Hiệp hội phát hành phim Việt Nam - CGV: Vẫn tố nhau!

17/11/2017 - 08:10

PNO - Không phải là ví dụ điển hình cho ý kiến ‘doanh nghiệp nội đang bị loại khỏi thị trường trong nước’, nhưng cuộc chiến thị phần giữa CGV và doanh nghiệp trong nước là sự việc đã âm ỷ suốt vài năm nay.

Phát biểu trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XIV về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) vào hôm qua 15/11, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn đại biểu TP.HCM) nêu ý kiến: "Doanh nghiệp nội đang dần bị loại bỏ khỏi thị trường trong nước, song các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam hầu như bất lực trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh".

Hiep hoi phat hanh phim Viet Nam - CGV: Van to nhau!
Ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội

Phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa bất ngờ thổi bùng lại sự việc Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam công bố thông tin CGV "chèn ép" doanh nghiệp trong nước- một câu chuyện kéo dài đã rất nhiều năm nhưng vẫn chưa có hồi kết. 

Thời điểm hiện tại, CGV đang sở hữu 53 rạp chiếu phim, chiếm hơn 40% thị phần rạp chiếu trong nước.

CGV hiện tại là đơn vị được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là 90% phim Hollywood được nhập về ở Việt Nam thông qua họ. 10% còn lại dành Thiên Ngân (Galaxy) và Lotte Cinema, họ được quyền nhập phim của hãng Warner Bros, Europa và một số hãng phim nhỏ ở Trung Quốc, Hàn Quốc...

CGV có lợi thế lớn trong việc nhập và phát hành phim nước ngoài, lại có cơ sở hệ thống rạp lớn nhất cả nước với 80% vốn đầu tư từ ngoài. Do vậy, không ngạc nhiên với hơn 40% thị phần rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim điện ảnh tại Việt Nam thuộc về CGV. 

Hiep hoi phat hanh phim Viet Nam - CGV: Van to nhau!

CGV sở hữu 53 cụm rạp trên toàn quốc

Theo quy định của Luật Điện ảnh và Cam kết WTO, nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 51% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim. CGV là doanh nghiệp có 80% vốn đầu tư nước ngoài (đầu tư trong giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO), do đó chỉ được phép kinh doanh trong một số lĩnh vực hạn chế đã đăng ký trước đó, trong đó không được phát hành phim Việt Nam. Chính từ quy định này, các doanh nghiệp phát hành phim trong nước đã nhiều lần lên tiếng buộc CGV phải tuân thủ luật, không được “chèn ép” doanh nghiệp trong nước.

Tháng 5/2016, 8 doanh nghiệp sản xuất phim, bao gồm BHD, Galaxy Studio, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, ER và VAA, đăng tin khiếu nại CGV về vấn đề độc quyền. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, phía bị kiện là CGV cũng đang hoàn thành hồ sơ để khởi kiện ngược lại các đơn vị nêu trên về hành vi gièm pha doanh nghiệp  theo luật cạnh tranh. 

Hiep hoi phat hanh phim Viet Nam - CGV: Van to nhau!

Hệ thống rạp chiếu phim được đầu tư

Vụ kiện chưa đi đến đâu thì tháng 8/2016, sau những ồn ào liên quan tới tỷ lệ ăn chia giữa CGV với BHD – đơn vị phát hành phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, xuống mức thấp “không thể chấp nhận” khiến 2 bên không đi đến được thoả thuận cuối cùng. Cái kết được CGV đưa ra là sẽ không chiếu bộ phim này.

Những giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân – đạo diễn bộ phim và cái lắc đầu ngán ngẩm từ phía đơn vị phát hành như một sự báo động, rằng tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé đã đến hồi căng thẳng đỉnh điểm. 

Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam ngay lập tức gửi nội dung “tố” CGV chèn ép doanh nghiệp trong nước đến các cơ quan báo chí và yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những mâu thuẫn đã đến hồi căng thẳng khó giải quyết bằng các cuộc thương lượng. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một động thái nào từ cơ quan chức năng giải quyết tình trạng này.

Mới đây, ngày 13/11/2017, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam lại một lần nữa gửi đơn "tố" CGV đang có hành động cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép doanh nghiệp Việt và đang hoạt động sai luật pháp. Sự việc tiếp tục được đẩy lên cao trào khi các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề này trong Kỳ họp thứ 4 về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Hiep hoi phat hanh phim Viet Nam - CGV: Van to nhau!
Ngô Thanh Vân - đạo diễn Tấm Cám: Chuyện chưa kể

Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đang phát triển ở mức 20-25%/năm, là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với dân số đông và trẻ, Việt Nam đang có tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh. Doanh thu phòng vé khoảng dưới 100 tỷ những năm 2008 về trước đã tăng vượt bậc lên 2,835 tỷ/2016.

Những năm gần đây, Hiệp hội Phát hành và Phổ Biến phim Việt nam nhận thấy, riêng doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm hơn 65% thị phần rạp chiếu phim và gần 70% thị phần phát hành phim.

Ước tính doanh thu bán vé từ các phim Việt Nam do CGV phát hành từ năm 2015 đến hết Quý III năm 2017 là 881,6 tỷ đồng.  

Đồng thời, trong nhiều năm nay, CGV bị cáo buộc có dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để chèn ép các doanh nghiệp khác. Cụ thể, đối với phim Việt Nam do CGV phát hành tại các rạp khác, CGV đòi tỷ lệ phân chia doanh thu cao, trong khi đó, đối với phim Việt Nam do doanh nghiệp khác phát hành tại rạp của CGV, CGV lại yêu cầu tỷ lệ phân chia doanh thu thấp cho nhà phát hành. 

Bằng cách thức vừa là nhà phát hành vừa là nơi nhận phát hành, thị phần của CGV trong lĩnh vực phát hành phim Việt Nam gia tăng nhanh chóng: ước tính từ 25% trong năm 2015 lên 44% trong năm 2016 và 61% trong 9 tháng đầu năm 2017. Nếu để tình trạng này tiếp diễn, việc CGV chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường phát hành phim Việt Nam sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Trích nội dung "tố" CGV của Hiệp hội Phát hành Phim Việt Nam

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI