Xếp hàng đầu trong chuỗi quan tâm của người dân về các chính sách có hiệu lực vào đầu năm 2019, chính là nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng giá từ 15/1 tới.
Luật gắn liền với lợi ích quốc gia và nhân dân
Theo Thông tư 39 thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc của Bộ Y tế, tiền khám bệnh tại các tuyến dao động 26.000-37.000 đồng/lượt khám, tăng khoảng 10%. Giá giường điều trị cũng tăng với tỷ lệ tương ứng.
Như mọi khi, Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá lần này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân BHYT, bởi BHXH sẽ chi trả cho phần giá tăng thêm này. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất tiếp tục là người không tham gia BHYT, sẽ phải chi trả toàn bộ phần tăng thêm.
Bên cạnh đó, từ 1/1/2019, 10 luật sẽ có hiệu lực thi hành. Đó là Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo, Luật Quy hoạch, Luật Quốc phòng, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Thể dục thể thao và Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch cùng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Chúng tôi xin điểm qua một vài luật mà người dân quan tâm.
Nhằm phòng ngừa, đấu tranh việc xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng, Luật An ninh mạng (có 7 chương, 43 điều) quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Với 9 chương 67 điều, Luật Tố cáo nhằm bảo vệ và tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo. Cụ thể, luật bổ sung quy định về tố cáo nặc danh; rút gọn trình tự giải quyết tố cáo chỉ còn 4 bước, thay vì 5 bước như quy định trước đây...
Một điểm mới, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận. Tuy nhiên, nếu lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo, thì người tố cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình.
Đến nay, luật vẫn quy định hai hình thức tố cáo bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp, chưa mở rộng hình thức tố cáo bằng fax hay email.
Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên biển và để nâng cao hiệu quả nghề khai thác biển góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho ngư dân, Luật Thủy sản đã bổ sung Chương Kiểm ngư nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cao nhất cho tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư Việt Nam.
Luật khẳng định kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Một trong những điểm mới của Luật Thể dục thể thao là quy định riêng nhằm thể chế hoá đường lối của Đảng, Nhà nước về vấn đề người khuyết tật, tạo mọi điều kiện để họ tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Ngoài 10 luật kể trên, cũng từ 1/1/2019, các quy định liên quan đến lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cũng có hiệu lực thi hành.
Thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm. Đây là những quy định tiến bộ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Tuy nhiên, khi hết thời hạn bảo vệ, nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ nêu trên.
“Sẵn sàng” cho khủng hoảng tài chính 2019?
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/2/2019 sau khi hai bên vừa phê chuẩn hiệp định này. Đây là bước tiến lớn mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác thương mại cũng như đầu tư giữa hai nền kinh tế chiếm 1/3 GDP thế giới.
Nhật Bản sẽ bãi bỏ thuế đối với khoảng 94% hàng hóa nhập khẩu từ EU như rượu vang và các sản phẩm pho mát, trong khi EU sẽ từng bước loại bỏ thuế quan đối với khoảng 99% hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, chẳng hạn như ô tô.
Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa EU và Nhật Bản đạt khoảng 152 tỷ USD và được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể sau khi FTA Nhật Bản - EU chính thức có hiệu lực.
Trước đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP-11) gồm 11 quốc gia đã chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12 ở 6 nước đầu tiên Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Mexico, Singapore. Sau 15 ngày kể từ thời điểm trên, TPP-11 với 13% GDP toàn cầu, sẽ có hiệu lực ở Việt Nam.
Dù thành viên thứ 12 là Mỹ đã vắng mặt trong năm 2017, gây trở ngại cho các cuộc đàm phán, nhưng các nước còn lại vẫn hưởng lợi từ các điều khoản mở cửa thị trường của TPP-11. Thỏa thuận thương mại đa phương này không chỉ xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa mà còn xóa bỏ rào cản đối với đầu tư, dịch vụ và dữ liệu, mở ra cơ hội trong bán lẻ, ngân hàng và thương mại điện tử.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm mới lại được Alex Williams - chuyên gia phân tích của The New York Times - vẽ ra không mấy sáng sủa, thậm chí, đặt luôn câu hỏi: Bạn đã “sẵn sàng” cho khủng hoảng tài chính 2019?
Theo đó, sau “bữa tiệc” thị trường chứng khoán kéo dài một thập kỷ, chứng kiến các cổ phiếu cùng các chỉ số tạo ra khoảng 17 nghìn tỷ USD. Liệu điều này sẽ kéo dài? Nhưng trong những tháng gần đây, sự lo lắng về chu kỳ khủng hoảng kinh tế năm 1929, hoặc 1987, 2000 và 2008 đã trở nên rõ ràng không chỉ đối với người Mỹ mà có nghĩa là toàn cầu.
Cổ phiếu đã giảm 1,5% trong năm nay, sau khi đạt mức tăng chóng mặt vào đầu tháng 10. Các quỹ dự phòng đã có một năm tồi tệ nhất, kể từ cuộc khủng hoảng 10 năm trước. Và nợ của hộ gia đình phải trả so với GDP tại Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục 13,5 nghìn tỷ đô la, tăng 837 tỷ so với mức đỉnh trước những cuộc đại suy thoái.
Sau một thập kỷ ngân hàng hạ lãi suất thấp đã thúc đẩy sự tăng vọt của cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác, thì khả năng bong bóng nợ tài chính toàn cầu sẽ xảy ra? Điều gì có thể minh chứng? Có thể không có gì. Chỉ có thời gian mới biết được bong bóng có nổ hay không. Nhưng Alex Williams có thể đưa ra 5 kịch bản u ám tại Hoa Kỳ.
Xếp vị trí thứ năm là vấn đề nợ học phí đại học, chủ đề được nhắc nhiều trên báo chí Mỹ cuối năm 2018. Lo lắng về các khoản thế chấp nợ xấu đã được thay bằng núi nợ sinh viên. Người ta đã đặt cược 1,5 nghìn tỷ USD cho các thế hệ thanh niên thiếu việc làm. Rất nhiều người trong số vay học phí đã không thể hoặc không cần trả nợ. Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang cho biết, gần 20% khoản vay của sinh viên đã quá hạn. Con số có thể tăng lên 40% vào năm 2023.
Rất nhiều khoản mang tính chất nợ chính phủ liên bang, do đó, không có khả năng ảnh hưởng hệ thống ngân hàng. Thế nhưng, gánh nặng nợ nần này đã bắt đầu xóa sạch thế hệ người mua nhà và xe hơi. Kết quả, một thế hệ được đào tạo tốt nhưng thiếu việc làm từ hàng thập kỷ coi trọng giáo dục đại học trên hết, có thể kéo xuống một nền kinh tế.
Thứ tư, vấn đề Trung Quốc, nơi đã sử dụng nhiều xi măng hơn chỉ trong ba năm đầu thập kỷ gần đây so với Hoa Kỳ. Trung Quốc đã dành hàng núi tiền mặt để xây dựng sân bay, nhà máy và toàn bộ thành phố và hiện được gọi là “thành phố ma” với tập trung nhiều tòa nhà chọc trời, tháp căn hộ.
Kết quả là một quốc gia có siêu dân số 1,4 tỷ người và cũng là đất nước siêu nợ. Mọi thứ diễn ra từ đây là không thể dự đoán được.
Chưa kể, việc Tổng thống Trump trêu chọc một cuộc chiến thương mại dường như đang đe dọa nền kinh tế lớn, dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc, theo Alex Williams, thì thế giới sẽ sớm có câu trả lời.
Lãi suất cực thấp sẽ không còn duy trì, là vấn đề thứ ba. Kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) bắt đầu in tiền với danh nghĩa là nới lỏng định lượng, để đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, “tiền đã trở nên rẻ”, và dường như nợ vay tiêu dùng đang có thể là mối đe dọa lớn.
FED đã tăng lãi suất và tăng thị trường để ngăn chặn lạm phát và các nguy cơ tiềm năng khác. Đây có phải là điều phù hợp quá mức của sự tỉnh táo tài chính? Hoặc sẽ tương đương với việc lấy đi chén bát khi bữa tiệc mới khủng hoảng bắt đầu?
Đứng thứ hai, khả năng Ý ra khỏi EU (Italexit hay Quitaly). Kể từ khi Anh bỏ phiếu rời khỏi liên minh trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016, người châu Âu đã bắt đầu có trò chơi đoán xem ai sẽ là kẻ tiếp theo.
Có thể đó là Pháp với Frexit, nơi bị thúc đẩy ra khỏi EU bởi những người theo chủ nghĩa dân tộc? Một ứng viên nữa là Hà Lan với thái độ chống nhập cư?
Gần đây, nỗi sợ hãi đã tập trung vào Ý. Các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy ở đây đã đe dọa sẽ từ bỏ đồng Euro, hoặc rời khỏi Liên minh châu Âu, trong một cuộc tranh cãi với các nước láng giềng về chi tiêu thâm hụt, di cư và bất cứ điều gì khác làm họ bị dân chúng quay lưng với phiếu bầu.
Sự hỗn loạn đã gợn qua các thị trường toàn cầu trong năm qua. Trong những tháng gần đây, những người theo chủ nghĩa dân túy Ý vẫn đang thực hiện các mối đe dọa âm thầm để phá vỡ liên minh.
Và kịch bản cuối cùng, cuộc nổi dậy chống tỷ phú trên khắp nước Mỹ có thể xảy ra. Bây giờ người ta thấy rủi ro ở mọi nơi. Đối với các nhà đầu tư chứng khoán Hoa Kỳ, triển vọng chính trị và kinh tế đột nhiên trở nên đáng ngại. Nhiều biến động có thể có trong năm 2019.
Quốc Ngọc tổng hợp