Quy định tăng tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 khiến nhiều lao động nữ băn khoăn. Về vấn đề này, ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TPHCM - đã có những trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM.
Phóng viên: Thưa ông, nhiều nữ giáo viên và nữ công nhân vệ sinh băn khoăn: ở tuổi 50 trở đi, sức khỏe của không ít người suy giảm, không đảm bảo được công việc, họ có được nghỉ hưu sớm không?
Ông Trần Dũng Hà: Khoản 2 Điều 169 và Điều 219 Bộ luật Lao động quy định: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”. Việc nâng tuổi nghỉ hưu (áp dụng cho cả nam và nữ) thực hiện từ năm 2021 trở đi và theo lộ trình. Giáo viên bị suy giảm sức khỏe từ 61% trở lên thì vẫn được nghỉ hưu trước tuổi quy định.
|
Người lao động làm thủ tục bảo hiểm xã hội tại bộ phận làm việc “một cửa” của Bảo hiểm xã hội TPHCM |
Ngoài những quy định trên thì khoản 3 Điều 169 và điểm b Điều 219 Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều 54 Luật BHXH cũng quy định điều kiện hưởng lương hưu với người đủ tuổi theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (thuộc danh mục do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành) thì người lao động làm công việc quét rác đường phố thuộc đối tượng này.
Như vậy, những công nhân vệ sinh đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên và có đủ 15 năm làm nghề thì sẽ được nghỉ hưu sớm hơn tuổi nghỉ hưu quy định.
* Cần những thủ tục gì để được nghỉ hưu trước tuổi? Khi thấy có vấn đề về sức khỏe, cá nhân có thể tự đi giám định y khoa về sức khỏe để bổ sung vào hồ sơ xin nghỉ hưu, hưởng lương hưu trước tuổi hay không?
- Hồ sơ giải quyết nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, gồm:
+ Đối với người đang tham gia BHXH bắt buộc: sổ BHXH, quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí, biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
+ Đối với người bảo lưu thời gian tham gia BHXH: sổ BHXH, đơn đề nghị mẫu số 14-HSB, biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
Về giám định mức suy giảm khả năng lao động:
+ Đối với người đang tham gia BHXH bắt buộc: đơn vị sử dụng lao động sẽ giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật BHXH.
+ Đối với người bảo lưu thời gian tham gia BHXH: người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng BHXH theo quy định tại khoản 5, Điều 18, Luật BHXH.
* Khi về hưu trước tuổi, người lao động có được hưởng lương hưu ngay hay phải chờ đến 60 tuổi? Trường hợp nào phải chờ đủ điều kiện để hưởng lương hưu? Trong giai đoạn chờ đủ điều kiện, nếu người lao động tử vong thì chế độ được giải quyết thế nào?
- Người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi quy định sẽ được hưởng lương hưu ngay mà không phải chờ hết tuổi lao động. Các trường hợp chờ đủ điều kiện để nghỉ hưu là do chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Trong thời gian chờ đủ điều kiện để hưởng lương hưu mà người lao động chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất, gồm:
+ Trợ cấp mai táng: Người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà đã có thời gian đóng từ đủ 12 tháng trở lên, khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở theo quy định tại Điều 66 Luật BHXH.
+ Trợ cấp tuất: Người lao động đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần khi chết thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng, gồm: vợ/chồng, cha mẹ ruột hoặc cha mẹ vợ/chồng hết tuổi lao động không có nguồn thu nhập hoặc thu nhập dưới mức lương cơ sở; con dưới 18 tuổi hoặc thân nhân là vợ/chồng, cha mẹ ruột hoặc cha mẹ vợ/chồng hoặc người khác khi còn sống có trách nhiệm nuôi dưỡng chưa hết tuổi lao động mà có mức suy giảm khả năng lao động 81% trở lên.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 67 Luật BHXH, trong trường hợp này, thân nhân của người lao động đã mất cũng có thể chọn hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp thân nhân có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc còn con dưới 6 tuổi.
* Theo ông, lao động nữ có nên nghỉ hưu trước tuổi không?
- Theo Luật BHXH thì mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH. Những người nghỉ hưu trước tuổi thường có mức lương hưu thấp hơn những người nghỉ hưu đúng tuổi do thời gian đóng BHXH ít hơn và còn bị trừ tỷ lệ % lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi quy định.
Về tăng tuổi hưu (cả nam và nữ) là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thách thức từ già hóa dân số, bảo đảm tính bền vững của quỹ bảo hiểm, thúc đẩy bình đẳng giới qua việc thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ… Điều này phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH và xu hướng phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh việc tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ luật Lao động cũng vẫn quy định các trường hợp được nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm sức khỏe, làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đồng thời, theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải bố trí công việc phù hợp với tuổi tác, sức khỏe của người lao động.
Chính vì vậy, nghỉ hưu sớm hay tiếp tục làm việc đến ngày đủ tuổi là do sự lựa chọn và quyết định của người lao động căn cứ trên tình hình sức khỏe và nguyện vọng của chính mình.
* Xin cảm ơn ông.
Diễm Chi (thực hiện)