Trung Quốc trong thời gian qua bất chấp Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
|
Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ |
Vùng đặc quyền kinh tế có quy chế pháp lý đặc trưng
Từ tháng Bảy đến nay, Trung Quốc đã hai lần đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu hải giám có vũ trang xâm phạm khu vực bãi Tư Chính của nước ta.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: khu vực bãi Tư Chính là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, được xác định theo các quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Việc Trung Quốc đưa nhóm tàu của họ vào bãi Tư Chính tiến hành các hoạt động thăm dò mà không được sự cho phép của Việt Nam là đã xâm phạm vùng thềm lục địa, xâm phạm EEZ thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Sự việc mới, nhưng bản chất thì không đổi, vì nhiều năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ để Biển Đông yên ả.
Vừa qua, họ còn liên tục nhòm ngó, lượn lờ ở các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Philippines, Malaysia tuyên bố có quyền chủ quyền, quyền tài phán. Và nay là khu vực bãi Tư Chính, nằm trong vùng EEZ của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang có thế mạnh là chính nghĩa, có những cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích và quyền lợi ích của chúng ta.
Tiến sĩ Trần Công Trục sinh năm 1943, tốt nghiệp Trường đại học Ngoại thương.
Năm 1971, ông rời vị trí công tác tại Bộ Ngoại thương (cũ), lên đường nhập ngũ.
Trên đường hành quân vào chiến trường B, ông nhận được lệnh quay ra Bắc, về Bộ Tư lệnh Hải quân nhận nhiệm vụ mới.
Từ đây, ông bắt đầu nghiên cứu về biển đảo. Sau này, ông được cử làm biệt phái viên Ban Biên giới Chính phủ.
Năm 1995, ông nhận nhiệm vụ Trưởng ban Biên giới Chính phủ và nắm giữ cương vị đó cho đến ngày nghỉ hưu.
30 năm gắn bó với công tác biên giới, lãnh thổ quốc gia, tiến sĩ Trần Công Trục đã để lại những dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo.
|
Nếu nói “chủ quyền biển đảo” là chỉ nói đến 12 hải lý gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chỉ nói “chủ quyền biển đảo” là sẽ bỏ mất vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Bởi UNCLOS 1982 đã có những quy định tạo điều kiện rất chính xác cho các quốc gia xác lập vùng biển gồm các vùng (từ gần bờ ra xa bờ): nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trong đó, nội thủy và lãnh hải được gọi là lãnh thổ biển. Còn vùng tiếp giáp lãnh hải chính là biên giới quốc gia trên biển.
Từ biên giới quốc gia trên biển trở vào thuộc lãnh thổ biển của quốc gia ven biển, thuộc chủ quyền hoàn toàn, thậm chí tuyệt đối của quốc gia đó.
Các ứng xử của những quốc gia ven biển khi bảo vệ chủ quyền vùng biển của mình cũng giống như bảo vệ lãnh thổ đất liền.
Với mọi hành vi vi phạm biên giới quốc gia, các lực lượng vũ trang, các lực lượng chấp pháp trên biển đều có quyền hành xử mạnh mẽ, cương quyết để đẩy lùi sự xâm lược đó.
Nhưng, với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì khác. Đó là vùng ta có quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Quyền chủ quyền là các quyền ta được hưởng trên cơ sở chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, cũng như đối với những hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó vì mục đích kinh tế, bao gồm cả việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu, gió...
Còn quyền tài phán là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển được quy định, cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo các thiết bị và công trình; nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
Khi ta thực hiện quyền chủ quyền, ta phải tôn trọng quyền của các quốc gia, như quyền tự do hàng hải, tự do hàng không…
Vùng đặc quyền kinh tế có quy chế pháp lý đặc trưng như vậy, nên khi hành xử với những hành vi xảy ra trong vùng này, UNCLOS 1982 nghiêm cấm việc sử dụng lực lượng vũ trang như hải quân để tiến hành việc quản lý, mà chỉ được phép dùng các lực lượng chấp pháp như cảnh sát biển, kiểm ngư.
Vừa rồi, chúng ta chưa sử dụng hải quân mà chỉ sử dụng lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư là vì thế. Chúng ta chỉ ngăn chặn sai phạm bằng các thủ tục pháp lý theo quy định của UNCLOS 1982.
Theo đó, nếu kiểm tra tàu dừng lại khi đi qua vùng đặc quyền kinh tế mà anh không chứng minh được những sai phạm của họ đối với vùng thuộc quyền chủ quyền của anh thì anh phải bồi thường.
Còn nếu phát hiện sai phạm, anh phải lập biên bản, phải dẫn độ về đất liền. Sau đó, phải đưa ra tòa xét xử. Khi có phán quyết của tòa thì các đối tượng vi phạm mới phải chấp hành các phán quyết đó.
Tất nhiên, trong quá trình xử, phải có sự chứng kiến, chứng giám của cơ quan lãnh sự quốc gia có tàu vi phạm. Thậm chí, trong thời gian điều tra, nếu cơ quan lãnh sự có tàu vi phạm đó nộp tiền bảo lãnh thì anh phải thả vô điều kiện.
UNCLOS 1982 còn nghiêm cấm giam cầm, đánh đập, tống tiền, phá hủy các phương tiện… trong quá trình dẫn độ. Nếu anh thực hiện các hành vi trên, thì đó sẽ là hành vi cướp biển.
|
Sơ đồ các vùng biển của quốc gia ven biển, xác định theo UNCLOS 1982 |
Cẩn trọng trong việc sử dụng bản đồ và vấn đề “chủ quyền lịch sử”
Trong việc nói về quyền lãnh thổ đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, lập trường của Việt Nam rất rõ ràng.
Chúng ta nói Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, kể từ khi nó còn là đất vô chủ - ít nhất là từ thế kỷ XVII.
Việc chiếm hữu này thật sự rõ ràng, liên tục và hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành, nguyên tắc chiếm hữu thực sự của luật pháp quốc tế. Và Việt Nam có đầy đủ các chứng cớ lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh điều đó.
Tôi không phủ nhận công lao của những nhà nghiên cứu lịch sử về quá trình ông cha ta ra biển và đổ mồ hôi xương máu. Tôi chỉ muốn nói về phương diện pháp lý.
Trong cuộc đấu tranh pháp lý này, chúng ta phải cảnh giác. Nếu chúng ta đấu tranh mà thiên về vấn đề lịch sử và cho rằng chúng ta có chủ quyền lịch sử, thì đó là sai lầm. Vì Trung Quốc cũng đang lợi dụng cái gọi là chủ quyền lịch sử để chứng minh họ có chủ quyền.
Chúng ta không nên sa đà vào vấn đề “chủ quyền lịch sử”, đưa ra các tài liệu lịch sử để khẳng định. Bởi nếu xét theo nguyên tắc “chủ quyền lịch sử”, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vì nếu dựa vào lịch sử để chứng minh chủ quyền thì rất nhiều quốc gia hiện nay không tồn tại, kể cả Trung Quốc!
Nên, chúng ta phải căn cứ vào các nguyên tắc pháp lý hiện hành để chứng minh ta giữ vững và thực thi chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ như thế nào. Điều đó phù hợp với những nguyên tắc đương thời.
Tôi đã đọc rất nhiều tài liệu liên quan và thấy nhiều người vui mừng, hân hoan khi đưa được tấm bản đồ thể hiện nội dung: ngày xưa, khi các nước phương Tây đi qua, đã vẽ bản đồ A, bản đồ B. Và từ đó, người ta khẳng định bản đồ ấy là bằng chứng hùng hồn cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Họ không hiểu rằng, khi ta khẳng định điều đó cũng là khi Trung Quốc mừng thầm trong bụng, thậm chí họ còn hoan nghênh, vì Trung Quốc đang muốn mượn cách nói của người phương Tây để “nhận vơ” chủ quyền (người phương Tây bao năm vẫn gọi Biển Đông là South China Sea).
Nên việc dùng bản đồ để khẳng định là lợi bất cập hại. Thậm chí, nhiều học giả đã nhận định, Trung Quốc đang sử dụng bản đồ để thực hiện cuộc “chiến tranh xâm lược bằng bản đồ”.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận có những tài liệu có giá trị pháp lý, nhưng không có nghĩa tất cả các tài liệu đều có giá trị pháp lý.
|
Năm 2014, Trung Quốc đã giăng nhiều “bẫy kép” pháp lý khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 cách đảo Tri Tôn - đảo nằm ở cực nam của Hoàng Sa chỉ 18 hải lý |
Những “bẫy kép” nham hiểm
Trung Quốc, như chúng ta biết, họ có rất nhiều mưu mẹo. Lịch sử của họ là thế. Binh pháp Tôn Tử của họ có 36 kế, không chỉ là “pháp” trong lĩnh vực quân sự và phạm vi đất nước Trung Hoa.
Những hành động của họ ở bãi Tư Chính vừa rồi chính là kế “hỗn thủy mạc ngư” - tạo khuấy động, lộn xộn để bắt cá - và rất nhiều kế khác nữa.
Họ tạo ra sự bất ổn, bất an trong hoạt động khai thác chính đáng, hợp pháp của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế cũng như hoạt động hợp tác khai thác kinh tế trên vùng đặc quyền này giữa Việt Nam và các đối tác.
Điều này có thể gây khó khăn cho chúng ta cả trước mắt và lâu dài. Quan trọng hơn, từ sự bất ổn trên biển mà họ khuấy lên, nếu chúng ta không tỉnh táo thì các thế lực xấu sẽ tạo cớ gây bất ổn trong xã hội, lợi dụng để kích động, phá hoại tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...
Cả hai điều đó đều nhằm mục đích làm cho ta bất ổn, suy yếu hoặc không cho chúng ta mạnh lên. Cũng không loại trừ từ đó, chúng ta bị ràng buộc, phải nhượng bộ ở những dự án, chương trình hợp tác nào đó.
Để thoát khỏi “bẫy”, đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ. Từng người dân cần phải tỉnh táo, nắm vững pháp lý để nhận ra “bẫy” chứ không nên cảm xúc, dù cảm xúc yêu nước là giá trị mà chúng ta cần phải phát huy.
Chúng ta cần trang bị nhận thức, trình độ thì mới phát hiện ra bẫy thật, bẫy giả. Còn nếu chỉ bằng tình cảm, bằng tinh thần hăng hái, xung phong thì sẽ vướng phải mũi tên hòn đạn bọc đường.
Ví dụ, nếu có được kiến thức, hiểu biết đúng đắn, thì sẽ không xảy ra những cuộc lộn xộn không đáng có như năm 2014.
Năm đó, Trung Quốc đã tính toán rất kỹ lưỡng khi chọn vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981. Đây là vị trí rất nhạy cảm, cách đảo Tri Tôn - đảo nằm ở cực nam của Hoàng Sa 18 hải lý, có nghĩa là đã nằm ngoài lãnh hải tối đa 12 hải lý.
Họ đặt giàn khoan chỉ cách 6 hải lý so với tiêu chuẩn tối đa 12 hải lý mà UNCLOS 1982 quy định đối với các đảo quá nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống dân cư và không có đời sống kinh tế riêng.
Trung Quốc đã giăng cái “bẫy” này hòng hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò”. Họ muốn vẽ đường cơ sở của quần đảo này như là đường cơ sở quốc gia quần đảo, bằng cách nối tất cả các thực thể địa lý nhô ra của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (họ cưỡng chiếm và gọi là Tây Sa).
Họ làm vậy để cho rằng quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Đây là họ đang cố tình giải thích sai, áp dụng sai UNCLOS 1982, vì chỉ có quốc gia quần đảo mới được áp dụng quy định nối điểm chứ không được áp dụng đối với đảo xa bờ.
Khi đó, nếu ta tuyên bố giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là ta mắc “bẫy”, vì nói vậy cũng có nghĩa là thừa nhận các thực thể địa lý của quần đảo này có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Nhưng nếu ta chỉ nói giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam thì Trung Quốc lại sử dụng cái “bẫy” khác, rằng họ đặt giàn khoan vào vùng quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam không hề phản đối, tức là Việt Nam thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo mà họ gọi là Tây Sa.
Đó là “bẫy kép” về pháp lý rất tinh vi mà Trung Quốc đã giăng ra, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu của “mũi tấn công mềm” mang tên Hải Dương 981.
Lần này là với bãi Tư Chính - vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Việc Trung Quốc ngang ngược đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu hải giám có vũ trang xâm phạm chính là cách họ cố tình lặp lại những cái “bẫy” như năm 2014.
Đó là “bẫy” pháp lý đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Trung Quốc cố tình gọi là Nam Sa).
Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nhưng họ cố tình coi Tư Chính là bộ phận của “quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”, cố tình coi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa xung quanh bãi Tư Chính là “vùng biển phụ cận”, “vùng biển liên quan” của quần đảo này. Rồi từ đó, họ có thể lớn tiếng đòi hỏi, lên giọng hòa hảo đề nghị “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
Nhưng, Việt Nam không bao giờ chấp nhận sự cố tình gán ghép đó. Vì bãi Tư Chính hoàn toàn không phải là vùng biển tranh chấp, càng không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa, cũng không thể là “vùng biển phụ cận”, “vùng biển liên quan” của quần đảo này.
Họ “khuấy” khu vực bãi Tư Chính, ngày càng ngạo ngược, một phần quan trọng cũng là hòng trong đất liền, ta “sập bẫy”, xáo động như năm 2014.
Tất cả đều là những tính toán bài bản mà Trung Quốc giăng ra, không chỉ trên Biển Đông. Nên, để tránh được những “bẫy kép” nham hiểm đó, điều cần thiết là chúng ta phải tỉnh táo, cảnh giác và tiếp nhận kiến thức pháp lý đúng đắn để có những hành động chính xác, phù hợp.
Tiến sĩ Trần Công Trục