Hội thánh Đức Chúa Trời có những thuyết giáo kỳ lạ như buộc con người ly khai với gia đình, kêu gọi sinh viên, học sinh nghỉ học để tiếp tục truyền đạo… nhưng vẫn có không ít bạn trẻ tin theo. Điều này đặt ra dấu hỏi về sức hút cũng như vai trò tuyên truyền của Đoàn, Hội đối với người trẻ.
|
Nhiều sinh viên đã tham gia Hội thánh Đức Chúa Trời - Ảnh: Internet |
Nguyễn Võ Hồng Thơ - sinh viên năm thứ hai Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM:
Đoàn và Hội không mang lại lợi ích “hữu hình”
Tôi từ H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đến TP.HCM học tập. Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn vì lúc nào cũng có cha mẹ và anh trai làm chỗ dựa cả vật chất lẫn tinh thần. Nhiều bạn bè của tôi không may mắn như vậy. Họ không chỉ thiếu tiền để trang trải sinh hoạt hằng ngày mà còn thiếu cả người an ủi, chia sẻ. Họ rất dễ tự ái, ít hòa đồng với bạn bè trong lớp.
Tôi từng rủ vài bạn tham gia sinh hoạt Đoàn, văn nghệ sinh viên, nhưng các bạn nói thẳng là phải đi làm thêm, kiếm tiền để tự xoay xở cuộc sống. Tôi nghĩ, mọi người đừng trách các bạn trẻ sao dại khờ tin lời truyền giáo của Hội thánh Đức Chúa Trời (HTĐCT). Những người truyền giáo này rất thông minh, họ biết sinh viên hụt hẫng niềm tin, nên xoa dịu họ bằng một “đức tin”.
Đã vậy, khi các bạn vừa vào đạo, liền được trao một cái gọi là “sứ mệnh” có kèm lợi ích. Nhiều bạn được thuyết phục vào sau khi được tham gia các kỹ năng sống do hội này tổ chức. Trong khi đó, Đoàn, Hội không có lợi ích “hữu hình” như vậy nên khó cạnh tranh.
Anh Phạm Kiều Hưng - Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Thanh niên trường học Thành Đoàn TP.HCM, Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên TP.HCM:
Khéo léo thoái thác và báo ngay cơ quan chức năng
Thành Đoàn và Hội Sinh viên TP.HCM rất quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi đang yêu cầu các Đoàn trường, chi hội sinh viên các trường rà soát, phản hồi chính xác xem có hay không việc lôi kéo sinh viên, học sinh tham gia vào HTĐCT và có những biểu hiện, hành vi tiêu cực như dư luận nêu trong thời gian qua.
Cao Nguyễn Phi Phi - học sinh lớp 12, ngụ tại H.Củ Chi, TP.HCM:
Có những lúc tôi thật cô đơn, muốn tìm đến một tôn giáo nào đó
Cha tôi là tài xế, mẹ tôi là thợ may. Việc mưu sinh khiến hai người đầu tắt mặt tối. Hai chị em tôi từ nhỏ đã tự đi học, đi về nhà trọ mỗi ngày, chờ mẹ tan ca, còn cha thì mấy ngày mới gặp. Không khí gia đình có lúc cũng rộn tiếng cười, nhưng rất hiếm. Thường thì chị em tôi cứ thui thủi với nhau.
Có khi hai đứa bệnh, mẹ cũng không nghỉ việc lo cho con được. 12 năm rồi, cha tôi chưa bao giờ họp phụ huynh cho tôi. Tôi không trách cha mẹ, vì họ đã cật lực cho cuộc sống và tương lai của chúng tôi. Nhưng thật sự, có những lúc tôi rất cô đơn, muốn tìm một đức tin nào đó. Tôi thấy người ta đi lễ, đi chùa, cũng hay hay.
|
Thành Đoàn và Hội Sinh viên TP.HCM cũng đã khuyến cáo đến học sinh, sinh viên: khi bị những đối tượng truyền đạo trái phép lôi kéo, các bạn cần bình tĩnh, khéo léo tìm cách thoái thác và báo ngay cho cơ quan chức năng. Nếu ở trong khuôn viên trường, ký túc xá thì báo ngay cho bảo vệ, phòng công tác sinh viên, ban quản lý ký túc xá hoặc Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của trường; còn nếu ở khu nhà trọ, ngoại trú thì nên báo ngay cho công an hoặc chính quyền địa phương.
Thành Đoàn và Hội Sinh viên TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các trường và cơ quan chức năng để kịp thời nắm bắt, thông tin và định hướng cho đoàn viên, hội viên, thanh niên trước những vấn đề, hiện tượng có tác động thiếu tích cực đến đời sống học tập, sinh hoạt, rèn luyện của học sinh, sinh viên.
Trần Thị Thanh Thụy - cựu sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM:
Họ tìm cách tiếp cận người trẻ từ khắp nơi
Tôi tốt nghiệp đại học năm 2016. Trước đó một năm, nhóm bạn chơi chung với tôi đã bị những người tự xưng là của HTĐCT tìm đến rủ rê theo tôn giáo này. Họ tiếp cận chúng tôi và những người trẻ khác từ khắp nơi, từ trước cổng trường, ngay trước Nhà Văn hóa Thanh Niên, dọc các quán cà phê bên bờ kè kênh Nhiêu Lộc.
Em gái tôi hiện là sinh viên kể, vừa mang giấy báo trúng tuyển đại học vào trường, làm thủ tục nhập học, chưa nộp kịp hồ sơ chuyển sinh hoạt Đoàn thì đã có chị kia đến rủ vào HTĐCT, hướng dẫn tỉ mẩn cách thức tham gia.
Không chỉ rủ rê, thuyết phục trực tiếp, họ còn lợi dụng các trang mạng xã hội, tổng đài tin nhắn để truyền bá về HTĐCT. Các facebooker, blogger này rất kiên trì, nhiều lý lẽ. Tôi thấy Đoàn, Hội Sinh viên tiếp thị không nhanh bằng họ.
Năm học 2016-2017 vừa rồi, khi chưa có việc làm, chúng tôi tham gia hỗ trợ đón tân sinh viên ở ga xe lửa Hòa Hưng thì phát hiện một vài người trẻ cũng ăn mặc giống sinh viên chúng tôi nhiệt tình chào đón các em, hướng dẫn các em đường đi và rủ rê vào HTĐCT. Do phát hiện kịp thời, tôi và các bạn đã chạy theo can ngăn thì họ lánh đi, nhưng hôm sau lại xuất hiện.
Theo tôi, Đoàn, Hội Sinh viên và nhà trường cần xem lại việc tăng cường các kênh tiếp cận với đoàn viên, hội viên, mở nhiều sân chơi lành mạnh để thu hút các bạn trẻ, giúp các bạn tránh xa những tổ chức truyền bá mê tín dị đoan.
Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn Luật sư TP.HCM:
Đoàn, Hội không còn “chất lửa” như xưa
Từng là một cán bộ Đoàn suốt thời đại học, tôi thấy “chất lửa” của hoạt động Đoàn, Hội Sinh viên hiện không còn như trước nữa. Những ngày xuống đường rầm rộ, những đêm sinh hoạt chủ điểm sôi nổi; những lớp học phải tách hai, ba chi đoàn bởi có đến hàng trăm sinh viên không còn nữa.
Thậm chí, Nhà Văn hóa Thanh Niên cũng không còn là “điểm hẹn lớn” của thanh niên như những năm xưa… Thực chất, công tác Đoàn, Hội khó khăn hơn, nhất là ở giai đoạn công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, con người ngồi một chỗ cũng có thể kết nối khắp nơi. Nhiều người trẻ vẫn nghĩ chỉ cần có mạng là đủ, cần gì phải vô Đoàn, vô Hội.
Tôi nghĩ đã đến lúc Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên TP.HCM cần một chiến lược để hướng thanh niên, sinh viên, học sinh vào những hoạt động lành mạnh. Với hoạt động tôn giáo, Đoàn, Hội phải tỏ rõ quan điểm tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng đó phải là những tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, hợp pháp.
Anh Trần Minh Trọng - Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Leadman:
Đối thoại giúp người trẻ vực lại niềm tin
Cuộc sống có nhiều khó khăn, thử thách khiến không ít bạn trẻ thiếu niềm tin, đặc biệt là thiếu niềm tin vào bản thân. Hiện tượng này phổ biến ở các bạn trẻ thuộc gia đình trung lưu và khó khăn. Trước hiện thực xã hội đầy tính tranh đua, áp lực công việc, học hành, nền tảng hôn nhân ngày càng lỏng lẻo, cha mẹ ly hôn ngày càng nhiều… các bạn trẻ không có chỗ dựa tinh thần, không tin vào đâu cả, từ gia đình, bạn bè, người thân, thầy cô giáo... Những người truyền bá về HTĐCT đã tận dụng được cơ hội này.
Từng gắn bó nhiều năm với công tác Đoàn, tôi nhận thấy việc phê phán, phê bình, hay đề nghị lên tiếng tố cáo hoạt động phi pháp của các tổ chức lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng trục lợi như HTĐCT theo tôi chỉ là giải pháp tình thế. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần đối thoại, nói chuyện với thanh niên, sinh viên, học sinh nhiều hơn, để hiểu nhau.
Cần nói nhiều, chia sẻ thật nhiều để bật lên được những suy nghĩ, góc khuất trong sâu thẳm tâm tình của từng người trẻ, giúp họ vượt qua mặc cảm, tự ti, từ đó vực dậy niềm tin cho các bạn trẻ.
|
Hạnh Chi (thực hiện)