Hiệp Hội bất động sản TPHCM cảnh báo thị trường nhà đất nguy cơ suy thoái

08/11/2022 - 16:15

PNO - “Thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng rơi vào suy thoái, đã có doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, bán bớt tài sản, chiết khấu mạnh” – ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nhận định.

Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, năm 2022, thị trường bất động sản "sốt" giá, thị trường lệch về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Hàng tồn kho đến tháng 6/2022 của 45 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán khoảng 273.373 tỷ đồng, chiếm quá nửa giá trị tài sản doanh nghiệp. 

Thị trường bất động sản đã có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và tùy theo khu vực, nhưng giá nhà đất vẫn còn neo giữ mức giá cao do doanh nghiệp và cả nhà đầu tư có tâm lý kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm (trước Tết Qúy Mão). Tuy nhiên, sức chịu đựng có hạn, đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì doanh nghiệp sẽ phải xả hàng, thậm chí chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ để bảo tồn phần vốn còn lại.   

Thị
Với bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, Chủ tịch HoREA cảnh báo thị trường bất động sản đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái.

Trước tình hình trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cảnh báo thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái. Hiện có một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn về thanh khoản, phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn…), tinh giản tối đa bộ máy, thậm chí có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động. 

Do tắc nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp bất động sản "đói" vốn phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro, hoặc phải bán bớt tài sản với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng) tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai. Bên cạnh đó, việc bán dự án với giá hời có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thôn tính”, có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trong phiên trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội đã dự báo thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn do việc xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương đều khó khăn dẫn đến nguồn cung nhà ở sụt giảm, nguồn cung quá thiếu và quá thừa so với nhu cầu. Cơ cấu sản phẩm nhà ở bất hợp lý, số nhà ở thương mại có giá phù hợp với đa số người dân còn thiếu, nhà ở xã hội, nhà công nhân cũng thiếu, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình  thiếu trầm trọng. 

Giá nhà cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn bất động sản còn hạn chế. Nguồn cung vốn trung và dài hạn chưa có. Trong quý III/2022, người mua nhà gặp khó khăn trong tiếp cận nhà ở phù hợp với nhu cầu. Vẫn còn tình trạng đầu cơ, găm hàng bất động sản. Thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do hệ thống thông tin chưa được cập nhật đầy đủ. 

Ngọc Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI