Cưỡng hiếp vẫn là "vũ khí chiến tranh" ở Tigray

27/08/2023 - 19:53

PNO - Hồ sơ y tế từ khắp khu vực Tigray cho thấy bạo lực tình dục tiếp tục được sử dụng để đe dọa và khủng bố cộng đồng nơi này.

 

Một phụ nữ Tigrayan bị dân quân Amhara – đồng minh của quân đội Ethiopia trong cuộc nội chiến kéo dài 2 năm – hãm hiếp tập thể – che giấu danh tính trong bức ảnh chụp năm 2021. Ảnh : Nariman El-Mofty/AP
Một phụ nữ Tigray bị hãm hiếp tập thể giấu mặt khi nói chuyện 

Một báo cáo mới tiết lộ cho thấy binh lính Eritrea và Ethiopia tiếp tục chiến dịch hãm hiếp có hệ thống và rộng khắp ở Tigray bất chấp thỏa thuận hòa bình được ký vào tháng 11 năm ngoái.

Trong báo cáo đầu tiên ghi lại bạo lực tình dục – được sử dụng từ hàng trăm hồ sơ y tế khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng 11/2020 đến tháng 6/2023 – các chuyên gia chăm sóc sức khỏe kể lại những trường hợp hiếp dâm tập thể, nô lệ tình dục và giết người, bao gồm cả việc giết trẻ em.

Báo cáo của Bác sĩ vì Nhân quyền (PHR) và Tổ chức Công lý và Trách nhiệm ở vùng Sừng châu Phi, đã xem xét 304 hồ sơ y tế về bạo lực tình dục liên quan đến xung đột từ các cơ sở y tế trên khắp Tigray cho thấy có 128 vụ hiếp dâm xảy ra sau thỏa thuận tạm dừng mọi hành động thù địch sau 2 năm nội chiến.

Lindsey Green, một trong những tác giả của báo cáo và là cán bộ chương trình cấp cao của PHR, cho biết hồ sơ y tế đã vẽ nên một bức tranh về những trải nghiệm “kinh hoàng” của phụ nữ và trẻ em gái nơi này.

“Bạo lực tình dục mà chúng tôi ghi nhận là tàn bạo và được sử dụng như một cách để đe dọa và khủng bố cộng đồng” - bà nói.

Những người sống sót sau bạo lực tình dục trong báo cáo có độ tuổi từ 8-69. 3/4 số trường hợp (76%) là bị hiếp dâm tập thể. Một số bệnh nhân cũng kể lại việc sát hại các thành viên trong gia đình, bao gồm cả trẻ em, trước, trong hoặc sau cuộc tấn công của họ. Thủ phạm trong hầu hết là thuộc các nhóm quân sự và bán quân sự.

Những người sống sót sau bạo lực tình dục thực hành nghề thủ công tại một ngôi nhà an toàn ở thủ đô Mekelle của Tigray. Ảnh: Eduardo Soteras/AFP/Getty Images
Những người sống sót sau bạo lực tình dục làm nghề thủ công tại một ngôi nhà an toàn ở thủ đô Mekelle của Tigray.

Selamawit, 22 tuổi, rời quê nhà ở phía tây bắc Tigray sau khi cô bị lính Eritrea chiếm đóng khu vực này hãm hiếp tập thể vào tháng 2. Cô kể: “Đầu tiên, có 3 người lính đã cưỡng hiếp tập thể tôi. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. 3 tên khác nữa đến và hãm hiếp tập thể tôi một cách tàn nhẫn. Khi tôi kêu lên đau đớn và cầu xin dừng lại, họ lại cười nhạo tôi”.

Harnet, 19 tuổi, bị 4 dân quân Amhara cưỡng hiếp vào tháng 12/2022 tại một thị trấn phía tây Tigray. Cô nói: “Họ giam giữ tôi tại chỗ trong 2 ngày và liên tục cưỡng hiếp tập thể tôi. Họ đã tát và đánh tôi nhiều lần”.

Trong nhiều trường hợp, phụ nữ có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chỉ vài tháng sau khi bạo lực xảy ra và bị biến chứng nghiêm trọng do bị tấn công. Báo cáo liệt kê phần lớn phụ nữ bị tấn công bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm, tiểu không tự chủ, chảy máu tử cung và đau vùng chậu mãn tính. Trong nhiều trường hợp, việc cưỡng hiếp dẫn đến việc phụ nữ có thai hoặc nhiễm HIV.

Một y tá tại một bệnh viện ở phía bắc Tigray chăm sóc những người sống sót sau bạo lực tình dục cho biết: “Thiếu thuốc và thiếu phương tiện để điều trị các biến chứng về sức khỏe thể chất và tinh thần của những người sống sót. Các trường hợp mới vẫn đang được báo cáo. Hầu hết những người sống sót đều bị tra tấn và cưỡng hiếp".

Cuộc xung đột tàn khốc kéo dài 2 năm bắt đầu vào tháng 11/2020 khi chính phủ Ethiopia bắt đầu các hoạt động quân sự ở Tigray nhằm chống lại đảng cầm quyền trong khu vực. Cuộc chiến ước tính đã giết chết 600.000 người, khiến nó trở thành một trong những cuộc xung đột nguy hiểm nhất thế giới gần đây.

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI