Hiệu quả lớn từ mô hình lớp học số

11/01/2025 - 06:17

PNO - Sáng 9/1, Sở GD-ĐT TPHCM sơ kết việc thực hiện lớp học số. Đây là mô hình đã mang đến nhiều lợi ích cho cả học sinh và giáo viên.

Chất lượng học sinh được nâng cao

Mô hình lần đầu tiên được tổ chức tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trường tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) vào năm học 2022-2023, ở 2 môn tin học, tiếng Anh của lớp Ba. 2 trường đều ở xa trung tâm, thiếu giáo viên nhưng lại khó tuyển dụng, điều chuyển giáo viên nơi khác đến. Khi triển khai lớp học số, học sinh được học với giáo viên thỉnh giảng qua màn hình máy chiếu và giáo viên chủ nhiệm trợ giảng trực tiếp tại lớp.

Một tiết học số tại Trường tiểu học Trung Lập Thượng - ẢNH: N.Q.
Một tiết học số tại Trường tiểu học Trung Lập Thượng - Ảnh: N.Q.

Sau 2 năm, ông Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Thượng - cho biết, lớp học số đã giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên. Các giáo viên đứng lớp đã tăng cường đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Học sinh rất hứng thú với mô hình học tập mới, tích cực làm việc nhóm và giao tiếp với giáo viên bằng tiếng Anh. “Học sinh toàn trường đã được học tiếng Anh và tin học theo chương trình mới và đạt kết quả tốt. 95% học sinh đạt yêu cầu về kỹ năng sử dụng phần mềm học tập trực tuyến, 80% học sinh có thể thực hiện các thao tác cơ bản với máy tính” - ông thông tin.

Ông Lê Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh An - cũng cho biết, những bài giảng sinh động, hấp dẫn, có tính tương tác cao của giáo viên thỉnh giảng đã giúp học sinh được tiếp cận, học tập tiếng Anh một cách tích cực. Nhờ đó, chất lượng kiểm tra đánh giá cuối học kỳ II năm học 2023-2024 tăng lên so với năm học trước. 100% học sinh đạt từ 5 điểm trở lên. Đặc biệt, năm học vừa qua, trường tham gia hội thi phim tiếng Anh cấp tiểu học đoạt giải Nhì cấp huyện và đoạt giải Khuyến khích cấp thành phố.

Ngoài 2 trường học trên, năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TPHCM đã mở rộng mô hình, không chỉ hỗ trợ cho học sinh trên địa bàn mà còn cả học sinh của 2 huyện Mường Khương và Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Cụ thể, những trường học tại TPHCM có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên sẽ xây dựng tiết học số để hỗ trợ các trường tại tỉnh bạn. Đến năm học này, đã có 8 trường của thành phố hỗ trợ cho một số trường tiểu học tại tỉnh Lào Cai, Điện Biên và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Lê Quang Vinh - Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên - cho hay: “Học kỳ I vừa qua, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) - nơi được hỗ trợ bởi Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TPHCM) - đã có 6 học sinh tham gia thi IOE (cuộc thi Olympic tiếng Anh do Bộ GD-ĐT tổ chức) cấp trường và 3 học sinh thi IOE cấp huyện. Niềm tin của người dân đối với trường được nâng lên. Họ yên tâm cho con em đi học và tin tưởng học sinh được phát triển toàn diện cả về kiến thức, năng lực và phẩm chất”.

Đề xuất bổ sung chế độ cho giáo viên

Là một trong 8 trường của thành phố hỗ trợ trường học khác, đại diện Trường tiểu học Kỳ Đồng (quận 3) nhận định, lớp học số phụ thuộc nhiều vào đường truyền internet và thiết bị phòng thu nên chỉ 1 trục trặc kỹ thuật nhỏ hoặc âm thanh bên ngoài quá to cũng ảnh hưởng đến thời lượng, chất lượng tiết dạy. Một số thiết bị bố trí chưa hợp lý khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc theo dõi học sinh. Mặt khác, giáo viên mất nhiều thời gian cho tiết dạy do khoảng cách di chuyển đến địa điểm ghi hình khá xa trong điều kiện giao thông thường xuyên kẹt xe. Do đó, trường mong các đơn vị xem xét phương án nâng cấp khả năng cách âm của phòng dạy, sắp xếp lại vị trí máy quay, lắp đặt thêm màn hình, bàn phím, chuột máy tính để nhân viên kỹ thuật có thể nhanh chóng hỗ trợ giáo viên xử lý các sự cố kỹ thuật.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhận định, việc triển khai lớp học số tại TPHCM vẫn còn một vài khó khăn, vướng mắc. Nhiều nơi nhìn thấy việc thiếu giáo viên nhưng không chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và đề nghị các cấp lãnh đạo đầu tư xây dựng lớp học số. Thành phố cũng chưa khai thác hết tiềm năng của hệ thống cơ sở vật chất, dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư và tạo áp lực chi phí triển khai lớp học số hằng tháng. Việc sắp xếp thời khóa biểu dạy học và điều phối giáo viên chưa hợp lý. Một số phòng học xuống cấp, thiếu thiết bị giảng dạy, kết nối internet thiếu ổn định.

Ông đề nghị: “Với những khó khăn về chế độ, chính sách cho giáo viên lớp học số, Sở GD-ĐT đang nghiên cứu các quy định hiện hành để hỗ trợ, đồng thời kiến nghị Bộ GD-ĐT bổ sung chế độ cho thầy cô. Còn những khó khăn về cơ sở hạ tầng, sắp xếp thời khóa biểu, các trường cần linh động theo điều kiện của từng đơn vị”. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TPHCM cũng đề xuất UBND thành phố cấp kinh phí trang bị lớp học số cho các trường thuộc địa bàn khó khăn.

Thời gian tới, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục xây dựng các tiết học số với đội ngũ giáo viên giỏi, nội dung có chất lượng để học sinh hứng thú hơn trong học tập. Đồng thời, sở sẽ tổ chức nhiều đợt đánh giá, góp ý về tổ chức, quản lý, chuyên môn giảng dạy để cải tiến, mở rộng mô hình cả về số lượng trường và môn học.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI