Hiệp định Giơnevơ: “Ngoại giao ta đã thắng lợi to”

20/07/2024 - 16:51

PNO - Trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”.

Ngày 21/7/1954, sau 8 phiên họp rộng, 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập; Hội nghị Giơnevơ kết thúc, lần đầu tiên chính phủ Pháp và “mỗi nước tham gia Hội nghị Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ...”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước... Ngày 22/7/1954, trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”.

Buộc Pháp phải tôn trọng độc lập, chủ quyền

Toàn cảnh Hội nghị Giơnevơ - Ảnh: Tư liệu TTXVN
Toàn cảnh Hội nghị Giơnevơ - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơnevơ về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc. Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn báo Expressen (Thụy Điển) ngày 26/10/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm của Việt Nam: “Nếu chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách th­ương l­ượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”, “cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”…

Theo giáo sư sử học, nhà giáo nhân dân Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội), đây vốn là lập trường trước sau nh­ư một của Việt Nam - ngay từ những năm đầu của chính quyền nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố. Hội nghị Giơnevơ năm 1954 không chỉ diễn ra giữa Việt Nam và Pháp như­ năm 1946 mà có sự tham gia của các nước lớn. Như vậy, trên bình diện ngoại giao, vấn đề Đông Dương đã được quốc tế hóa. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được mời đến dự Hội nghị Giơnevơ để bàn về chính công việc của mình chứ không phải chủ động tham gia cuộc đàm phán song phương với đối thủ như­ năm 1946. Và đoàn đại biểu Việt Nam do Phó thủ tư­ớng kiêm Bộ tr­ưởng ngoại giao Phạm Văn Đồng làm tr­ưởng đoàn đến Hội nghị với t­ư thế của ngư­ời chiến thắng.

Ông nhấn mạnh: Nếu như­ năm 1946, khi đàm phán, đại biểu Pháp cố tránh né từ “độc lập” mà chỉ công nhận Việt Nam là một “quốc gia tự do” với nội hàm khá mơ hồ thì sau 9 năm chiến tranh, trong bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ đã viết: “Hội nghị tuyên bố đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”; “Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp sẽ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Cao Miên, Lào và Việt Nam”. Nếu năm 1946, với Hiệp định sơ bộ, ta phải chấp nhận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thì Hiệp định Giơnevơ quy định quân Pháp phải tập kết ở phía nam vĩ tuyến 17 để sau đó rút khỏi Việt Nam - “Hội nghị chứng nhận tuyên bố của Chính phủ Pháp nói rằng sẵn sàng rút quân đội Pháp khỏi Cao Miên, Lào và Việt Nam”.

Nhà sử học Vũ Dương Ninh - Ảnh: Đình Nam
Nhà sử học Vũ Dương Ninh - Ảnh: Đình Nam

Kết quả của Hội nghị còn có những điều chư­a thực sự đáp ứng yêu cầu của ta (như vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 13 hay 16 nh­ưng cuối cùng là 17; vấn đề thời hạn tiến hành tổng tuyển cử là sau 6 tháng hay 12 tháng nh­ưng cuối cùng là 2 năm). Song, trong bối cảnh cuộc đàm phán được quốc tế hóa với nhiều bên tham gia - khi tìm giải pháp cho cái chung, mỗi bên đều tính đến phần thành quả cho riêng mình, thì những điều chưa thực sự đáp ứng ấy là không thể tránh khỏi. Như nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Khắc Huỳnh nhận định, “thực chất Hiệp định Giơnevơ là một thỏa hiệp quốc tế được các nước lớn sắp đặt, trong đó mỗi bên tham gia đều được một phần của chiếc bánh”.

Thực tế 1 tuần trước khi Hiệp định Giơnevơ thành công, Hội nghị Trung ­ương VI cũng đã xác định: “Những thắng lợi ấy đã làm cho lực lư­ợng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta nh­ưng chư­a phải biến chuyển căn bản có tính chất chiến l­ược”. Với tình hình quốc tế khi đó, Hiệp định Giơnevơ là sản phẩm của quá trình vừa đấu tranh, vừa nhân nhượng giữa các bên tham gia cuộc đàm phán; phản ánh tương quan lực l­ượng trên chiến trường, đồng thời chịu tác động chung của tình hình thế giới. Nhà sử học Vũ Dương Ninh khẳng định: “Dù ta còn mong muốn đạt được đôi điều có lợi hơn, nhưng nhìn từ các khía cạnh, có thể thấy Hiệp định Giơnevơ là một thắng lợi về chính trị, ngoại giao, tương ứng với những thắng lợi quân sự. Đồng thời, Hội nghị cũng để lại nhiều kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao mà sau này được vận dụng thành công trong cuộc hòa đàm ở Pari. Nhìn suốt quá trình đấu tranh từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hiệp định Giơnevơ là một thành công lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu một nấc thang đi lên trong tiến trình giải phóng dân tộc”.

Mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam - Ảnh: Tư liệu TTXVN
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng tầm, đưa hình ảnh cây tre thành lý luận, thành trường phái để đặt tên cho nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam - mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, bản lĩnh, kiên định trước mọi thử thách, khó khăn”. Từ đường lối ngoại giao hôm nay, có thể thấy từ 70 năm trước, tiến trình đàm phán Hiệp định Giơnevơ đã hội tụ đủ những tính chất, tinh thần của triết lý đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”; với sự kiên định trước mọi thử thách, kiên định về chủ trương nhưng linh hoạt, khôn khéo trong sách lược.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Hiệp định Giơnevơ là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết và thực thi; khẳng định vị thế quốc gia độc lập và có chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với Hiệp định Sơ bộ 1946 và Hiệp định Paris 1973, Hiệp định Giơnevơ 1954 là một mốc son lịch sử của ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Hội nghị cũng đã tôi luyện nên những nhà lãnh đạo, đồng thời cũng là những nhà ngoại giao ưu tú. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơnevơ còn là cẩm nang quý báu về trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Paris 1973 cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: BNG
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Ảnh: BNG

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Hiệp định Giơnevơ đã để lại nhiều bài học còn nguyên giá trị. Đó là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết dân tộc gắn kết với đoàn kết quốc tế. Trong quá trình đàm phán Hiệp định Giơnevơ, chúng ta không ngừng mở rộng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Đó là bài học về kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song linh hoạt, biến hóa về sách lược theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Giơnevơ, chúng ta luôn kiên trì nguyên tắc hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ; song cơ động, linh hoạt có sách lược phù hợp với tương quan lực lượng, bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực để giành mục tiêu chiến lược.

Đó còn là bài học về luôn luôn coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, phải “biết mình”, “biết người”, “biết thời”, “biết thế” để từ đó “biết tiến”, “biết thoái”, “biết cương”, “biết nhu”. Bài học sâu sắc này còn nguyên giá trị trong bối cảnh thế giới hiện nay đang biến động phức tạp và khó lường. Bài học về sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế cũng là bài học mang tính thời đại, nhất là khi nhiều xung đột phức tạp đang diễn ra trên thế giới như hiện nay.

Tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam do Bộ Ngoại giao tổ chức, Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh khẳng định, bài học về đấu tranh tại Hội nghị Giơnevơ và kinh nghiệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã trở thành ngọn đuốc mạnh mẽ dẫn dắt cách mạng, đấu tranh quân sự và chính trị trong nhiều chiến dịch với giặc ngoại xâm và cùng giải phóng hoàn toàn 3 nước Đông Dương trong năm 1975.

Suốt 70 năm qua, ngày ký Hiệp định chấm dứt chiến sự tại Hội nghị Giơnevơ vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc bảo vệ hòa bình, xây dựng và phát triển ba nước Đông Dương ngày nay. Ba nước Lào, Việt Nam và Campuchia đã cùng nhau đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược trong quá khứ, nay sẽ lại càng tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác, ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ gìn giữ độc lập, tự do dân tộc; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế hướng tới hoàn thành mục tiêu của mỗi quốc gia đã đặt ra trong từng thời kỳ; đồng thời góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển, an ninh và hòa bình thế giới.


Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI