Hiểu để yêu hơn tiếng Việt

29/06/2024 - 10:50

PNO - Đã 400 năm (1624-2024) kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Jeronimo Maiorica đặt chân đến nước ta, đó là một hành trình dài cho sự khởi đầu và phát triển kỳ diệu của chữ Quốc ngữ. Mới đây, một số tác phẩm mới về kết quả nghiên cứu chữ Quốc ngữ được ra mắt, giúp độc giả hiểu hơn và từ đó, yêu hơn tiếng Việt.

Chặng đường dài

Một trong số đó là tác phẩm Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919) của tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly do Omega+ và Nhà xuất bản (NXB) Văn học ấn hành, Thanh Thư dịch. Đây là tác phẩm được phát triển từ luận án tiến sĩ mà nữ tác giả bảo vệ năm 2018 tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Pháp), sau đó được nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á trao giải luận án xuất sắc năm 2020; được hiệu chỉnh, xuất bản thành sách ở Pháp năm 2022. Công trình này được đánh giá là có tầm vóc, không những tiếp nối công trình của nhiều nhà nghiên cứu đi trước mà còn mang đến những lý giải mới về lịch sử hình thành, phát triển và biến đổi của chữ Quốc ngữ.

Các tác phẩm nghiên cứu về chữ Quốc ngữ ra mắt trong thời gian qua
Các tác phẩm nghiên cứu về chữ Quốc ngữ ra mắt trong thời gian qua

Trong sách, độc giả có thể thấy tác giả đã tiếp cận nguồn tư liệu đa dạng, không chỉ ở Roma (Vatican) như nhiều nghiên cứu trước đó, mà còn ở Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nhờ vậy, tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly đã mang đến những khẳng định mới, có phần khác biệt so với thế hệ đi trước. Chẳng hạn chị đã đặt sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ trong bối cảnh chung của ngữ học truyền giáo trên toàn thế giới, thay vì chỉ liên hệ với quá trình văn tự Latin hóa tiếng Nhật và tiếng Trung. Ngoài ra, chị cũng nhấn mạnh vào các mốc thời gian quan trọng, như chữ Latin đầu tiên xuất hiện trong văn bản từ năm 1617 thay vì là năm 1621, hay “hội nghị” đầu tiên về chữ Quốc ngữ của các thừa sai ở Macao (Trung Quốc) diễn ra vào năm 1630, góp phần rất lớn trong việc thống nhất cách ghi dấu câu…

Về mặt cá nhân, chị cũng nhấn mạnh vai trò của các thừa sai như António de Fontes - “cầu nối” của chữ Quốc ngữ giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài, hay Francisco de Pina - người có vai trò rất lớn trong việc tạo ra bản từ vựng tiếng Việt đầu tiên do các linh mục Dòng Tên thực hiện ở Đàng Trong… Tác giả cũng khẳng định lại vai trò của các chủng sinh người Việt trong công cuộc biên soạn từ điển Việt - La (1772-1773), bởi nhiều tài liệu cho rằng tác giả của công trình này là Pigneaux de Béhaine trong khi thực tế nó bắt nguồn từ tư duy làm từ điển của người bản xứ.

Với dấu mốc kết thúc nghiên cứu ở năm 1919 - thời điểm khoa thi Hội cuối cùng được tổ chức ở Kinh đô Huế, đòi hỏi người thi cần phải thông thạo chữ Hán - tác giả cũng nêu bật lên rất nhiều tranh cãi cũng như bước đường phát triển của chữ Quốc ngữ từ khi thực dân Pháp tiến vào nước ta. Như vậy, chữ Quốc ngữ từ một công cụ học tiếng của các thừa sai nước ngoài để truyền giáo đã chuyển thành công cụ trao đổi thông tin giữa các giáo sĩ, linh mục, giáo dân Việt Nam. Với sự xâm lược của thực dân Pháp, tiếng Việt đã được sử dụng như “bàn đạp” giúp xây dựng nên chế độ thuộc địa.

Cũng từ công trình rất đồ sộ này, với tâm niệm phổ biến kiến thức khoa học tới đại chúng, Phạm Thị Kiều Ly đã cho ra mắt những phiên bản dành cho đa dạng độc giả mà một trong số đó là thiếu nhi. Trước đó, trong năm 2023, cùng họa sĩ Tạ Huy Long, chị đã giới thiệu tác phẩm truyện tranh Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, do NXB Kim Đồng phát hành. Sắp tới đây, cuốn sách thứ hai - 100 câu hỏi về lịch sử chữ Quốc ngữ cũng sẽ được Omega+ và NXB Khoa học xã hội cho ra mắt dưới dạng hỏi đáp, cung cấp kiến thức quan trọng nhưng được tinh gọn, dễ theo dõi hơn.

Liên tục biến đổi

Với tác phẩm Tình ca Tiếng nước ta do NXB Trẻ ấn hành, thuộc tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp, tác giả Dương Thành Truyền đặt sự biến đổi của tiếng Việt trong thời đại internet và mạng xã hội ngày càng phát triển, kéo theo những hình thức mới của tiếng nước ta với những biến thể phong phú.

Tác giả đã chọn cách đắm mình vào tiếng Việt tràn đầy sự sống ngoài vỉa hè, trên mạng xã hội, từ báo chí, thể thao cho đến các tác phẩm văn chương đương đại, các ca khúc rap, thông điệp quảng cáo hay thậm chí là các cuộc “đấu khẩu” xảy ra thường ngày… Nhờ có sự quan sát bao quát cộng với tâm thế cởi mở khi đặt tiếng Việt trong sự phát triển nhanh chóng của đời sống và giao lưu văn hóa đa chiều, Tình ca Tiếng nước ta có được sự cập nhật và rất gần gũi với thế hệ trẻ.

Tác giả không những “đi lại từ đầu” khi chỉ ra những điểm đặc biệt như cách chơi chữ, đố chữ vận dụng chữ Hán - chữ Nôm, đọc thuận - đọc nghịch, các sáng tạo về thơ ca nhất âm, trùng các phụ âm, chơi đùa thanh điệu… từ ông cha ta, mà còn hướng đến thời điểm hiện tại, khi những “bài thơ ứng dụng” hay thơ “lục bát móc xích” ngày càng phổ biến. Ngoài ra, ông cũng khảo sát những đổi mới khác như cách nói ngược, đảo ngữ, lối nói kết hợp Anh - Việt, Hán - Việt… qua đó khẳng định sự biến đổi không ngừng của tiếng Việt. Mỗi một trường hợp đều được tác giả đính kèm với những ví dụ dễ đọc, dễ hiểu, “đâu đâu cũng cho ta cơ hội nhận ra vẻ đẹp, sự đặc sắc và sức mạnh diễn đạt của tiếng Việt, của văn hóa Việt”.

Các tác phẩm này giúp độc giả ngày càng hiểu hơn, từ đó thêm yêu và trân trọng tiếng Việt.

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhanvattacphamvi /strCate=nhanvattacpham

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvandevi /strCate=vande

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsangtacvi /strCate=sangtac

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATErubikvanhoavi /strCate=rubikvanhoa
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvanhoavi /strCate=vanhoa