Ở cạnh khu vực hồ Đá, Làng đại học Thủ Đức (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM), những năm qua, nhiều thế hệ sinh viên đã quen với hình ảnh chiếc chòi lá ọp ẹp, không vách ngăn, chằng chéo tạm bợ vào một gốc cây lớn, để mặc gió mưa lùa tứ phía.
|
Căn chòi tuềnh toàng nằm dưới gốc cây to là nơi trú ngụ nhiều năm nay của ông Minh "hiệp sĩ cô đơn" |
Bên trong chiếc chòi tuềnh toàng ấy là chốn nương thân của người đàn ông cô đơn Nguyễn Văn Minh, 56 tuổi. Với hoàn cảnh “5 không”: không quê quán, không gia đình, không vợ con, không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân, ông đã sống quãng đời hơn nửa thế kỷ phiêu bạt giữa màn trời chiếu đất.
Nhưng nhiều người biết đến ông chính là tấm lòng nghĩa hiệp của ông, là khắc tinh của tội phạm, bảo vệ bình yên cho sinh viên. Người ta đặt cho ông cái danh “Minh cô đơn” hay “hiệp sĩ cô đơn giữa làng đại học”.
Năm 30 tuổi, ông lưu lạc lên Sài Gòn và sống lang thang ở khu trường bắn Long Bình (quận 9), sau đó dạt về khu vực Làng đại học Thủ Đức và sinh sống tại đây cho đến nay.
|
Căn chòi gió mưa lùa tứ phía |
“Tôi sinh ra trong thời chiến tranh, năm 3 tuổi bị lạc cha mẹ. Tôi được một người phụ nữ ở Long An thương tình đem về nuôi. Đến năm 9 tuổi, mẹ nuôi qua đời, tôi về quê mẹ nuôi định nương nhờ, nhưng các con bà bảo mẹ mất rồi, không biết tôi là ai nên không cho tá túc. Bỏ nhà mẹ nuôi, ban đầu tôi xuống bắc Mỹ Thuận ở dưới đó mười mấy năm. Còn nhỏ thì đi ăn xin, lớn lên một chút thì lượm ve chai hoặc ai thuê gì làm nấy. Ngày lang thang, tối đến nằm đâu ngủ đó” - ông Minh nhớ lại.
|
Ông Minh buộc dây nhợ chằng chịt để tránh gió mưa |
Ban ngày, ông Minh “cô đơn” hành nghề chạy xe ôm, tối đi kiếm ve chai mưu sinh. Dù bản thân cô độc, lủi thủi một mình trong căn chòi rách, nhưng ông thích hành hiệp trượng nghĩa, trở thành khắc tinh tội phạm khu vực làng đại học. Suối từ đó đến nay, Minh “hiệp sĩ” đã ngăn chặn hàng chục vụ cướp giật, trộm cắp, xin đểu, sàm sỡ sinh viên.
|
Suốt bao năm nay, ông Minh cô quạnh trên chiếc võng đong đưa như chính cuộc đời phiêu dạt của mình |
Bên căn chòi, rít điếu thuốc phả làn khói quyện trong gió, ông vạch cho chúng tôi xem những vết thẹo chi chít ở chân, tay: dấu ấn của những vụ cướp giật, trộm cắp, xin đểu… mà ông đã phát hiện, ngăn chặn và bị kẻ xấu chống trả.
“Một lần đi nhặt ve chai, tôi gặp cảnh hai tên cướp đang dí dao vào cổ khống chế đôi nam nữ sinh viên tại khu vực hồ Đá. Tôi lao tới ngăn cản thì chúng chống trả. Vụ cướp không thành nhưng tôi bị chúng cắt một nhát đứt cọng gân tay phải” – ông Minh kể.
|
Tấm bằng khen của Làng đại học Thủ Đức trao tặng cho ông vì thành tích giữ gìn an ninh trật tự cho khu vực |
Dù bị thương tích nhiều lần, nhưng máu trượng nghĩa, người đàn ông mang danh “hiệp sĩ cô đơn” hàng ngày vẫn rong ruổi khắp nẻo đường để phát hiện kẻ gian, bảo vệ sinh viên, người đi đường, không đòi hỏi một đồng tiền công nào từ những người gặp nạn.
Ông bảo: “Khu vực này phức tạp, nhưng tại vì tôi không vợ con, không gia đình nên tôi coi mấy đứa sinh viên như con như cháu mình vậy, nên tôi phải ra tay trừng trị, không tha cho kẻ gian”.
|
Không chỉ là khắc tinh của tội phạm, người đàn ông này còn hỗ trợ vá xe miễn phí, hỗ trợ người tai nạn giao thông lúc đêm khuya vắng
11g khuya một ngày cuối năm 2017, Lê Quốc Vĩnh - sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, trên đường đi làm về lại làng đại học thì xe bất ngờ bị thủng bánh sau. Trời khuya, đường vắng, Vĩnh một mình lầm lũi dắt bộ, xung quanh không có chỗ để bơm vá xe. Rất may, Vĩnh gặp được ông Minh nhận vá xe miễn phí.
|
“May mà em gặp được chú Minh, chứ nhà còn xa, phải dẫn bộ mất hơn nửa tiếng nữa. Chú rất nhiệt tình, sửa xe nhất quyết không lấy tiền. Em rất cảm động, mong chú có nhiều sức khỏe, để làm chỗ dựa cho các bạn sinh viên những lúc xảy ra bất trắc” - Lê Quốc Vĩnh nói.
Tài sản lớn nhất của người đàn ông này là chiếc bằng khen về thành tích giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn của Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM; một chiếc võng để ngả lưng; một chiếc xe máy cọc cạnh làm phương tiện mưu sinh và 3 chú mèo hoang bầu bạn sớm khuya.
Ngoài căn chòi, chiếc xe gắn máy cũ, ông chỉ có những chú mèo làm bạn
|
“Sống một mình nhiều khi cũng cảm thấy cô đơn lắm chứ. Nhưng số mình đã vậy nên không than trách ai. Xe cũng có rồi, chỗ ở thì một mình mình sống sao cũng được, tôi không mong gì thêm và cũng không muốn đi đâu nữa cả. Chỉ mong có sức khỏe để mưu sinh và hỗ trợ được gì cho cộng đồng thì làm” – người "hiệp sĩ" trải lòng.
Hoài An - Duy Quan