Hiếp dâm: Trang phục khiêu gợi là tội đồ?

09/10/2019 - 21:38

PNO - Hầu hết nữ nạn nhân trình báo bị hiếp dâm đều bị hỏi: “Mặc gì lúc đó?”. Nhưng câu hỏi này lại chả bao giờ xuất hiện với một nạn nhân nam giới.

Vòng luẩn quẩn “đổ lỗi cho nạn nhân” bắt đầu khi họ bị truy vấn về trang phục, nồng độ cồn trong máu, quá khứ tình dục, trong khi điều đáng lẽ cần phải tập trung và cũng chính là nguyên nhân duy nhất: kẻ hiếp dâm, lại ít khi nhắc đến.

Hẳn chúng ta vẫn chưa quên các cuộc biểu tình chấn động Ireland, cả trên mạng lẫn ngoài đường phố diễn ra hồi cuối năm ngoái. Tại phiên tòa xử tội cưỡng dâm, một luật sư trưng ra “chứng cứ” về loại đồ lót mà nạn nhân đã mặc vào lúc vụ án xảy ra, hòng gỡ tội cho bị cáo. Ngay lập tức, các nhà hoạt động nữ quyền nước này đã đồng loạt đăng những bức ảnh đồ lót của chính họ lên mạng để phản kháng.

Quần lót không biểu thị cho cái gật đầu

Vụ việc xảy ra ở Cork, thành phố phía tây nam Ireland. Trong bài bào chữa trước giờ tuyên án, luật sư đề nghị bồi thẩm đoàn xem xét việc lựa chọn quần lót của nữ nạn nhân mười bảy tuổi. Lạ lùng thay, sau đó bị cáo đã được tuyên vô tội. Có nghĩa rằng, bộ đồ lót của cô gái tuổi teen đã được xem như “bằng chứng” chống lại cô trong một phiên tòa.

Sau phiên tòa, một chiến dịch lan truyền với hàng ngàn phụ nữ đăng tải hình ảnh quần lót của mình lên phương tiện truyền thông xã hội, kèm hashtag #ThisIsNotConsent (Đây không phải là sự gật đầu). Các hashtag xuất phát từ nhóm kín trên Facebook có tên “Mna na hEireann” (Phụ nữ Ireland). Susan Dillon, một thành viên của nhóm, nói: “Chúng tôi đề nghị một cuộc biểu tình để khẳng định rằng, những gì phụ nữ mặc không cấu thành sự đồng ý cho những kẻ suy đồi… Rõ ràng chúng ta phải hành động để xua tan quan niệm cổ xưa rằng, quần áo mời gọi hiếp dâm”. 

Hiep dam: Trang phuc khieu goi la toi do?
Twitter của Shubhangi Karmakar với hí họa các kiểu quần lót khác nhau đi cùng hashtag #ThisIsNotConsent cho thấy thông điệp: không phải phụ nữ sẽ gật đầu đồng ý khi họ mặc quần lưới, quần lọt khe hoặc thậm chí không mặc gì 

Một thành viên khác, Shubhangi Karmakar, đã vẽ hí họa các kiểu quần lót khác nhau và tuyên bố rằng: “Không phải chúng tôi sẽ gật đầu đồng ý khi mặc quần lưới, quần lọt khe, hoặc thậm chí không mặc gì”. Một người dùng Twitter chia sẻ các bức vẽ của Karmakar, bình luận: “Nếu quần lót của tôi dễ thương, không có nghĩa là tôi đồng ý”.
Các cuộc biểu tình sau đó đã được tổ chức tại Galway, Limerick, Dublin và Cork bởi Tổ chức phong trào xã hội nữ quyền Rosa. Fiona Ryan, phát ngôn viên của Rosa, tuyên bố: “Chúng tôi quyết định kêu gọi các cuộc biểu tình không chỉ cụ thể trong trường hợp này - đồ lót của một cô gái đã “chống lại” cô trong phiên tòa xử tội cưỡng dâm - mà còn kêu gọi chấm dứt nạn đổ lỗi cho nạn nhân tại tất cả các phiên tòa. Sự đoàn kết quốc tế là cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi thực sự về mặt pháp lý”.

Qua các tranh cãi gay gắt này, thẩm phán tòa phúc thẩm đã nghỉ hưu Sir John Gillen được giao nhiệm vụ xem xét lại hệ thống tố tụng hình sự ở Bắc Ireland, khi xử lý các vụ án phạm tội tình dục nghiêm trọng.

Bạn đã mặc gì lúc đó?

Nạn nhân của các cuộc tấn công tình dục thường phải đối mặt và chống chọi với hàng loạt sang chấn tâm lý. Một trong số đó là câu hỏi của cơ quan tố tụng: “Bạn mặc gì lúc đó?”. Hàm ý của câu hỏi cho thấy, nếu nạn nhân mặc một trang phục khiêu khích, thì mức độ “cảm thông” cho bị cáo sẽ được xem xét. Tuy nhiên, triển lãm đã minh chứng câu hỏi đó hoàn toàn vô nghĩa, đồng thời, gây tổn thương cho nạn nhân, hoặc nghiêm trọng hơn, đã ngầm “cổ xúy” cho vấn nạn hiếp dâm.

Mới đây, cuộc triển lãm với tên gọi “Bạn mặc gì lúc đó?” tại Trung tâm Cộng đồng CCM ở Brussels (Bỉ) đã đưa ra bằng chứng sắc bén, bác bỏ ý kiến “trang phục xúi giục hành vi cưỡng hiếp”. 

Hiep dam: Trang phuc khieu goi la toi do?
Triển lãm “Bạn mặc gì lúc đó?” tại Đại học Kansas (Hoa Kỳ) - Ảnh: Scarymommy

Triển lãm trưng bày mười tám bộ quần áo mà các nạn nhân từng mặc vào thời điểm họ bị hiếp dâm, cùng với tường thuật ngắn gọn của chính họ. Đó là những trang phục hết sức đời thường, không hề hở hang, khiêu khích hay mời gọi: những bộ quần áo pyjamas tay dài, đồ thể thao, thậm chí còn có cả một chiếc áo thun trẻ em My Little Pony… 

Điều này cho thấy, trang phục không bao giờ là lời biện minh cho hành vi hiếp dâm, hay cái cớ xảy ra tội ác. Cuộc triển lãm mang đến cho người xem cái nhìn đồng tình: rõ ràng, trang phục hoàn toàn vô tội. “Cuộc triển lãm cũng cho thấy một sự thật đau lòng, hầu hết nạn nhân đều nhớ chính xác những gì họ mặc vào lúc bị tấn công”, Lieshbeth Kennes, nhân viên tư vấn kiêm đào tạo thuộc Trung tâm Công ích phúc lợi CAW, chỉ vào chiếc áo My Little Pony và nói.

Tại triển lãm, từng bộ trang phục bất cứ người bình thường nào cũng có mặc - đều là những câu trả lời câm lặng cho cùng một câu hỏi, cũng như cầu khẩn người xem nhận thức được rằng: dù mức độ che phủ cơ thể tới đâu, thì hậu quả vẫn như nhau một khi đã có dã tâm.

Đừng là “con mồi” của nạn hiếp dâm

Đọc dòng chia sẻ: “Quần bó màu đỏ và áo thun trắng là những gì tôi mặc vào cái đêm tôi bị cưỡng hiếp” của một nạn nhân mười lăm tuổi, nhiều người có lẽ sẽ hình dung ngay cô bé đã trông như thế nào? Rằng chiếc quần có bó sát quá không, cổ áo có trễ không, hay ngực áo có in slogan khiêu khích không? Theo Trung tâm Y tế cộng đồng Molenbeek (một trong mười chín đô thị vệ tinh của Brussels), thì “niềm tin trang phục chính là nguyên nhân gây ra vụ hãm hiếp, đã khiến các nạn nhân bị tổn thương cực lớn”.

Khi tổ chức tại Đại học Kansas (Hoa Kỳ), triển lãm “Bạn mặc gì lúc đó?” đã đặt ra một vấn đề ngấm ngầm chảy trong đời sống chúng ta, rằng “văn hóa cưỡng dâm” là sự “bình thường hóa” của các vụ bạo lực tình dục.

Nữ nhà báo Brooke Kwatny Kravitz cho rằng: “Để đánh giá một vụ tấn công tình dục, thì câu hỏi duy nhất đúng trọng tâm, chỉ là có sự đồng thuận hay không mà thôi”. Tuy nhiên, theo bà, “văn hóa cưỡng dâm” đã dần khiến con người tin rằng, trang phục của nạn nhân cũng là nguyên nhân. Thứ “văn hóa” này đã khiến người ta thường xuyên bỏ qua nguyên nhân chính của vụ tấn công là kẻ cưỡng dâm, mà chỉ cố xác định tại sao xảy ra chuyện cưỡng hiếp. “Họ lại đặt nghi vấn và xem xét kỹ lưỡng những gì người bị hại mặc vào lúc đó. Một khuôn mẫu của thói đổ lỗi cho nạn nhân hết sức rác rưởi”, Kravitz viết.

Theo nữ nhà báo, hầu hết nữ nạn nhân trình báo bị hiếp dâm đều bị hỏi: “Mặc gì lúc đó?”. Nhưng câu hỏi này lại chả bao giờ xuất hiện với một nạn nhân nam giới. “Cứ 98 giây lại có một người Mỹ bị tấn công tình dục, và chỉ có một trong ba vụ được trình báo. Vòng luẩn quẩn đổ lỗi cho nạn nhân bắt đầu khi họ bị truy vấn về trang phục, nồng độ cồn trong máu, quá khứ tình dục và nhiều thứ khác, trong khi điều đáng ra nên tập trung, cũng là nguyên nhân duy nhất gây án: kẻ hiếp dâm, thì lại ít được nhắc đến”, Kravitz cho hay.

Khi các nạn nhân bắt đầu tự vấn “mình đã làm gì để đáng bị thế này?”, cũng chính là lúc họ thấy hổ thẹn và quyết định giấu nhẹm mọi việc thay vì trình báo. Điều đó cũng có nghĩa kẻ cưỡng hiếp sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tất cả sự đổ lỗi và nghi vấn đã bồi đắp nên “văn hóa cưỡng hiếp”.

Hiep dam: Trang phuc khieu goi la toi do?
Chính nạn nhân hiếp dâm cũng thường tự đổ lỗi cho trang phục của mình. Ảnh minh hoạ

Chrissie Hynde, giọng ca chính của The Pretenders, đã viết trong tự truyện của mình rằng, cô ấy hoàn toàn có lỗi khi bị cưỡng hiếp. Kravitz lập tức phản bác một cách đanh thép: “Nếu một người phụ nữ say xỉn mặc đồ lót ra đường thì đáng bị hiếp dâm. Đó là lỗi của cô ấy. Không, thưa cô Hynde, cô đã trở thành con mồi của “văn hóa hiếp dâm” rồi. Nạn cưỡng hiếp không thuyên giảm bởi trang phục bạn mặc, hay lượng cồn mà bạn đã đưa vào cơ thể, hay số đàn ông bạn đã ngủ trước đây”. 

Và đúng như thế, với một xã hội văn minh, thì câu hỏi duy nhất nên đưa ra cho một nạn nhân bị cưỡng hiếp là: “Tôi có thể giúp gì cho bạn?”. Một cuộc đối thoại theo chiều kín như thế sẽ khích lệ nạn nhân tố cáo, mô tả chính xác nhân dạng hung thủ, và tăng sức mạnh cho họ phục hồi tâm sinh lý trong những năm tháng sau đó. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI
  • “Người thứ ba”

    “Người thứ ba”

    20-12-2024 10:00

    Thế nhưng, cũng chính vì quá thân, cộng với suy nghĩ “thân thì không cần giữ kẽ”, chị thường xuyên làm chúng tôi khó xử.

  • Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    Chuyện tình cha mẹ tôi: Ba mê rửa chén vì muốn mẹ nghỉ ngơi

    20-12-2024 06:34

    Mấy chục năm qua, chị em tôi đã quen thuộc với hình ảnh ba vào bếp. Ba tình nguyện làm "người đam mê rửa chén" vì ba yêu gia đình.

  • 70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    70 tuổi, cha tôi vẫn miệt mài làm rẫy giữ đất

    19-12-2024 17:54

    Mỗi lần nghĩ đến hình ảnh cha già cặm cụi đi cắt cành, bón phân, kéo ống nước tưới cây, tôi thấy lòng đau như ai cắt từng khúc ruột.

  • Xuân… nhặt

    Xuân… nhặt

    19-12-2024 06:46

    Nhà không rộng, chỉ có khoảng ban công là có thể nuôi cây. Vậy là ba cứ đem cây về chăm sóc, tưới tắm, nâng niu.

  • Tôi đi thuê người yêu

    Tôi đi thuê người yêu

    18-12-2024 17:05

    Tại TPHCM, có một dịch vụ được chào mời vừa công khai lại vừa kín đáo: dịch vụ của những người yêu thuê giờ.

  • Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    Tuổi ăn đám cưới, tuổi viếng đám tang

    18-12-2024 10:30

    Tôi nhận ra, ở độ tuổi ngấp nghé 50 của mình, tôi đi viếng đám tang nhiều hơn những đám, tiệc khác.

  • “Tạm ứng” gối chăn

    “Tạm ứng” gối chăn

    18-12-2024 06:17

    Trong công việc, cuộc sống, người ta có thể tạm ứng nhiều thứ, nhưng tạm ứng gối chăn sẽ để lại nhiều hậu quả khó lường.

  • Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    Chỉ đường cho hươu: Yêu người hơn tuổi

    17-12-2024 18:37

    Lòng con canh cánh về mối tình ngang trái của mình. Mỗi khi nghe ai đó nói “phi công trẻ”, “hồng hài nhi”… là con lại chộn rộn, mắc cỡ.

  • Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    Ai rồi cũng tập thể thao: Bước ngoặt huy hoàng trong công cuộc tập luyện của tôi

    17-12-2024 12:48

    Bạn thuyết phục ròng rã mấy tháng trời. Bạn bảo sẽ cùng tôi đi bộ về đích để tôi không thấy ngại.

  • Chữ hiếu trong kinh doanh

    Chữ hiếu trong kinh doanh

    17-12-2024 08:51

    Tôi thích được ngồi nghe mẹ kể chuyện xưa, được ăn cơm với mẹ, được cùng mẹ đi thăm bà con… Mấy món mẹ nấu là ngon nhất thế giới.

  • Trăm năm trong cái nắm tay

    Trăm năm trong cái nắm tay

    17-12-2024 06:03

    Người ta có thể dễ dàng đến bên nhau, nhưng liệu có bao nhiêu người đi được cùng nhau tới tuổi xế chiều?

  • “Siêu xe” của ông nội

    “Siêu xe” của ông nội

    16-12-2024 16:19

    Chiếc “siêu xe” của ông nội đã theo chủ nhân được gần 15 năm. Mỗi ngày, ông luôn dành thời gian chăm chút nó, như người bạn đồng hành đáng tin cậy.

  • Lời nói như dao

    Lời nói như dao

    16-12-2024 13:03

    Cần tránh những lời nói xúc phạm, miệt thị, thay vào đó là những lời nói lịch sự, tôn trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ.

  • Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    Trẻ em cần thế giới thật đầy yêu thương

    16-12-2024 06:21

    Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.

  • Khoảnh khắc dài nhất

    Khoảnh khắc dài nhất

    15-12-2024 17:58

    Chỉ cần gặp mẹ, được ngồi gần mẹ, mọi chênh chao, chơi vơi, xáo trộn đều được lắng xuống, chữa lành.

  • Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    Ngoại vẫn chắt chiu những hạt mè

    15-12-2024 16:54

    Có lẽ vì vị mè ướp đẫm mồ hôi của ngoại, cũng có thể vì khói bếp thân thương làm thơm chén cơm nóng hổi quyện cùng vị muối mè mằn mặn.

  • Con bình thường hay đặc biệt?

    Con bình thường hay đặc biệt?

    15-12-2024 06:48

    Mong con thông minh vượt trội hay chỉ cần con khỏe mạnh, bình thường, câu trả lời của bạn là gì?

  • Ngưng đổ lỗi!

    Ngưng đổ lỗi!

    14-12-2024 19:37

    Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng.